Sự kiện

Bất hợp lý trong đơn giá đền bù ở Đắk Lắk

Thứ sáu, 5/12/2008 | 09:38 GMT+7
Ðể xây dựng các công trình điện, ngoài các vấn đề về kỹ thuật, vốn, thi công, thì công tác đền bù là khâu rất nhạy cảm, không thể xem nhẹ. Thực hiện tốt việc đền bù mới nhanh chóng giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho thi công cũng như bảo đảm an toàn lưới điện khi công trình đưa vào vận hành.

Ðơn giá đền bù là cơ sở pháp lý trong việc áp giá đền bù cũng như thanh quyết toán. Ðơn giá đền bù sát, đúng thì việc đền bù  thuận lợi, suôn sẻ; ngược lại, đơn giá đền bù không hợp lý sẽ gây ách tắc, trở ngại và đó là lực cản làm chậm tiến độ thi công. Thực tế hiện nay, mỗi tỉnh có một đơn giá đền bù khác nhau. Nhiều tỉnh, đơn giá đền bù phù hợp, sát đúng thực tế giúp cho việc triển khai xuôi chèo mát mái. Riêng ở tỉnh Ðắklắk, đơn giá đền bù cây cối chưa phù hợp nên rất khó khăn trong việc GPMB.

Ðơn cử như chuyện giá đền bù cây cà phê - cây trồng phổ biến, truyền thống và có giá trị kinh tế cao của địa phương. Theo Quyết định số 19/2008/QÐ-UBND ngày 16/5/2008 của UBND tỉnh ÐắkLắk, giá bồi thường cây trồng, tài sản, vật kiến trúc khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Tỉnh được áp dụng đối với cây cà phê kinh doanh loại A (cà phê kinh doanh năm thứ 6 đến năm thứ 25 là đơn giá cao nhất: 148.600 đồng/cây). Thử làm một phép tính đơn giản: Một cây cà phê kinh doanh loại A mỗi năm thu hoạch từ 5 đến 10 kg nhân, giá một kilôgam cà phê nhân trên thị trường bình quân 35.000 đồng, thì mức giá đền bù như trên chưa bằng giá trị thu hoạch trong một vụ. Ðấy là chưa nói đến việc người trồng chịu thiệt hại lâu dài vì phải chặt bỏ vĩnh viễn để GPMB. Mặt khác, để có được cây cà phê kinh doanh, người trồng phải đầu tư nhiều tiền của, công sức mới có được…

Ban QLDA lưới điện (thuộc Công ty Ðiện lực 3 - PC3) hiện đang triển khai xây dựng công trình Ðường dây 110 kV Krông Búk – Ea Hleo và TBA 110 kV Ea Hleo. Với quy mô xây dựng mới tuyến đường dây 110 kV dài 34,2 km và 01 TBA 110 kV, công trình đi qua địa bàn 7 xã, thị trấn thuộc hai huyện Krông Búk và Ea Hleo, tỉnh Ðắklắk. Nét đặc trưng của công trình là hầu hết đường dây đi qua vườn cà phê kinh doanh. Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư hai huyện Krông Búk và Ea Hleo (có sự tham gia của Ban QLDA lưới điện) đã hoàn thành việc kiểm kê, áp giá, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đền bù giai đoạn I (đền bù đất và cây cối có trên đất để xây dựng móng trụ và TBA). Do giá đền bù cây cà phê thấp nên gần 100 hộ dân khắp 7 xã, thị trấn của hai huyện Krông Búk và Ea Hleo (trong đó có 24% người dân tộc Ê Ðê) không chịu nhận tiền đền bù. Việc động viên, thuyết phục người dân nhận tiền đền bù thiệt hại cây cà phê rất khó khăn, nan giải, mất rất nhiều thời gian. Người dân không chống đối chủ trương xây dựng công trình điện, nhưng giá đền bù cây cà phê không thoả đáng nên họ không nhận tiền, đồng nghĩa với việc trở ngại cho công tác thi công.

Như đã nói ở trên, đây mới chỉ đền bù giai đoạn I, còn các giai đoạn tiếp theo như vận chuyển nguyên vật liệu, kéo cột, kéo dây, hành lang tuyến… cây cối bị hư hại sẽ tiếp tục phải đền bù. Do đó, nếu đơn giá đền bù không sớm sửa đổi thì khó khăn, vướng mắc còn kéo dài. Trong cơ chế thị trường, biện pháp kinh tế đối với người bị thiệt hại là quan trọng hàng đầu, các biện pháp khác như động viên, thuyết phục chỉ là hỗ trợ và thứ yếu. Hơn nữa, đơn giá đền bù ngoài vấn đề kinh tế còn thể hiện đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước đối với nhân dân. Vì vậy, đơn giá đền bù cần được quy định chặt chẽ, khoa học, xác đáng sao cho hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân.

Theo Tạp chí Điện lực