Nhọc nhằn là vậy, song nhiều người đều cảm thấy vui bởi họ vừa chung tay thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện phục vụ các lễ hội trong chuỗi những sự kiện chào đón Hoa hậu hoàn vũ được tổ chức tại Hội An trong lộ trình 2 ngày 25 và 26/6. Tuy nhiệm vụ cung cấp điện phục vụ lễ hội chỉ diễn ra “âm thầm”, là công việc hậu trường không “tên tuổi”, nhưng rất vinh dự vì đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè thế giới. Không náo nhiệt, vội vã, không gian phố cổ Hội An với những gam màu “sáng, tối” do dòng điện tạo nên vẫn trầm mặc hoàn thành tốt cuộc chào đón thế giới những người đẹp cùng với hàng trăm các nhà báo và hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước tham dự .
Người ta nói rằng, đặc điểm nghề nghiệp và nỗi vất vả của công nhân ngành Điện là tổng hợp của nhiều nghề, và không có mẫu hình để so sánh. Thợ điện ở thành phố Hội An là một tiêu biểu. Dù được công tác ở một thành phố du lịch, thường xuyên giao tiếp với những khách hàng lớn, có cả người nước ngoài, song công việc của những người thợ điện Hội An vẫn nặng nhọc không kém: Tiếp xúc với dòng điện nguy hiểm chết người; phải vượt sông, lội ruộng và dầm mình trong mưa gió để xây dựng các công trình điện; phải trèo trụ, chặt cây, mang vác nặng, thậm chí còn phải lội bộ ghi chữ điện, gửi hoá đơn đến từng hộ chẳng khác nào người “bán vé số dạo”; họ phải túc trực ngày đêm, có khi quên cả việc gia đình để lo việc điện… Tất tần tật những công việc nằm trong quy trình cung cấp điện phải được thực hiện nghiêm túc để giữ dòng điện liên tục, an toàn cho khách hàng. Bà Loraine German-Giám đốc Tổ chức truyền thông sự kiện HHHV 2008 đã tỏ ra rất hài lòng: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Hội An và cảm nhận đây là nơi rất lý tưởng với không gian kiến trúc cổ rất đặc biệt. Chúng tôi cũng rất ấn tượng với hệ thống các khách sạn đẹp và rất sang trọng. Con người ở đây cũng rất thân thiện...”. Rất vui, vì những nhận xét nói trên có phần đóng góp của CNĐ Hội An.
Hội An là thành phố du lịch, lại có khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc nên nhu cầu dùng điện rất lớn. Mức tiêu thụ điện của Hội An tương đương với Chi nhánh điện Duy Xuyên và Tam Kỳ (hơn 80 triệu kWh/năm), dù rằng dân số chỉ bằng 1/3. Tuy Hội An có nhiều khách hàng lớn tập trung, không gian quản lý hẹp rất thuận lợi trong kinh doanh điện năng, nhưng việc kinh doanh lại phức tạp hơn bởi phải tuân thủ các quy định ràng buộc nhằm bảo đảm văn minh phố cổ, chẳng hạn phát quang hành lang tuyến phải đảm bảo mỹ quan; kéo dây, dựng trụ, mắc công tơ phải ngay hàng, thẳng lối…Đồng thời đây là nơi du khách trong và ngoài nước đến với số lượng đông, các cơ sở dịch vụ, khách sạn và các doanh nghiệp lớn đòi hỏi được cung cấp điện thường xuyên. Vì vậy, nếu do nguyên nhân khách quan, lưới điện gặp sự cố làm mất điện chỉ trong thời gian ngắn thôi cũng đủ làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều bị đình đốn, rất ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và du lịch.
Để khắc phục tình hình thiếu điện phải tiết giảm phụ tải, CNĐ Hội An đã khuyến cáo khách hàng thực hiện một số các biện pháp sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm. Trong đó có việc chủ động mua sắm các máy diesel dự phòng. Tuy nhiên, việc mua máy nổ dự phòng đối với các doanh nghiệp lớn khó thực hiện được vì chi phí mua sắm quá lớn, chi phí điện trong giá thành tăng cao, có khi đội cả giá bán. Bởi vậy đối với các doanh nghiệp có một số khâu trong dây chuyền công nghệ cần phải có điện liên tục hoặc các khách sạn, nhà hàng thì mới có nhu cầu dự phòng máy nổ, còn lại hầu hết đều phụ thuộc vào việc cung ứng điện từ lưới quốc gia.
Hội An có mật độ dân số khá cao, nhất là khu vực trung tâm phố cổ (12.700 người/km2). Nếu tính cả các di tích, văn phòng giao dịch tham quan thì trên 15 tuyến đường phố cổ đã có hơn 90% các căn nhà mặt tiền được sử dụng vào kinh doanh. Khi mất điện, nhiều hoạt động kinh doanh ở đây phải tạm dừng, áp lực dân số cộng với du khách khiến cho phố cổ như bị “nóng lên” trên những con đường chật hẹp. Khu phố cổ có trên 320 cơ sở "may nóng" với 800 lao động vừa trực tiếp may cho du khách, vừa là vệ tinh cho 442 shop vải. Đây là ngành dịch vụ thịnh đạt của Hội An, mỗi năm mang lại doanh thu gần 30 tỷ đồng. Hầu hết các shop vải đều bán hàng, xuất khẩu hàng qua mạng Internet. Khi mất điện thì công nghệ cắt may “đứng bánh”, mạng Internet bị “rớt” thì con đường liên kết dịch vụ hầu như bị cắt đứt. Nhiều chủ shop lo ngại rằng chỉ cần "nằm ngoài mạng" vài phút, sẽ mất đối tác.
Những ngày của quý 2 và trong tháng 7 này, các cơ sở may đo, các cửa hàng sản xuất thủ công mỹ nghệ đang tăng tốc để làm hàng lưu niệm chuẩn bị cho dịp thành phố Hội An tổ chức Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản. Thế nhưng đây cũng là mùa cao điểm thiếu điện từ lưới quốc gia và là mùa mưa, bão. Công nghệ sản xuất sẽ bị "tan rã" nếu mất điện, vì vậy giải pháp được áp dụng khi mất điện là dùng máy phát điện. Nhưng chỉ một số ít các hộ kinh doanh sắm máy nổ, còn tất cả đều trông chờ vào CNĐ Hội An, bởi nếu nhà nào cũng sắm máy phát điện để kinh doanh thì phố cổ chắc chắn sẽ bị ô nhiễm, ồn ào và sự trầm mặc, yên bình vốn có của nó sẽ bị phá vỡ.
Các dịch vụ lưu trú, ăn uống mỗi năm chiếm hơn 70% doanh thu ngành du lịch-dịch vụ, bởi thành phố có trên 2.800 phòng trọ, đón trên 900.000 lượt khách đến mỗi năm. Điện là “xương sống” của các loại hình kinh doanh này nên các khách sạn, khu resort từ 3 sao trở lên đều chuẩn bị tốt nguồn điện dự phòng. Tuy nhiên, cũng có gần 40% buồng phòng ở Hội An không thể xài máy lạnh do không đủ tiền mua máy phát điện công suất lớn. Thêm vào đó, hoạt động liên kết, giao dịch qua mạng sẽ bị gián đoạn; việc in ấn tài liệu, chương trình các tour du lịch cũng gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ, quản lý điều hành cũng như doanh thu. Những nỗ lực của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh của thành phố Hội An cuối cùng cũng chỉ trông về một mối, mong sao cho tình trạng mất điện không kéo dài. Bởi vậy, nhiều người bảo rằng: Khi thiếu điện mới thấy quý ... điện!
Trong tình hình thiếu điện vừa qua, các phụ tải ánh sáng (có cả các cơ sở dịch vụ, sản xuất nhỏ lẻ) của thành phố Hội An “đươc” sa thải đúng theo kế hoạch, nhất là đúng giờ đóng, cắt và tình trạng mất điện do sự cố khách quan không nhiều nên đa số các hộ kinh doanh đã chủ động bố trí công việc, sắp xếp thời gian: Lúc mất điện làm tốt công tác chuẩn bị để khi có điện tăng cường hoạt động cả ngày lẫn đêm. Bởi vậy, sản lượng điện thương phẩm của Chi nhánh điện Hội An trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt 69,3 triệu kWh, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 71%. Và các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra tốt đẹp.
Thông qua hoạt động cung ứng điện năng có thể thấy rõ thành phố Hội An đang chuyển mình theo cơ cấu kinh tế tích cực: Công nghiệp, thương mại, du lịc và dịch vụ tăng trưởng nhanh. Một Hội An có cơ cấu kinh tế thương mại-dịch vụ-du lịch và công nghiệp từng bước hình thành. Bởi điện năng là yếu tố quan trọng, góp phần vào sự phát triển của thành phố, “giữ chân” du khách nên CNVC-LĐ của Chi nhánh điện Hội An luôn động viên nhau vượt qua khó khăn, thử thách, kiên trì tuyên truyền thực hiện chủ trương tiết kiệm điện nhằm cung ứng điện phục vụ sản xuất-kinh doanh của các đơn vị, bảo đảm tiết kiệm điện nhưng có tăng trưởng, nhất là không để xảy ra thiếu điện và sự cố cho các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng của địa phương...