Các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu

Thứ hai, 20/4/2009 | 15:30 GMT+7
Sáng hôm nay (20/4), các nhà đầu tư ồ ạt bán ra cổ phiếu. Trong khi đó, sức cầu lại giảm rõ rệt.
Một phiên điều chỉnh nối tiếp đã có trong dự tính của nhà đầu tư cuối tuần qua. Đây cũng là tuần khó khăn của thị trường, theo nhận định trong báo cáo tuần của một số nhà môi giới, khi lượng hàng khủng khiếp trước đó về tài khoản của những nguồn đầu tư ngắn hạn.

Nhưng, những diễn biến sáng nay có thể gây bất ngờ với nhiều nhà đầu tư, bởi làn sóng xả hàng bùng nổ quá nhanh, giá chừng khoán ồ ạt xuống sàn gần với khái niệm “rơi tự do” và nỗ lực đánh lên cũng như sức cầu hùng hậu trước đó đã biến mất.

Ngay trong đợt 1, VN-Index đã giảm tới 4,46%, một trong những mức giảm mạnh nhất kể từ thời điểm nới biên độ giao dịch lên +/-5% ngày 18/8/2008.

Nếu trong đợt 1, hy vọng vẫn ít nhiều được níu kéo để chờ đợi lực lượng đánh lên như thường thấy ở những phiên sôi động vừa qua, lượng khớp vẫn đạt tới gần 8,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, trước một diễn biến quá nhanh của giá và choáng ngợp của lượng cung hàng, nhiều nhà đầu tư hủy lệnh nhập hàng, lực cầu chùn tay và sức mua suy kiệt dần từ đợt khớp lệnh liên tục.

Xét về khối lượng, từ con số khổng lồ trên 60 triệu đơn vị ở HOSE cuối tuần qua nay chỉ có khoảng 18 triệu đơn vị là một thay đổi lớn, đột ngột và phía sau đó là một thái cực hoàn toàn khác. Trong sự đứt gãy của một số trụ cột chính ở phiên liền trước vẫn có nỗ lực bật lên, nhưng sáng nay là sự “buông xuôi” gần như hoàn toàn trước áp lực cung hàng liên tục chồng chất.

Trên bảng điện tử HOSE, cột dư mua rời rạc, trong khi dư bán tràn ngập ở hầu hết các mã. Tại các trụ nổi bật vừa qua như STB, SSI, mức giá cao nhất cũng chính là… giá sàn. Đây cũng là những đỉnh điểm của dư bán, trong khi khối lượng khớp thành công rất hạn chế so với những kỷ lục đang nóng hổi của tuần trước.

Với STB, khối lượng khớp lệnh chỉ còn khoảng 1/10 những phiên đỉnh điểm vừa qua, trong khi dư bán còn tới trên 4,2 triệu đơn vị. Với SSI, lượng khớp thành công cũng chỉ có 64.330 đơn vị, trong khi phiên liền trước có tới hơn 4,6 triệu; dư bán còn tới gần 2,6 triệu…

Dư bán lớn cũng nhồi mạnh ở các cổ phiếu lớn khác như tại ITA, REE, SAM… Hầu hết các cổ phiếu lớn phiên này đều đồng loạt xuống giá sàn. Chỉ số VN-Index qua phiên bán tháo này đã về dưới mốc 320 điểm, giảm tới 15,25 điểm (4,56%); khối lượng giao dịch toàn phiên chỉ còn 18,2 triệu đơn vị với 417,37 tỷ đồng.

Những diễn biến trên quá trái ngược với những thông tin khá thuận lợi được công bố cuối tuần qua, liên quan đến kế hoạch giảm thuế, hỗ trợ vay vốn kích cầu nông thôn, mở rộng diện doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn…, và một tuần lên điểm ấn tượng của chứng khoán thế giới. Nhưng, những yếu tố nội tại của thị trường đang thể hiện sự chi phối mạnh mẽ.

Trước hết vẫn là áp lực chốt lời ngắn hạn với chênh lệch hấp dẫn sau đà đi lên ấn tượng trong tháng 3 đến nay với những kỷ lục khối lượng liên tục bị đánh đổ. Và một điểm được giới đầu tư quan tâm là nguồn tiền vào sàn thời gian qua, tính bền vững của nó.

Cuối tuần qua, trong phản hồi và trao đổi với VnEconomy, một số nhà đầu tư đề cập đến một tâm điểm hoài nghi của các luồng thông tin trên thị trường hiện nay: Liệu trong nguồn vốn hiện nay có hay không một dòng chảy tranh thủ từ vốn vay kích cầu được hỗ trợ lãi suất? Về nguyên tắc, quy định hiện hành không cho phép. Câu trả lời phụ thuộc vào khả năng giám sát của các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý. Còn trên thực tế, trong cuộc gọi tới phóng viên, một nhà đầu tư cho rằng “hoài nghi đó khó kiểm chứng nhưng có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý thị trường, nhất là khi nhiều người đã chịu nhiều tổn thất trong thời gian qua”.

Trở lại phiên giao dịch sáng nay, trên HOSE, khi sự hùng hậu của sức cầu biến mất, khối đầu tư nước ngoài cũng khó lòng bán ra thành công. Và đây là phiên mua ròng của họ với hơn 38,3 tỷ đồng giá trị; lượng bán ra cũng chỉ có 864.550 đơn vị.

Trên sàn Hà Nội, sau kỷ lục khối lượng phiên trước, toàn phiên chỉ có hơn 10 triệu cổ phiếu chuyển nhượng thành công, ứng với gần 205 tỷ đồng giá trị. Tại các đỉnh điểm sôi động trước đó như ACB, KLS, VCG hay so với sự đột biến tại BVS phiên 17/4, khối lượng cũng suy giảm mạnh, cùng với sự đổ dốc của giá.

Chỉ số HASTC-Index hiện đã rời mốc 120 điểm, giảm tới 6,22 điểm (5,08%), xuống còn 116,34 điểm.
Theo: VNE