Chế tạo thử nghiệm máy biến áp 110 kV đầu tiên của Việt Nam

Thứ sáu, 15/6/2012 | 10:36 GMT+7
Suốt 2 năm ròng rã tìm tòi, nghiên cứu kiểu “vừa làm, vừa tháo gỡ”, cuối cùng, năm 1979, máy biến áp 110 kV – 16 MVA cũng được chế tạo xong. Xoay quanh dấu ấn này là biết bao câu chuyện buồn, vui của những người trực tiếp đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nỗ lực, lao tâm khổ tứ.

Ít ai biết được rằng, năm 1979, máy biến áp 110 kV – 16 MVA đầu tiên của Việt Nam đã được chế tạo thử nghiệm. Nhưng phải đến 14 năm sau, khi hội đủ các yếu tố cần thiết, những nỗ lực của thế hệ tiền nhiệm mới được hiện thực hóa bằng sự kiện sản xuất và đưa vào vận hành chiếc máy biến áp 100 kV “made in Vietnam” đầu tiên.

Gian nan bước đường thử nghiệm

Nhiệm vụ của ngành Cơ khí Điện lực Việt Nam lúc đó chủ yếu là sửa chữa, cải tạo máy biến áp, động cơ điện, tua bin lò hơi, máy phát điện có dung lượng vừa và nhỏ, đồng thời sản xuất một số thiết bị điện dưới 35kV. Trong bối cảnh ấy, ý tưởng chế tạo MBA 110 kV từng bị coi là “liều lĩnh” – ông Hoàng Thái An, thời kỳ đó là Phó giám đốc kỹ thuật Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh, nhớ lại.

Ông An cho biết, sau nhiều lần sửa chữa, khôi phục MBA, năm 1997, phòng Kĩ thuật Nhà máy đã có được bản thiết kế MBA 110 kV – 20 MVA của Liên Xô. Tuy nhiên, Nhà máy lại chọn chế tạo thử nghiệm MBA 110 kV – 16 MVA đã đươc nhiệt đới hóa, phù hợp với khí hậu Việt Nam. Ông An lúc đó là Chủ nhiệm công trình Xây dựng công nghệ chế tạo vật liệu và thiết bị điện cao áp (KC.03.08) trong đó có MBA 110 kV này cùng với nhóm cộng sự là các kỹ sư chính Nguyễn Văn Tỳ, Trần Cự, Nguyễn Đình Thắng, Phan Hữu Phúc, Nguyễn Cao Thịnh.

Với sự nhiệt tình, lao động miệt mài của tập thể CBCNV Nhà máy, MBA 110 kV- 16 MVA đã ra đời trong điều kiện thiếu thốn đủ đường. Ông An kể lại: Đơn cử như dây đồng, tôn silic,… đều  phải nhập khẩu từ Liên Xô và do một cơ quan nhà nước quản lý. Vì là lần đầu tiên chế tạo MBA nên vật tư nhập về không phù hợp. Phần lõi từ vốn là tôn silic cán nguội có khả năng tạo ra lớp cách điện nhưng hàng nhập về chỉ có tôn cán nóng, do đó cán bộ, công nhân Nhà máy phải tự chế tạo một loại thiết bị có thể tráng được lớp cách điện mỏng 0,05mm cho những tấm tôn này. Hay dây đồng để cuốn quanh lõi từ cũng chỉ có dây đồng trần với tiết diện lớn hơn thiết kế kỹ thuật nên cần tạo ra một loại máy cán dây cho đúng kích cỡ. Đến khi quấn xong, Ban chủ nhiệm lại phải “đau đầu” nghĩ cách định vị cuộn dây đồng như thế nào để không bị bung ra và không làm hỏng lớp cách điện. Trong hoàn cảnh thiếu đủ thứ, các kỹ sư đã có sáng kiến dùng bể nước nặng khoảng 5 tấn đè lên cuộn dây. Thế là 3 ngày sau, cuộn dây đồng ổn định như ý!

Kỹ sư Hoàng Thái An và các cộng sự đã lần lượt vượt qua mọi khó khăn theo cách “cái khó ló cái khôn” như vậy. Mỗi ngày, họ làm việc tới 2 - 3 giờ sáng. Bản thân ông An đang từ hơn 50kg sụt xuống còn 43kg nên trông “gầy giơ xương”! Suốt 2 năm ròng rã tìm tòi, nghiên cứu kiểu “vừa làm vừa tháo gỡ”, chiếc MBA 110kV – 16MVA đầu tiên của Việt Nam cuối cùng cũng “ra đời”…

Thành công, nhưng vẫn phải chờ thời…

Một thử thách không nhỏ là khi chế tạo xong, Nhà máy không có điều kiện để thử nghiệm. Ông An đặt vấn đề với Công ty Điện lực 1 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Bắc) xin tách cho một lộ riêng, không có phụ tải để thử nghiệm đóng máy trên lưới. Thiết bị nặng 25 tấn được chuyển sang trạm biến áp Đông Anh và đóng điện thành công trong niềm vui sướng của cả Nhà máy. Dù vậy, sau 1 tuần vận hành, họ đành phải tháo máy xuống vì quy trình vận hành rất phức tạp. Mỗi khi điện áp biến động (tăng, giảm) công nhân trực vận hành lại phải cắt điện toàn bộ rồi mới quay tay điều chỉnh chuyển nấc điện áp để đảm bảo an toàn cho các phụ tải.

Chính vì vậy, ông Hoàng Thái An luôn ví MBA 110 kV- 16 MVA như “đứa trẻ mới tập đi bị vấp ngã”, dẫu chưa hoàn chỉnh nhưng cũng là một nguồn động viên lớn đối với cán bộ, công nhân Nhà máy. Từ chế tạo thử nghiệm đó, có thể khẳng định, Việt Nam có thể chế tạo các thiết bị điện cao áp trong nước.

Đó là bước đệm cần thiết để sau đó 14 năm, ngành Cơ khí điện lực nước nhà ghi nhận chiếc MBA 110 kV “made in Vietnam” đầu tiên được đưa vào vận hành tại trạm 110 kV Vĩnh Yên (năm 1993), tiếp theo là các máy 220kV và 500kV, mở ra một thời kỳ mới về chế tạo thiết bị điện cao áp của Việt Nam.
 
TCĐL chuyên đề QLHN