Chứng khoán Mỹ giảm sâu

Thứ ba, 23/6/2009 | 15:46 GMT+7

Một phiên giảm điểm tồi tệ nhất trong 2 tháng qua đã xảy ra ngày 22/6, cuốn theo niềm tin và hy vọng của nhà đầu tư.

Trong một báo cáo ra ngày 22/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 xuống -2,9%, từ mức dự báo -1,7% đưa ra hồi tháng 3/2009. Đồng thời, WB cũng cảnh báo sự suy giảm đầu tư ở các nước đang phát triển sẽ làm tăng tình trạng đói nghèo.
 
WB ước tính thương mại toàn cầu sẽ giảm 9,7% trong năm nay và GDP của các nước có thu nhập cao sẽ tăng trưởng âm 4,2%. Trong khi đó, GDP của các nước đang phát triển sẽ tăng trưởng chậm chạp ở mức 1,2%, nhưng nếu loại trừ hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ thì nền kinh tế các nước đang phát triển sẽ tăng trưởng âm 1,6%.
 
Khu vực đông Âu và Trung Á sẽ đối diện với tình trạng khó khăn nhất với GDP được dự báo sẽ tăng trưởng âm 4,7% và sẽ phục hồi 1,6% trong năm 2009. Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribbe, WB dự báo GDP sẽ tăng trưởng âm 2,3% trong năm 2009 và sẽ tăng 2% trong năm 2010.
 
“Kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ giảm xuống 3,1% trong năm nay. Trong khi đó, kinh tế khu vực Đông Á sẽ tăng trưởng 5%”, WB cho biết.
 
Về thị trường lao động, WB dự báo tỷ lệ thất nghiệp đang tiếp tục tăng, và tình trạng đói nghèo đang có chiều hướng gia tăng tại các nước đang phát triển.
 
WB cũng dự báo vốn đầu tư trực tiếp ở các nước đang phát triển sẽ giảm 30% trong năm nay xuống 385 tỷ USD.
 
Báo cáo của WB khiến niềm tin của nhà đầu tư về nền kinh tế thế giới suy giảm và tác động xấu tới thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ.
 
Phiên đầu tuần tồi tệ
 
Thị trường chứng khoán Mỹ đã mở cửa với mức giảm 1% và liên tục suy giảm trong cả phiên buổi sáng. Những đợt phục hồi yếu ớt của các chỉ số cho thấy sức cầu thực sự bị lấn áp bởi sức cung, 30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones đồng loạt mất điểm.
 
Quan sát thị trường cho thấy, cổ phiếu khối ngân hàng, khải mỏ, năng lượng bị bán tháo mạnh nhất và đương nhiên mức giảm cũng sâu nhất.
 
Vào lúc cuối phiên buổi sáng, giá hàng hóa cơ bản giảm đã kéo cổ phiếu của hãng khai thác nhôm nhớn nhất ở Mỹ - Alcoa mất 7%, cổ phiếu khối năng lượng giảm hơn 2,4%. Trong khi đó, cổ phiếu blue-chip khối ngân hàng cũng đã xuất hiện những mã giảm 6%.
 
Đến 12 giờ (giờ địa phương), cả 3 chỉ số chứng khoán hình thành đường dốc xuống với mức giảm hơn 2% của Dow Jones, hơn 2,5% của S&P 500 và hơn 2,7% của Nasdaq.
 
Sau 12 giờ, thị trường hình thành xu hướng đi ngang cho đến gần hết ngày giao dịch. Cả ba chỉ số đột ngột lao dốc vào những phút cuối ngày giao dịch sau khi Hiệp hội quốc gia các ngân hàng cho vay thế chấp bất động sản ra thông cáo cắt giảm triển vọng của ngành trong năm 2009.
 
Một phiên giảm điểm tồi tệ nhất trong 2 tháng qua đã xảy ra, đẩy niềm tin của không ít các nhà đầu tư suy sụp.
 
Như vậy, trong suốt 2 tuần qua, xu hướng đi ngang của thị trường thường được kết thúc bởi các phiên sụt giảm mạnh, thay vì tăng điểm mạnh. Điều này phần nào đã chỉ ra xu hướng giảm điểm đang dần lộ diện thay vì niềm tin thị trường đang tích lũy để bứt phá.
 
Những đợt bán tháo cổ phiếu được hình thành trong cả ngày, để kết thúc phiên giao dịch buổi chiều, chỉ số S&P Tài chính giảm 6,2% - trong đó cổ phiếu Bank of America trượt 9,68%, cổ phiếu JPMorgan Chase hạ 6,09%, American Express xuống 5,72%,...
 
Trong khi đó, giá dầu và kim loại thô suy giảm đã đẩy cổ phiếu khối hàng hóa cơ bản giảm sâu hơn phiên buổi sáng, trong đó cổ phiếu Alcoa sụt giảm 8,91%, cổ phiếu Exxon Mobil mất 3,1%, cổ phiếu Chevron hạ 3,38%,...
 
Dù thị trường giảm điểm, nhưng tính thanh khoản đã tốt hơn khi có 1,4 tỷ cổ phiếu được khớp tại sàn New York và 2,35 tỷ cổ phiếu được trao tay ở sàn Nasdaq. Tỷ lệ cổ phiếu mất điểm ở hai sàn đều áp đảo so với cổ phiếu lên điểm.
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 22/6: chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 200,72 điểm, tương đương -2,35%, chốt ở mức 8.339,01.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 61,28 điểm, tương đương -3,35%, chốt ở mức 1.766,19.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 28,19 điểm, tương đương -3,06%, đóng cửa ở mức 893,04.
 
Chứng khoán châu Âu xuống mức thấp nhất trong 5 tuần
 
Chứng khoán khu vực đã giảm điểm mạnh, đưa cả ba chỉ số xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tuần qua. Giá dầu và kim loại thô suy giảm cùng với việc hạ triển vọng kinh tế thế giới của WB, đã đẩy thị trường giảm sâu.
 
Cổ phiếu khối năng lượng nằm trong nhóm giảm điểm mạnh nhất của thị trường, trong đó cổ phiếu BP, Royal Dutch Shell, BG Group, Tullow Oil, Repsol, Total và StatoilHydro giảm từ 3,2-7,8%.
 
Trong khi đó cổ phiếu khối ngân hàng cũng có mức giảm mạnh trước lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế thế giới, trong đó cổ phiếu Barclays, Royal Bank of Scotland, Societe Generale, Natixis và Commerzbank giảm từ 3,4-7,6%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 111,88 điểm, tương đương -2,57%, chốt ở mức 4.234,05. Khối lượng giao dịch đạt 2,22 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức mất 3,02%, khối lượng giao dịch đạt 29,3 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp xuống 3,04%, khối lượng giao dịch đạt 134,29 triệu cổ phiếu.
 
Chứng khoán châu Á khởi sắc, VN-Index giảm sâu
 
Ngày 22/6, chứng khoán khu vực cùng tăng điểm nhờ sức tăng của cổ phiếu khối tài chính và sản xuất ôtô.
 
Hầu khắp các thị trường duy trì sắc xanh khi kết thúc ngày giao dịch với mức tăng từ 0,4-1,77%. Tuy vậy, thị trường Ấn Độ đã đột ngột giảm điểm vào cuối giờ chiều, còn thị trường chứng khoán Việt Nam thì sụt giảm mạnh trong cả phiên giao dịch.
 
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên đầu tuần tăng 0,5% lên 101,99 điểm, với 5 cổ phiếu tăng điểm thì có 4 cổ phiếu giảm điểm.
 
Trái với diễn biến của thị trường châu Á, chứng khoán Việt Nam lại giảm mạnh phiên đầu tuần sau khi mất 6,74% trong tuần trước đó. Xu hướng ngược với thị trường khu vực trong thời gian gần đây không còn là yếu tố bất ngờ bởi diễn biến tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam thay đổi quá nhanh.
 
Nhiều công ty chứng khoán đã nhận định thị VN-Index sẽ giảm phiên đầu tuần nhưng mức giảm 3,6% thì đều nằm ngoài dự báo của họ. Bên cạnh đó, họ cho rằng nếu tính thanh khoản của thị trường suy giảm thì nhiều khả năng chỉ số này sẽ tiếp tục giảm sâu.
 
“Một phiên giảm sâu với sức mua sụt giảm là một dấu hiệu không tốt. Nếu như không có sự hỗ trợ từ những nhà đầu tư lớn, thị trường rất có thể sẽ rơi qua ngưỡng 450 điểm trong ngày 23/6”, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - SSI, nhận định.
 
Tại thị trường Nhật, chỉ số Nikkei 225 đã tăng điểm hôm thứ Hai nhờ sức tăng của nhiều hãng sản xuất hàng điện tử, hãng bia rượu Sapporo Holdings và Nissan Motor.
 
Sức tăng của chỉ số Nikkei 225 cũng được hỗ trợ bởi yếu tố kỹ thuật khi chỉ số này đã mất 3,5% trong tuần trước đó - mức giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua.
 
Cổ phiếu của Fuji Electric Holdings và Furukawa Electric đã tăng lần lượt là 12% và 7,4% sau khi có tin hai hãng này sẽ cùng tham gia phát triển hệ thống ắc quy dùng cho động cơ thế hệ xe hybrid.
 
Còn cổ phiếu của hãng bia rượu Sapporo Holdings đã tăng 18,4% sau khi Credit Suisse nâng mức xếp hạng triển vọng của hãng. Trong khi đó cổ phiếu Nissan Motor tăng 5,6% sau khi có tin hãng có kế hoạch nâng mức đầu tư lên 100 tỷ Yên (1 tỷ USD) để sản xuất xe điện ở bang Tennessee (Mỹ).
 
Đánh giá về thị trường, ông Yutaka Miura - chuyên gia cao cấp về phân tích kỹ thuật của Công ty Chứng khoán Mizuho nói: “Không có lý do thực tế nào để bán cổ phiếu, nhưng cũng có ít lý do để mua cổ phiếu vào thời điểm này”.
 
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 40,01 điểm, tương đương 0,41%, chốt ở mức 9.826,27. Khối lương giao dịch đạt 2,1 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan lên 1,77%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 1,18%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lên 0,77%. Chỉ số BSE của Ấn Độ giảm 1,35%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam sụt giảm 3,6%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tiến thêm 0,55%. Chỉ số ASX của Australia tiến thêm 0,42%. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 0,28%.
Theo: VNE