Sẽ có cơ chế mới cho điện năng lượng tái tạo

Thứ ba, 2/2/2021 | 14:10 GMT+7
Theo Bộ Công Thương, với các dự án năng lượng tái tạo quy mô công suất lớn sẽ từng bước chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh.
Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Có thể thấy, trong khi các dự án BOT nhiệt điện đang gặp nhiều khó khăn thì việc triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời đang “trăm hoa đua nở” nhờ vào sự khuyến khích từ các chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian ưu đãi về giá của các chính sách này, các dự án “năng lượng xanh, sạch” liệu có còn được phát triển, đẩy mạnh?
 
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) về việc này.
 
PV: Trong khi các dự án BOT nhiệt điện đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thì các dự án điện năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh. Có phải chính cơ chế ưu đãi về giá (các Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg , Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) chính là “đòn bẩy” để thu hút đầu tư xã hội hoá vào năng lượng tái tạo?
 
Ông Hoàng Tiến Dũng: Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng trong đó có năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu đề xuất các khuôn khổ pháp lý xây dựng thị trường điện cạnh tranh, thu hút đầu tư của xã hội vào ngành năng lượng. Cụ thể là cơ chế khuyến khích phát triển điện gió (Quyết định 37, 39), điện sinh khối (Quyết định 24, 08), điện từ chất thải rắn (Quyết định 31) và điện mặt trời (Quyết định 11, 13).
 
Các cơ chế này bao gồm: Áp dụng giá mua ưu đãi cố định trong 20 năm với các mức giá khác nhau đối với từng loại hình năng lượng tái tạo; Giá bán điện được tham chiếu theo đồng USD, thanh toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán; Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương ban hành; Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất ở mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành.
 
Qua các cơ chế khuyến khích này, tính tới hết tháng 10/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 106 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất khoảng 6.000 MW, 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất khoảng 500 MW và 325 MW điện sinh khối, điện chất thải rắn gần 10 MW. Như vậy, tổng công suất điện tái tạo đã đạt khoảng 11,2% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống, tổng sản lượng điện đến hết tháng 10/2020 đạt 4,4%.
 
Gần 7.000 MW điện năng lượng tái tạo đã góp phần đảm bảo cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.
 
PV: Trong 2 năm 2019-2020, hệ thống điện Việt Nam đã bổ sung được gần 10.000 MW công suất năng lượng tái tạo (gồm điện mặt trời trang trại, gió và điện mặt trời mái nhà). Con số này về công suất chiếm khoảng 15-17% tổng công suất hệ thống, có những thời điểm năng lượng tái tạo được huy động tới hơn 20% công suất điện năng. Điều này có gây khó khăn gì cho vận hành hệ thống điện để đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định với giá hợp lý không?
 
Ông Hoàng Tiến Dũng: Năng lượng tái tạo có ưu điểm là một nguồn điện xanh, sạch và thân thiện với môi trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cam kết tham gia tích cực vào nhiều thỏa thuận giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo cũng có nhược điểm, gây khó khăn cho công tác vận hành hệ thống điện.
 
Thứ nhất, năng lượng tái tạo là nguồn điện phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, có sự thay đổi công suất phát rất lớn trong thời gian ngắn nên nếu hệ thống không có đủ nguồn dự phòng có khả năng điều chỉnh nhanh sẽ làm cho chất lượng điện năng bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt nếu tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống lớn, tần số bị ảnh hưởng nhiều có thể sẽ ảnh hưởng tới độ ổn định toàn hệ thống.
 
Thứ hai, các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng nhiều thiết bị điện tử công suất để điều chỉnh và biến đổi điện áp. Các thiết bị điện tử này sẽ phát sóng hài rất lớn vào hệ thống điện. Sóng hài sẽ làm tăng tổn thất, gây phát nóng thiết bị, có nguy cơ làm cho hệ thống rơ le, điều khiển tác động sai, gây khó khăn rất lớn trong công tác vận hành ổn định hệ thống.
 
Đánh giá đến thời điểm hiện nay, tổng công suất điện tái tạo đã đạt khoảng 11,2% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống, tổng sản lượng điện đến hết tháng 10/2020 đạt 4,4%. Trong khi đó, nguồn thủy điện là nguồn có khả năng điều chỉnh nhanh và linh hoạt hiện đang chiếm tỷ trọng cao là 37% về công suất và 34% về điện năng cung cấp cho hệ thống. Với nguồn thủy điện lớn như hiện nay hoàn toàn có thể cân đối được nguồn năng lượng tái tạo mà không gây ảnh hưởng tới ổn định hệ thống.
 
Thời gian tới, để đảm bảo hệ thống vận hành ổn định nếu nguồn năng lượng tái tạo có tỉ lệ tích hợp lớn trong hệ thống, cần thiết phải đầu tư thêm các nguồn điện có đặc tính vận hành linh hoạt để tăng mức dự phòng cho hệ thống. Bên cạnh đó, lưới điện truyền tải cũng cần được đầu tư lớn hơn để không tạo điểm tắc nghẽn trên lưới điện.
 
Hiện có tổng cộng 106 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất khoảng 6.000 MW. Ảnh minh hoạ. 

PV: Ông vừa nói đến việc cần đầu tư lớn hơn cho lưới điện truyền tải để không tạo điểm tắc nghẽn. Xin hỏi để bảo đảm đồng bộ và tối ưu giữa phát triển nguồn điện và lưới điện không để xảy ra tình trạng quá tải phải giảm phát, Bộ Công Thương có giải pháp gì?
 
Ông Hoàng Tiến Dũng: Trên thực tế, việc quy hoạch các dự án nguồn điện đều đồng bộ với quy hoạch lưới điện.
 
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng tiến độ xây dựng nhà máy điện mặt trời sẽ nhanh hơn nhiều tiến độ xây dựng công trình lưới điện (đường dây và trạm biến áp), do đường dây thường kéo dài, đi qua nhiều khu vực, địa bàn nên vướng mắc trong quá trình thỏa thuận, giải phóng mặt bằng.
 
Thêm vào đó, việc đầu tư hệ thống lưới điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đầu tư phải tuân theo đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục theo quy định, dẫn đến khó thỏa thuận với người dân khu vực dự án so với Chủ đầu tư dự án nguồn là đơn vị tư nhân có cơ chế giải phóng mặt bằng và thỏa thuận với dân linh hoạt. Do đó, thời gian qua còn tồn tại quá tải một số khu vực (chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận) dẫn đến một số nhà máy điện mặt trời, điện gió phải cắt giảm công suất.
 
Trước tình hình đó, ngày 27/3/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung các công trình lưới điện truyền tải đảm bảo giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo và cung ứng điện đến năm 2025. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý bổ sung quy hoạch điện quốc gia danh mục các dự án lưới điện truyền tải.
 
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục rà soát để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo trên toàn quốc.
 
Từ năm 2019 đến nay, các đơn vị ngành điện đã nỗ lực đưa vào vận hành các công trình lưới điện để giải tỏa công suất khu vực Nam Trung Bộ như: xây dựng mới trạm biến áp 220 kV Phan Rí (2x250 MVA), trạm biến áp 220 kV Ninh Phước (2x250 MVA), nâng công suất trạm 500 kV Di Linh lên 2x450 MVA, nâng công suất 500 kV Vĩnh Tân lên 2x900 MVA, nâng công suất trạm 220 kV Tháp Chàm lên 2x250 MVA, cải tạo nâng tiết diện đường dây mạch 1 Tháp Chàm - Tuy Phong - Phan Rí, đường dây 110 kV Lương Sơn – Hòa Thắng – Mũi Né.
 
Hiện nay, ngành điện đang triển khai các công trình nâng khả năng tải đường dây 110 kV Đa Nhim – Tháp Chàm, cải tạo nâng tiết diện dây đường dây 110kV Đa Nhim - Hạ Sông Pha - Ninh Sơn - Tháp Chàm, đường dây 110 kV Tân Thành – Hàm Kiệm, kéo dây mạch 2 đường dây 110 kV Phan Thiết – Mũi Né, kéo dây mạch 2 đường dây 110 kV Núi Né – Hòa Thắng – Lương Sơn, mạch 2 đường dây 110 kV Đại Ninh – Phan Rí.
 
Vừa rồi, tháng 10/2020, công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500/220 kV vào vận hành đóng vai trò quan trọng trong giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
 
PV: Sau khi chính sách ưu đãi về giá kết thúc, cần phải làm gì để có thể tiếp tục thu hút nhà đầu tư vào làm năng lượng tái tạo, tận dụng nhiều hơn nữa nguồn năng lượng tự nhiên sẵn có này?
 
Ông Hoàng Tiến Dũng: Theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang tập trung vào các nội dung chính: chính sách, hạ tầng truyền tải phân phối và điều độ vận hành hệ thống điện.
 
Với các dự án năng lượng tái tạo quy mô công suất lớn sẽ từng bước chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh.
 
Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các hộ tiêu thụ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện.
 
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy...), phát triển thị trường cung cấp dịch vụ phục vụ hệ thống điện (dịch vụ điều tần, điều áp...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện (khả năng dự báo sản lượng phát của điện gió, điện mặt trời theo thời tiết), tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống điện điện.
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Link gốc
Theo: VGP News