Bờ biển và bãi bồi hoang vu ở Vĩnh Châu sẽ là những cánh đồng điện gió trong thời gian tới.
Sóc Trăng là tỉnh nằm ở vùng hạ lưu ĐBSCL, có chiều dài bờ biển khoảng 72km. Nơi đây không chỉ được biết đến là xứ sở của “gạo ngon nhất thế giới - ST 25”, mà còn được nhắc đến với những dự án nhà máy điện gió quy mô lớn. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Thanh cho biết: “Kết quả khảo sát của nhà đầu tư trong và ngoài nước cho thấy, các vùng ven biển ở Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn về điện gió. Ước tính, các khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh có thể phát triển các dự án điện gió trong đất liền và ngoài khơi, tương đương quy mô công suất khoảng 7.000MW…”.
Không để tiềm năng bị lãng quên, Sóc Trăng đã lấy gió, một nguồn năng lượng giàu tiềm năng và thân thiện với môi trường trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế. Kết quả, đến nay Sóc Trăng đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án nhà máy điện gió, với tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, Sóc Trăng đã được Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch với 20 dự án điện gió, tổng công suất 1.435MW. Các dự án này đang được triển khai, dự kiến đến tháng 10-2021 đưa vào vận hành 8 dự án; các dự án còn lại sẽ đưa vào vận hành trong những năm 2022 và 2023. Đặc biệt, các dự án nhà máy điện gió trên địa bàn Sóc Trăng đều thực hiện đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn vàng cho các mục tiêu toàn cầu, bộ tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững.
Ông Logan Wiliam Knox, đại diện chủ đầu tư Nhà máy điện gió Lạc Hòa và Nhà máy điện gió Hòa Đông (tổng công suất 60MW, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, tại thị xã Vĩnh Châu) nhìn nhận: “Chúng tôi chọn và tìm đến Sóc Trăng vì đây là địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng gió. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc phát triển nguồn năng lượng này sẽ mang lại những giá trị bền vững, lâu dài, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn là giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả”.
Thị xã Vĩnh Châu là địa phương nằm khá xa trung tâm hành chính của tỉnh Sóc Trăng (khoảng 40km), với hơn 50% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Anh Lý Thoát, người dân tộc Khmer (ngụ xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) chỉ tay về khu vực bãi bồi ven biển, cho biết: “Kia là dự án nhà máy điện số 6, nghe đâu tổng công suất 129MW. Từ khi dự án khởi công thì bà con ở đây vui lắm và hầu hết người dân đều chấp hành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Ai cũng trông chờ những trụ điện gió khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển để vùng này không còn là xứ nghèo và heo hút như xưa. Ngoài ra, bà con cũng kỳ vọng sẽ có được một việc làm tại quê hương, không còn phải đi làm thuê tận Bình Dương như trước đây”.
Có thể nói, Vĩnh Châu đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió. Những bờ biển trải dài, hoang vu, xa xôi… đã giúp Vĩnh Châu thu hút đến 18 dự án điện gió quy mô lớn (chiếm 85,7% các dự án toàn tỉnh). Đây được xem là động lực quan trọng để Vĩnh Châu bứt phá vươn lên trong thời gian tới.
Theo Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, nhằm bảo đảm giải quyết được hết công suất cho các nhà máy điện gió, tỉnh và các bên có liên quan đang khẩn trương triển khai xây dựng đường truyền tải 110kV như: Trần Đề - Sóc Trăng, Vĩnh Châu - Bạc Liêu và trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu… Ngoài ra, tỉnh đang tranh thủ các nguồn vốn từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đầu tư đồng bộ hệ thống truyền tải lưới điện.
Link gốc