Ông Trần Gia Lương - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHHMTV Điện lực Hải Dương: Công đoàn cơ sở phải tích cực đổi mới, hết mình vì người lao động
Năm 2005, từ một đơn vị hạch toán phụ thuộc, Điện lực Hải Dương chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Do những xáo trộn và đặc điểm của mô hình mới nên hoạt động công đoàn đứng trước những khó khăn không nhỏ. Nổi bật nhất là nguồn quỹ phúc lợi bị “âm” do không có nguồn bổ sung. Điều này đã ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động. Trong bối cảnh đó, Công đoàn đơn vị đã xây dựng chương trình hành động cho phù hợp với tình hình mới, vừa đảm bảo quyền lợi người lao động. Với nỗ lực của mình, Công đoàn đã củng cố lại tổ chức, từng bước phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo chuyên môn xây dựng thoả ước lao động, các quy chế, quy định lao động và các loại quỹ cần thiết. Đến nay, nguồn quỹ đã được bổ sung hơn 1 tỷ đồng. Công đoàn đơn vị cũng đã xây dựng được Quỹ hỗ trợ chung, Quỹ hỗ trợ nữ CNVC-LĐ... tạo cơ sở để hỗ trợ, giúp đỡ, động viên và khen thưởng người lao động.
Nhờ hoạt động có hiệu quả, Công đoàn đơn vị đã khẳng định được vai trò, tiếng nói trong Công ty. Các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động từng bước được đảm bảo, tạo động lực khích lệ người lao động hăng hái tham gia và đạt được nhiều kết quả tốt trong các phong trào thi đua lao động sản xuất và phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất. Hiện nay, thu nhập bình quân khối sản xuất kinh doanh điện là 4,1 triệu đồng/người/tháng, khối công việc công nghiệp là 3,9 triệu đồng/người/tháng.
Từ thực tiễn công tác công đoàn tại đơn vị mình, chúng tôi cho rằng, để tổ chức công đoàn hoạt động ngày càng thiết thực, chăm lo tốt hơn người lao động thì công đoàn phải tiếp tục đổi mới phương thức làm việc cho phù hợp hơn với đặc thù đơn vị, tránh hô hào chung chung, cứng nhắc, làm sao để người lao động khi tham gia các phong trào do công đoàn phát động tự giác trên cơ sở nhận thức rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của mình. Đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách phải thật sự năng động, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng người lao động và cống hiến hết mình vì người lao động. Lãnh đạo công đoàn cần xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết, thường xuyên với lãnh đạo chuyên môn và cụ thể hoá thành các quy chế, quy định, chương trình nhằm bảo vệ, chăm lo ngày một tốt hơn đời sống người lao động của đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Hường - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực 1:Đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động nhận thức rõ cơ hội và thách thức của mình
Công đoàn Công ty Điện lực 1 luôn phấn đấu thực hiện tốt trách nhiệm là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, phối hợp chặt chẽ với chuyên môn để tạo điều kiện lao động tốt nhất cũng như chăm lo đời sống cho CNVC-LĐ của đơn vị. Bằng việc ban hành và cam kết thực hiện Quy chế phối hợp giữa lãnh đạo chuyên môn và tổ chức công đoàn nên hoạt động Công đoàn tại Công ty Điện lực 1 có nhiều thuận lợi: Lãnh đạo chuyên môn đã thực hiện những quy định của Bộ luật lao động về việc tạo điều kiện để tổ chức công đoàn hoạt động; Công đoàn được tham gia vào quá trình quản lý, tổ chức sản xuất, được đại diện người lao động quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, được tham gia vào các hội đồng xét duyệt các vấn đề liên quan đến người lao động. Bên cạnh việc đảm bảo việc làm, tiền lương và thu nhập, Lãnh đạo công ty còn vận động CNVC-LĐ đóng góp xây dựng Quỹ nhân đạo, giao cho công đoàn Công ty quản lý để hỗ trợ cho CNVC-LĐ mắc bệnh hiểm nghèo và có những hoàn cảnh đặc biệt...
Khi đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập cùng với việc chuyển đổi sang mô hình Tập đoàn của EVN, Công đoàn Công ty Điện lực 1 đã tuyên truyền để người lao động nhận thức rõ về cơ hội và thách thức với doanh nghiệp nói chung và mỗi người lao động nói riêng cũng như các yêu cầu mới đối với mỗi người lao động. Công đoàn Công ty đã dùng nhiều hình thức tuyên truyền, trong đó có tổ chức hội thi “Văn hoá doanh nghiệp” trong toàn Công ty. Đây là một đợt tuyên truyền rộng rãi để CNVC-LĐ thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu của đơn vị, đồng thời để họ nỗ lực hơn nữa trong việc phấn đấu nâng cao trình độ năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, để Công đoàn PC1 có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình thì Công đoàn và chuyên môn cần nghiên cứu để đẩy mạnh SXKD, tăng doanh thu, thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao để đảm bảo tiền lương và thu nhập của người lao động, Công đoàn Điện lực Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến đặc thù của từng đơn vị để đề xuất với lãnh đạo Tập đoàn trong việc giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Phó chủ tịch công đoàn cơ sở Điện lực Kiên Giang: Đổi mới phương pháp làm việc, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của người lao động
Đối với đời sống của CNVC-LĐ, Điện lực Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực để ngày càng nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Nếu thu nhập bình quân đầu người năm 2004 là 3,3 triệu đồng/tháng thì đến năm 2007 đã tăng lên 5,5 triệu đồng/tháng. Các chế độ nâng lương, nâng bậc đã được thực hiện theo đúng quy chế. Việc thường xuyên phát động thi đua và duy trì các phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, tổ chức giao lưu học hỏi các điện lực bạn, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập... đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn đơn vị. Mọi CBCNV trong đơn vị vì vậy rất an tâm công tác để hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như tham gia các hoạt động phong trào. Cơ hội và thách thức đối với ngành Điện là rất lớn, đòi hỏi mỗi người lao động phải luôn phấn đấu học tập, đổi mới phương pháp làm việc và tu dưỡng rèn luyện mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng như khơi dậy tiềm năng to lớn và sức sáng tạo trong đội ngũ CNVC-LĐ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.