Sự kiện

Giữ cho Hà Nội rực rỡ ánh điện ngày Đại lễ

Thứ sáu, 1/10/2010 | 11:03 GMT+7

Những ngày gần đây, Thủ đô Hà Nội ngập tràn không khí đón chào Đại lễ. Trên các trục đường chính dẫn vào thủ đô như phố Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng... và các đảo giao thông được trưng đèn kết hoa rực rỡ.

Ảnh: VnExpres

Những cây cầu bắc qua sông Hồng như Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thăng Long tỏa ánh sáng điện lung linh. Khu phố cổ Hà Nội rực rỡ dưới ánh đèn lồng. 26 tuyến phố, trục đường, các công viên, vườn hoa khu trung tâm, các tuyến đường, quảng trường đã thật sự trở thành những cung điện nguy nga lộng lẫy và huyền ảo với những ánh đèn trang trí muôn màu sắc. Để có một Hà Nội rực rỡ và hoành tráng như vậy phải kể đến sự đóng góp rất quan trọng của ngành điện.

Tập trung mọi nguồn lực cho ngày Đại lễ

Theo tính toán của EVN Hà Nội, nhu cầu sử dụng phụ tải của Thủ đô Hà Nội trong thời gian Đại lễ có thể lên đến 38.000 MW/ngày. Nhiệm vụ của ngành điện là không được để mất điện trong suốt thời gian chuẩn bị cho đến khi kết thúc Đại lễ. Ngay từ đầu năm, EVN Hà Nội đã tập trung cao độ phương tiện, vật tư và nhân lực để chuẩn bị. Đến nay, đã có 15 công trình trạm và đường dây đường dây 110kV cùng nhiều đường dây hạ áp được xây dựng, cải tạo, lắp đặt mới để đảm bảo điện tốt nhất phục vụ các hoạt động của Đại lễ.

Từ tháng 8/2010, các đơn vị điện lực trên địa bàn thành phố đã tiến hành vệ sinh sứ, thiết bị theo quy định, kiểm tra và khôi phục toàn bộ hệ thống tiếp địa, trạm, đường dây. Chuẩn bị đủ thiết bị, vật tư dự phòng và máy phát điện, xây dựng phương án cấp nguồn dự phòng cho các khu vực trạm biến áp mới chỉ có một nguồn trung thế nhằm đảm bảo cấp điện an toàn cho toàn thành phố Hà Nội.

Ông Vũ Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội cho biết, tại các địa điểm xung yếu đều được bố trí hai nguồn điện lưới và nguồn diezel hoặc máy phát điện, UPS (bộ lưu điện) dự phòng nhằm cấp điện an toàn và liên tục cho Thủ đô từ ngày 1/10/đến hết ngày 10/10.

Các đơn vị quản lý vận hành lưới điện đã được lệnh từ ngày 25/9 đến 10/10 không được thao tác trên lưới điện (trừ trường hợp sự cố). Riêng Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình không cắt điện từ 17/9/2010 đến hết 11/10/2010. Tất cả các đơn vị từ tổng công ty đến công ty đã tiến hành tổng kiểm tra, diễn tập các phương án xử lý các tình huống sự cố, tăng cường trực lãnh đạo, công nhân trực tại tất cả các điểm trực đảm bảo điện, nhất là các điểm xung yếu như hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa Lý Thái Tổ, Quảng trường Ba Đình, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, những nơi bắn pháo hoa và một số điểm vui chơi như Thiên đuờng Bảo Sơn, Bách thảo… Các đơn vị tăng cường trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra. Riêng lãnh đạo tổng công ty được bố trí tăng cường trực tại đơn vị để đảm bảo khi có bất cứ tình huống nào xảy ra đều được xử lý kịp thời, nhanh chóng và tuyệt đối an toàn.

Trước ngày đại lễ gần 1 tháng, lãnh đạo EVN đã có buổi làm việc với đại diện EVN Hà Nội, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty điện lực Miền Bắc, Công ty Truyền tải điện 1, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia… để kiểm điểm về công tác chuẩn bị đảm bảo điện trong suốt thời gian diễn ra Đại lễ.

EVN cũng lên kế hoạch huy động tối đa các nguồn điện để đảm bảo phục vụ cho Đại lễ. Trước đó, Công ty Truyền tải điện 1 cũng đã hoàn thành nâng cấp 3 trạm biến áp Chèm, Hà Đông, Mai Động, góp phần tích cực vào chương trình chống quá tải cho thủ đô Hà Nội, kịp thời cung cấp điện cho phụ tải. Công ty cũng đã tăng cường kiểm tra, triển khai lắp tụ bù ngang 110 kV tại các TBA 220/110 kV để cải thiện chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng, giảm nhẹ tình trạng quá tải cho lưới điện 220 kV; Thực hiện lắp đặt mạch “tách đảo” tại các Trạm biến áp Hà Đông, Chèm, Mai Động và Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình để khi có sự cố trên hệ thống lưới miền Bắc vẫn đảm bảo duy trì nguồn cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội.

Đảm bảo cho Hà Nội luôn rực rỡ ánh điện

Đêm 26/9/2010, cùng với các đơn vị phục vụ lễ khai mạc Đại lễ, các đơn vị điện lực đã tiến hành kiểm tra lần cuối các thiết bị chiếu sáng, âm thanh. Ông Nguyễn Hoàng Khương, phó giám đốc Công ty Điện lực Ba Đình cho biết, với nhiệm vụ quản lý 16 trọng điểm, Công ty điện lực Ba Đình đã lên kế hoạch đôn đốc các Đội quản lý vận hành kiểm tra đảm bảo an toàn các trạm biến áp, đường dây hạ thế của các trọng điểm, kết hợp cùng các đội quản lý điện phường kiểm tra đảm bảo an toàn đường dây và các hòm công tơ cấp điện tại các điểm biểu diễn nghệ thuật, làm việc với Công ty Chiếu sáng đô thị tại các điểm phục vụ biểu diễn văn nghệ và diễu hành.

Đến ngày 15/09/2010, các trạm biến áp phân phối cấp điện cho các trọng điểm, các đường dây hạ thế, các điểm đấu, tiếp xúc, các vị trí hộp nối, các bộ cầu dao, đầu cáp xuất tuyến, máy cắt các trạm trung gian, các trạm cắt… đều được áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cấp điện. Để phòng sự cố bất trắc, Công ty đã chuẩn bị sẵn các máy phát 2,5 kW đặt sẵn trên xe tại công ty, khi cần có thể điều chuyển được ngay. Công nhân trực được huấn luyện đầy đủ phương án xử lý phòng khi cáp bị chập cháy.

Kỹ sư Phạm Đại Nghĩa, Phó giám đốc Công ty Điện lực Hoàn Kiếm cũng cho biết, tất cả các thiết bị âm thanh ánh sáng quanh Hồ Gươm đều sử dụng hết công suất nên nhiệm vụ của Điện lực Hoàn Kiếm là phải kiểm tra, đảm bảo an toàn việc đấu nối, nhiệt độ của thiết bị cấp điện của 56 tủ điện quanh Hồ Gươm để xử lý ngay trục trặc phát sinh. Với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và của ngành Điện, công ty đã thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện, nhất là việc hạ cáp ngầm lưới điện trung thế, nhằm từng bước hiện đại hóa lưới điện, phối hợp với các đơn vị bạn tiến hành cải tạo, lắp đặt mới và thay thế các thiết bị cũ có nguy cơ mất an toàn, nâng điện áp từ 10 kV lên 22 kV

Đẹp nhưng vẫn tiết kiệm

Ấn tượng nhất của Thủ đô Hà Nội những ngày Đại lễ là một thành phố rực sáng bởi một thứ ánh sáng lung linh dịu mát và rất dễ chịu. Đó là bởi vì hệ thống chiếu sáng bằng đèn cao áp đã được thay bằng hệ thống đèn Led tiêu tốn rất ít điện năng giúp người Hà Nội được chiêm ngưỡng thành phố xinh đẹp vào ban đêm cảm thấy rất thoải mái.

Hàng ngàn bộ đèn chiếu sáng tiết kiệm điện được lắp đặt tại các tuyến phố trung tâm thành phố, tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính, đường hướng tâm... để tạo nên thành phố vào ban đêm lung linh và đầy quyến rũ. Những bóng đèn cao áp, đèn sợi đốt được thay bằng đèn Led sẽ tiết kiệm được 10 lần điện năng tiêu thụ, lại thêm tuổi thọ của đèn Led cao gấp mấy chục lần đèn sợi đốt. Việc sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng tiết kiệm điện không chỉ tiết kiệm điện, tiết kiệm tiền mà còn góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa trong thói quen sử dụng điện của người Hà Nội.

Theo: CôngThương