Tập đoàn Amazon gần đây đã gây chú ý với kế hoạch mới nhất của mình, đó là việc mua một nửa nguồn năng lượng được sản xuất bởi một trang trại gió khổng lồ mới ở Hà Lan.
Động thái này đưa gã khổng lồ thương mại điện tử tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành hãng không phát thải carbon ra môi trường vào năm 2040, cho phép Amazon sử dụng 100% năng lượng xanh vào năm 2025, trước 5 năm so mục tiêu đề ra ban đầu.
Không thể phủ nhận, đó là một động thái quan trọng khi lo ngại đang gia tăng về việc đóng góp của các công ty công nghệ đối với sự gia tăng lượng khí thải carbon do điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), tiền điện tử... Một số trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới có thể chứa hàng chục nghìn thiết bị, hệ thống công nghệ và công suất điện tạo ra hơn 100 MW, đủ để cung cấp điện cho khoảng 80.000 hộ gia đình ở Mỹ.
Amazon cùng với những gã khổng lồ công nghệ khác gần đây đang tìm cách sử dụng hàng tỷ USD của mình để trả cho nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn và giảm lượng khí thải carbon của họ. Amazon cho biết, họ có 91 dự án năng lượng tái tạo đang hoạt động và một số khác đang phát triển, tổng công suất khoảng 2.900 MW và cung cấp hơn 7,6 triệu MWh năng lượng tái tạo hằng năm.
Tuy nhiên, công ty cho biết, họ đang phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2019 nhiều hơn 15% so năm trước đó khi doanh số bán hằng ngày càng tăng, đã giải phóng ra môi trường 51 triệu tấn CO2 trên nhiều lĩnh vực kinh doanh của mình. Ngay cả Google, Microsoft và Facebook cũng đã trở thành những gã khổng lồ công nghệ mua năng lượng sạch lớn nhất thế giới.
Để có được kết quả đó là do tầm ảnh hưởng lớn và sức mạnh thị trường của họ trên quy mô lớn. Một báo cáo của tờ Financial Times cho biết, mức sử dụng điện năng tổng hợp của Amazon, Google, Microsoft, Facebook và Apple là hơn 45 terawatt giờ một năm, ngang bằng với New Zealand. Tất nhiên, số lượng đó sẽ tăng lên khi sự gia tăng của các công nghệ như: AI và học máy (machine learning) đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán hơn.
Theo Financial Times, một gã khổng lồ công nghệ khác là Google cũng đã ký hợp đồng mua bán năng lượng sạch đầu tiên vào năm 2010, còn được gọi là hợp đồng mua bán điện. Xu hướng này tiếp tục phát triển kể từ đó và hiện nay Amazon là tập đoàn đang dẫn đầu trong việc mua năng lượng xanh lớn nhất, tiếp theo là Google, Facebook, nhà mạng AT&T, Tập đoàn Microsoft, nhà mạng Verizon, nhà bán lẻ Walmart và Tập đoàn General Motors.
Google đặt ra mục tiêu hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng không có carbon vào năm 2030. Họ cũng đã bù đắp tất cả lượng khí thải trước đó của mình kể từ khi thành lập vào năm 1998. Bên cạnh đó, gã khổng lồ mạng xã hội Facebook đã đạt được mức phát thải bằng không cho các hoạt động của mình vào năm 2020 và hiện đang hướng tới mục tiêu không phát thải ra môi trường trên toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030. Một hãng khác là Microsoft cũng đặt mục tiêu là không phát thải carbon vào năm 2030 bằng cách tích cực loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển nhiều hơn lượng khí thải mà họ tạo ra, bao gồm cả lượng khí thải được cung cấp.
Apple cũng đặt mục tiêu giảm 75% lượng phát thải vào năm 2030 trên toàn bộ chuỗi cung ứng của họ. Hiện nay, các hoạt động của Apple đã hoàn toàn chạy bằng năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, theo báo cáo được công bố đầu tháng 2 của Đại học Lancaster và Công ty tư vấn Small World cho biết, cuộc cách mạng xanh cũng được hưởng ứng bởi các tập đoàn nhỏ hơn, bao gồm các trung tâm dữ liệu, mạng viễn thông và thiết bị của người dùng, riêng lĩnh vực công nghệ đã chiếm 1,8 - 2,8% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Mặt khác, việc tăng cường mua bán năng lượng của các công ty công nghệ lớn đã ảnh hưởng và có tác động rất lớn đến việc định hình sự phát triển của năng lượng sạch, đặc biệt là ở Mỹ với việc lắp đặt các hệ thống năng lượng gió và năng lượng mặt trời mới đạt mức kỷ lục ở Mỹ vào năm 2020. Hiện nay, nhiều hãng công nghệ không đơn thuần chỉ là hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mà họ đang tìm cách cải thiện mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ của họ, thị trường năng lượng tái tạo doanh nghiệp đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây.
Theo nghiên cứu mới của hãng tin Bloomberg, các tập đoàn công nghệ đã mua 23,7 GW năng lượng sạch vào năm 2020, tăng từ 20,1 GW năm 2019 và 13,6 GW năm 2018. Báo cáo cho thấy, các hợp đồng năng lượng sạch đã được ký kết bởi hơn 130 công ty trong các lĩnh vực từ dầu khí đến công nghệ lớn.
Mỹ trở thành thị trường lớn nhất khi các công ty công bố đã mua khoảng 11,9 GW năng lượng tái tạo. Các tập đoàn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đã mua năng lượng sạch ở mức kỷ lục là 2,9 GW từ năng lượng mặt trời và gió. Đặc biệt, với sự tự khẳng định mình là một thị trường sử dụng năng lượng sạch trong các doanh nghiệp lớn vào năm 2020, Đài Loan (Trung Quốc) đã ký các thỏa thuận mua bán điện với tổng công suất lên đến 1,25 GW.