Viễn thông

Cần hoàn thiện hoạt động viễn thông và CNTT của EVN

Thứ tư, 19/9/2007 | 00:00 GMT+7

Trong hai ngày 2-3/08/2007, tại Nha Trang, EVN đã tổ chức Hội nghị Kiểm điểm công tác Viễn thông và Công nghệ Thông tin 6 tháng đầu năm 2007. Cùng với việc thực hiện tốt công tác CNTT, công tác viễn thông của EVN cũng đạt được kết quả khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số yếu kém trong thực tế hoạt động viễn thông...

Là tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành nghề, EVN luôn lấy nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nhu cầu của xã hội làm trọng tâm, đồng thời phát triển nhiều loại dịch vụ trong đó kinh doanh viễn thông cũng là ngành nghề chính. Tính đến hết tháng 7/2007, EVN đã phát triển được gần 1,7 triệu thuê bao, tăng trên 1 triệu thuê bao so với cuối năm 2006, trong đó dịch vụ E-Com chiếm tỷ trọng lớn với trên 1,2 triệu khách hàng, chiếm 75%. Doanh thu viễn thông đạt trên 950 tỷ đồng, tăng 244% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó doanh thu các dịch vụ điện thoại CDMA chiếm 64% doanh thu (tỷ trọng này trong năm 2006 chỉ đạt 13,7%). Một số đơn vị đã làm tốt công tác phát triển khách hàng như Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng vượt kế hoạch cả năm gần 30%, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đạt 97% của năm. Doanh thu một số lĩnh vực kinh doanh khác cũng đạt kết quả cao như VoIP quốc tế chiều về đạt 66%, cho thuê kênh quốc tế đạt 56% kế hoạch năm 2007.

Về công tác đầu tư xây dựng, toàn mạng CDMA đã lắp đặt được 1.360 BTS, đưa vào hoạt động 1.191 BTS. Hoàn thành dự án Nâng cấp dung lượng đường truyền của 2 đường kết nối quốc tế đến Hồng Kông qua Móng Cái và Lạng Sơn, một số dự án như Nâng cấp hệ thống thông tin quang đường trục trên 2 đường dây 500 kV Bắc - Nam lên công nghệ DWDM (ghép kênh đa bước sóng mật độ cao); Dự án cáp quang biển liên á... đAng được tiến hành theo tiến độ đề ra. Việc quản lý vận hành hệ thống thông tin phục vụ điều hành sản xuất và kinh doanh điện thực hiện tốt, đảm bảo cơ bản nhu cầu thông tin phục vụ điều hành lưới điện (các kênh thoại trực thông, mạng nội bộ, SCADA, thông tin phục vụ thị trường điện...). EVNTelecom cũng đã kết nối với VNPT tại 63/64 tỉnh, thành phố trên cả nước qua dịch vụ VoIP 179, 01 tỉnh còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2007. Vấn đề nhiễu mạng WLL/CDMA thời gian qua đã được EVNTelecom xử lý kịp thời: Phối hợp với Cục tần số vô tuyến điện giải quyết được một số nguồn nhiễu tại một số tỉnh như nhiễu Đài Truyền hình Hà Tây, Công an tỉnh Phú Thọ, phối hợp theo dõi nhiễu tần số kênh 11 VTV2 tại khu vực Hà Nội. Công tác chăm sóc quản lý khách hàng cũng được củng cố, từ cuối năm 2006 đến nay, EVNTelecom đã tổ chức nhiều lớp học thuộc 2 khóa đào tạo cho các nhân viên chăm sóc khách hàng.

Để giữ được lòng tin của khách hàng, cần phải liên tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.

Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ giá trị gia tăng còn chậm nên khách hàng chưa khai thác hết lợi thế của mạng CDMA; chất lượng mạng mặc dù đã được cải thiện hơn trước nhưng chưa được ổn định, khách hàng không gọi được một vài lần sẽ không muốn gọi nữa, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người sử dụng vào dịch vụ cũng như khó phát triển thêm khách hàng. Số thuê bao trên 1 BTS có nơi còn thấp, các thuê bao phát sinh cước dưới 50.000đ/tháng vẫn còn nhiều. Một số đơn vị chưa phân cấp mạnh trong đầu tư xây dựng hạ tầng nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng...

Từ thực tế hoạt động viễn thông thời gian qua, lãnh đạo EVN đã nghiêm túc phê bình một số đơn vị thực hiện chưa tốt kế hoạch đã giao, đồng thời đưa ra một số định hướng để khắc phục tồn tại, như: Kiện toàn mô hình tổ chức kinh doanh viễn thông công cộng trong Tập đoàn; rà soát lại, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng lại qui định, qui trình về đầu tư, trình duyệt, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị... cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới; tăng cường phân cấp mạnh cho các đơn vị.

Xây dựng kế hoạch phát triển các loại hình kinh doanh viễn thông công cộng, chương trình triển khai cụ thể, trong đó phân rõ trách nhiệm từng khâu, từng đơn vị. Đặc biệt, lãnh đạo các đơn vị phải thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của đơn vị mình và sẵn sàng trực tiếp tháo gỡ các khó khăn. Tập trung hoàn thành đề án 3G và Wimax để sớm xin được giấy phép cung cấp dịch vụ. Lập kế hoạch và tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ để đáp ứng đủ nhân lực cho vận hành hệ thống hiện nay và chuẩn bị cho triển khai các dịch vụ mới phục vụ phát triển kinh doanh viễn thông và CNTT của Tập đoàn.

Đối với các ban, đơn vị của Tập đoàn, EVN cũng giao nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch viễn thông. Trong đó, EVNTelecom là đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị của ngành để tiếp tục thực hiện những công việc còn tồn đọng từ thời gian vừa qua, khắc phục những tồn tại, tập trung triển khai các công tác theo kế hoạch năm.

Viễn thông là một lĩnh vực kinh doanh mới, có nhiều yếu tố cạnh tranh trên thị trường nên cần phải tập trung cao độ, đầu tư cả về nhân lực, thời gian, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý, đồng thời khắc phục nhanh chóng những thiếu sót để hoạt động viễn thông đạt được kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, công tác CNTT của EVN cần được đẩy mạnh để hỗ trợ tốt hơn trong hoạt động chuyên môn và viễn thông tại các đơn vị. Hy vọng, qua lần rút kinh nghiệm này, công tác viễn thông và CNTT của EVN sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định hoạt động đa ngành nghề của Tập đoàn là đúng hướng, từ đó nâng cao giá trị của các đơn vị thuộc EVN trên thị trường khi tiến hành cổ phần hóa. 

Một số chỉ tiêu kế hoạch viễn thông của EVN đến hết năm 2007:

- Đạt từ 2 - 2,5 triệu thuê bao

- Doanh thu: hơn 3.114 tỷ đồng

- Hoàn thành công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:

+ Dự án mở rộng mạng WLL CDMA 2000 1X giai đoạn 3: Còn  28/492 trạm BTS.

+ Dự án mở rộng mạng WLL CDMA 2000 1X giai đoạn 4 và dự án thử nghiệm mạng CDMA 2000 1X EV-DO tại tp Hồ Chí Minh: Còn 667/882 trạm BTS. 

Theo TC Điện lực số 8 - 2007