Ngày 17/4, Phố Wall khởi sắc

Thứ sáu, 17/4/2009 | 16:13 GMT+7

Ngày 16/4, chứng khoán Mỹ tiếp tục lên điểm nhờ đà tăng mạnh mẽ của khối công nghệ và tin tích cực từ JPMorgan.

Hôm thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ thông báo, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 11/4/2009 đã giảm 53.000 xuống 610.000 người, từ mức 663.000 trong tuần trước đó.

Theo số liệu của Bộ này, tính đến ngày 4/4/2009, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ là 6,022 triệu.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, số nhà mới khởi công trong tháng 3/2009 đã giảm 10,8% xuống 510.000 đơn vị (ngôi nhà, căn hộ) - mức thấp thứ hai kể từ năm 1959.

Trong một diễn biến đáng chú ý nhất trong ngày, tập đoàn bất động sản General Growth Properties - sở hữu 200 trung tâm mua sắm ở Mỹ - đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Đây là vụ đổ vỡ lớn nhất trong lịch sử của một công ty bất động sản ở Mỹ.

General Growth Properties - trụ sở ở Chicago, có tổng tài sản đạt 29,56 tỷ USD và tổng nợ là 27,29 tỷ USD.

Từ tháng 10/2008, tập đoàn này cũng đã để ngỏ khả năng nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Đến những tháng gần đây, 158/200 trung tâm mua sắm đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Được biết, Eurohypo AG - một đơn vị kinh doanh thuộc Commerzbank AG, là chủ nợ lớn nhất khi cho General Growth vay 2,59 tỷ USD.

Cổ phiếu khối công nghệ bất ngờ tăng mạnh

Ngày 16/4, ngân hàng lớn thứ hai ở Mỹ - JPMorgan Chase đã cho biết lợi nhuận sau thuế của hãng trong quý 1/2009 đạt 1,52 tỷ USD, tương đương 40 cent/cổ phiếu, cao hơn 10 cent/cổ phiếu so với dự báo của giới phân tích. Quý 1/2008, lợi nhuận sau thuế của hãng đạt 2,29 tỷ cổ phiếu, tương đương 67 cent/cổ phiếu.

Trước đó, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon đã cho biết sẽ trả lại 25 tỷ USD mà ngân hàng đã vay từ “Chương trình giải trừ các tài sản xấu” của Chính phủ Mỹ hồi tháng 10/2008.

Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ Southwest Airlines đã thông báo lỗ 91 triệu USD, tương đương -12 cent/cổ phiếu trong quý 1/2009. Trong quý 1/2008, Southwest Airlines đã thu về 34 triệu USD, tương đương 5 cent/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu Southwest Airlines (NYSE-LUV) đã giảm 7,1% xuống 7,1 USD/cổ phiếu.

Chuyển qua thông tin đáng chú ý khác, hãng truyền hình CNBC vừa loan tin về việc IBM đã đưa ra quyết định không đàm phán với Sun Microsystems để tính chuyện sáp nhập. Trong khi đó, Sun Microsystems đang cố gắng tiếp cận với IBM để đưa hai bên ngồi lại vào bàn đàm phán.

Trước đó, Tập đoàn IBM đã hạ giá chào mua cổ phiếu của Sun Microsystems xuống 9,4 USD/cổ phiếu, từ mức 10-11 USD/cổ phiếu, đưa thương vụ thâu tóm này xuống còn 7 tỷ USD.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi sắc phiên giao dịch hôm thứ Năm sau khi JPMorgan công bố kết quả kinh doanh vượt mong đợi, tạo thêm niềm tin đối với thị trường về sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Cổ phiếu khối ngân hàng phiên này vẫn duy trì được đà tăng điểm khi chỉ số KBW tăng 2,1%, trong đó cổ phiếu JPMorgan lên 2,1%, cổ phiếu Citigroup tiến thêm 1,01%, cổ phiếu Morgan Stanley tăng 2,22%...

Bên cạnh đó, hy vọng lợi nhuận của Google sẽ khả quan khiến giới đầu tư tăng mạnh mua cổ phiếu khối công nghệ, đẩy chỉ số Nasdaq tăng 2,7% trong phiên này. Và thực tế, sau khi thị trường đóng cửa, Google đã công bố kết quả kinh doanh vượt mong đợi của giới phân tích.

Cổ phiếu khối công nghệ đã có sự bứt phá ngoạn mục trong ngày giao dịch, cổ phiếu Google lên 2,43%, cổ phiếu Nokia niêm yết tại thị trường Mỹ tăng 11,38%, cổ phiếu Dell tiến thêm 6,67%, cổ phiếu IBM nhích 2,61% và cổ phiếu Microsoft tăng 4,94%.
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 16/4: chỉ số Dow Jones tăng 95,81 điểm, tương đương 1,19%, chốt ở mức 8.125,43.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 43,64 điểm, tương đương 2,68%, chốt ở mức 1.670,44.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tăng 13,24 điểm, tương đương 1,55%, đóng cửa ở mức 865,3.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,61 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,37 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.

* Sau khi thị trường chứng khoán đóng cửa ngày giao dịch, nhà cung cấp công cụ tìm kiếm trên internet số một ở Mỹ - Google đã cho biết, doanh thu của hãng trong quý 1/2009 đạt 5,51 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 1,42 tỷ USD, tương đương 4,49 USD/cổ phiếu – tăng cao hơn so với mức 1,31 tỷ USD (4,12 USD/cổ phiếu) trong quý 1/2008.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:


Thứ Sáu: Công bố kết quả thăm dò về lòng tin người tiêu dùng; Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Bernanke có bài phát biểu quan trọng; kết quả kinh doanh của Citigroup, GE.

Chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất trong 2 tháng

Chứng khoán khu vực đã tăng điểm trở lại, đưa thị trường lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua. Ba chỉ số chứng khoán lớn đã khởi sắc nhờ kết quả kinh doanh vượt mong đợi của JPMorgan và nhận định lạc quan của Nokia về triển vọng lợi nhuận trong quý 2/2009.

Cổ phiếu khối ngân hàng châu Âu đã tăng mạnh trong ngày, trong đó cổ phiếu Barclays lên 7,7%, cổ phiếu Lloyds tiến thêm 6,7%, cổ phiếu Natixis tăng 5,7%, cổ phiếu UBS nhích 5,4%,...

Cổ phiếu của nhiều nhà sản xuất ôtô cũng tăng điểm, trong đó cổ phiếu BMW, Daimler AG, Porsche, Peugeot và Renault tăng từ 1,1-1,3%.

Cổ phiếu Nokia niêm yết tại thị trường châu Âu đã tăng thêm 9% sau khi hãng này cho biết nhu cầu về các thiết bị công nghệ di động sẽ tăng vào quý 2, mở ra triển vọng sáng hơn đối với kết quả kinh doanh của hãng.

Trong quý 1/2009, doanh thu của Nokia giảm 27% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế lỗ 12 triệu Euro (15,8 triệu USD).

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 84,58 điểm, tương đương 2,13%, chốt ở mức 4.052,98. Khối lượng giao dịch đạt 2,53 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức tăng 1,31%, khối lượng giao dịch đạt 26,7 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp lên 1,76%, khối lượng giao dịch đạt 195,8 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á đón phiên diễn biến trái chiều

Chứng khoán châu Á hôm thứ Năm đã có diễn biến trái chiều khi thị trường Nhật, Hàn Quốc, Australia và Đài Loan cùng lên điểm, trong khi thị trường Ấn Độ, Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore lại đi xuống.

Trong những phiên giao dịch gần đây, các thị trường chứng khoán khu vực không còn xuất hiện những phiên tất cả các thị trường cùng tăng hay cùng giảm nữa. Bên cạnh đó, nhiều thị trường tăng hay giảm lại phụ thuộc từ tác động bởi tình hình trong nước nhiều hơn là những ảnh hưởng từ thị trường Mỹ.

Kết thúc phiên, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 0,1% dù trong ngày có thời điểm đã tăng tới 2,2%. Đây cũng là phiên tăng điểm thứ năm trong số sáu phiên giao dịch gần đây của chỉ số này.

Hôm thứ Năm, Bộ Tài chính Nhật cho biết, nước này có thể sẽ bán thêm 17.000 tỷ Yên (171 tỷ USD) trong năm tài khóa 2009 để có nguồn quỹ cho kế hoạch kích thích kinh tế thứ ba của Thủ tướng Taro Aso và các dự án khác.

Chứng khoán Nhật đã khởi sắc trở lại sau ba ngày giảm điểm liên tiếp trước đó. Trong phiên buổi sáng, chỉ số Nikkei 225 đã tăng lên trên ngưỡng 9.000 điểm, tương đương với mức tăng hơn 3% so với phiên trước đó.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc công bố số liệu về tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp nhất trong gần một thập kỷ qua, thì giới đầu tư đã nhanh chóng bán cổ phiếu chốt lời và khiến cho chỉ số Nikkei 225 chỉ tăng nhẹ.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 12,3 điểm, tương đương 0,14%, chốt ở mức 8.755,26. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,6 tỷ cổ phiếu, thị trường có 843 cổ phiếu lên điểm và có 729 cổ phiếu giảm điểm.

Chuyển qua thị trường khác, ngày 16/4, cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết, GDP của nước này trong quý 1/2009 đã tăng 6,1% - mức tăng thấp nhất trong vòng gần 10 năm qua, sau khi tăng 6,8% trong quý 4/2008. Trong tháng 3/2009, chỉ số giá tiêu dùng ở Trung Quốc đã giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 1,6% trong tháng 2.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Shanghai Composite phiên này đã giảm 0,08%, chốt ở mức 2.534,13.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 2,08%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 0,27%. Chỉ số ASX của Autralia tiến thêm 0,86%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 0,55%. Chỉ số Straits Times của Singapore xuống 0,74%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ mất 2,99%.
Theo: VNE