Sự kiện

Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Nhiều thử thách phía trước

Thứ sáu, 15/10/2010 | 11:08 GMT+7

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng sau hơn 3 năm triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (CTQG TKNL) thực sự đã góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong sinh hoạt của cộng đồng.

EVN nỗ lực phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị tiết kiệm điện

Kết quả bước đầu khả quan

Đánh giá về kết quả của CTQG TKNL, ông Nguyễn Đình Hiệp - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng: Cùng với quyết tâm của Chính phủ, thông qua CTQG TKNL, nhiều đề án, dự án đã trực tiếp góp phần giảm chi phí năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các nhóm nội dung mà chương trình đề ra đều đã đạt được những thành quả nhất định. Đó là, Văn phòng TKNL đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng và ban hành một số văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với sản phẩm sử dụng năng lượng; hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập... Đặc biệt, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010. Đây là sự kiện đánh dấu những nỗ lực vượt bậc về mặt quản lý nhà nước trong lĩnh vực TKNL. Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ra đời, từng bước đi vào cuộc sống chính là thể hiện quyết tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề TKNL. Đồng thời, cũng là hành động cần thiết và phù hợp không chỉ trong bối cảnh hiện tại mà cả tương lai.

Bên cạnh đó, thông qua CTQG TKNL, một mạng lưới các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) từ trung ương đến địa phương đã hình thành để triển khai có hiệu quả hoạt động TKNL tại các địa phương trên cả nước. Trong đó, các Trung tâm TKNL đặc biệt chú trọng công tác truyền thông và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp TKNL. Hầu hết các Trung tâm TKNL và doanh nghiệp tham gia đề án, dự án của Chương trình đều nhận được sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo ngành, địa phương và hỗ trợ trực tiếp của chương trình. Các Trung tâm TKNL được hỗ trợ kinh phí cho việc triển khai các dự án cụ thể tại địa phương và tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành. Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ 100% kinh phí để tổ chức kiểm toán năng lượng và được cung cấp thông tin về công nghệ TKNL, đào tạo kỹ năng về TKNL. Ngoài ra, trong năm 2009 và 2010, Hội nghị Tiết kiệm năng lượng khu vực miền Tây – Nam Bộ và Hội nghị Tiết kiệm năng lượng khu vực Tây nguyên – Duyên hải miền Trung và miền Đông Nam Bộ đã được tổ chức thành công. Bên cạnh đó, cuộc thi “Toà nhà tiết kiệm năng lượng” định kỳ tổ chức hàng năm (2007, 2008, 2009) cũng đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, các hoạt động về  tổ chức triển lãm và trưng bày công nghệ, sản phẩm tiết kiệm năng lượng cũng được triển khai tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với hàng trăm gian hàng của các tổ chức doanh nghiệp trong nước và nước ngoài… Trong các năm 2009 và 2010, Chương trình còn phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và các địa phương trên phạm vi cả nước tổ chức thành công Sự kiện Giờ trái đất.

Trong bối cảnh nguồn điện năng còn thiếu hụt, việc triển khai các dự án khuyến khích tiết kiệm điện năng trong doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đã được ưu tiên. Văn phòng TKNL đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Chương trình quảng bá sử dụng đèn compact giai đoạn 2007-2010, tuyên truyền phổ biến sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời và thực hiện hỗ trợ lắp đặt thí điểm thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời tại 03 miền với số lượng hơn 3.000 giàn (theo thống kê từ các nhà sản xuất, thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời tiêu thụ năm 2008 là trên 20.000 giàn). Trong năm 2010, Văn phòng TKNL tiếp tục phối hợp với EVN đẩy mạnh chương trình phổ biến thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời với tổng kinh phí dự kiến là 23 tỷ đồng (trong đó kinh phí của EVN là 20 tỷ đồng)…

Có thể nói, từ những dự án, kế hoạch hoạt động cụ thể của CTQG TKNL, ý thức tiết kiệm năng lượng nói chung và sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả nói riêng đã từng bước được mở rộng trong cộng đồng xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh thuận lợi, thì với mục tiêu đề ra của chương trình, theo ông Nguyễn Đình Hiệp vẫn còn nhiều thách thức. Nguyên nhân chủ yếu là ý thức tự giác của doanh nghiệp còn chưa cao, hoạt động tư vấn phát triển dự án TKNL và lực lượng chuyên gia có kỹ năng còn mỏng. Nhất là trong điều kiện huy động vốn khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được với các nguồn vốn vay, tín dụng… để đổi mới thiết bị và công nghệ sản xuất. Do chưa hiểu biết đầy đủ về các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nên tình trạng lãng phí năng lượng còn rất phổ biến trong nhân dân.

Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu này, ngoài các biện pháp đã và đang triển khai, trong năm 2010, CTQG TKNL đã ưu tiên kinh phí cho các dự án đầu tư thực hiện các giải pháp TKNL tại các doanh nghiệp, triển khai diện rộng dự án phát triển giàn đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, hầm khí sinh học quy mô công nghiệp… song song với đó là không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiếp tục nâng cao ý thức tự giác sử dụng năng lượng tiết kiệm trong nhân dân.

Đặc biệt, để Luật tiết kiệm năng lượng thực sự đi vào cuộc sống, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm việc hoàn thành các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết Luật nhằm thúc đẩy hoạt động TKNL trong sản xuất công nghiệp, trong quản lý các công trình xây dựng, giao thông vận tải, trong sinh hoạt đời sống và đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Để luật được thi hành nghiêm minh, các cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực hưởng ứng các chủ trương của Chính phủ, gương mẫu trong thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các chế tài xử lý cũng cần đảm bảo đủ sức răn đe, và khuyến khích việc sản xuất và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, và phải được giám sát thực thi một các hiệu quả.

Định hướng nội dung thực hiện CTQG TKNL giai đoạn 2011-2015

1) Tiếp tục triển khai đồng bộ, theo chiều sâu 06 nhóm nội dung, trên cơ sở lựa chọn các nội dung ưu tiên nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2) Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

3) Kiện toàn tổ chức và hệ thống các Trung tâm TKNL, hệ thống các tổ chức tư vấn, dịch vụ từ trung ương tới địa phương trong cả nước.

4) Áp dụng đồng bộ các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến. 

5) Thực hiện đồng bộ chính sách tài chính, giá năng lượng và các chính sách ưu đãi cần thiết khác; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện của Việt Nam. 

6) Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cơ sở thử nghiệm; phát triển dịch vụ tư vấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

7) Thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho phương tiện, thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng; từng bước loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất thấp.

8) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Kết quả tiết kiệm năng lượng qua các năm


Năm

Lượng năng lượng tiết kiệm

Tỷ lệ % so với tổng tiêu thụ năng lượng

2006

135 KTOE (tương đương 1,6 tỷ kWh)

1,56%

2007

557 KTOE (tương đương 6,55 tỷ kWh)

3,15%

2008

682 KTOE (tương đương 8 tỷ kWh)

3,84%

Dự kiến trong giai đoạn 2006-2010 sẽ tiết kiệm được 3,2% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia

Nguồn: Viện Năng lượng Bộ Công Thương

(Đơn vị quy đổi: 1000 kWh tương đương với  0,086 TOE)

6 nhóm nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:

- Tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tổ chức hệ thống quản lý về tiết kiệm năng lượng.

- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.

- Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp.

- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các toà nhà.

- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải.

Theo thống kê của Hội chiếu sáng Việt Nam, năm 2009:

- Cả nước có khoảng 800 nghìn bóng đèn chiếu sáng công cộng với các loại công suất khác nhau, mỗi năm tiêu thụ hết 584 triệu  kWh

- Tổng điện năng tiêu thụ cho tất cả các lĩnh vực chiếu sáng chiếm khoảng 25 % tổng điện năng thương phẩm (tương đương trên 21 tỷ kWh/năm).

- Nếu sử dụng hiệu quả thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện thì ước tính, mỗi năm Việt Nam có thể tiết kiệm trên 6,3 tỷ kWh.

Theo: TCĐL số 9/2010