Sự kiện

Những người thợ điện thắp sáng 21 tỉnh phía Nam

Thứ ba, 12/10/2010 | 09:58 GMT+7

Để 21 tỉnh thành phía Nam luôn sáng đèn, hàng trăm cán bộ nhân viên Công ty truyền tải điện 4 làm việc không ngơi nghỉ.  183km đường dây 500kV đoạn Pleiku-Phú Lâm nhờ vậy đã luôn an toàn.

Nỗ lực, không ngơi nghỉ

 

Là đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty truyền tải điện 4 (CTTTĐ4) được phân công quản lý vận hành lưới điện cao thế 21 tỉnh, thành phía Nam, được giao nhiệm quản lý vận hành 183km đoạn đường dây 500kV thuộc cung đoạn Pleiku-Phú Lâm, quản lý vận hành 01 trạm 500kV Phú Lâm và đoạn đường dây đi qua các địa bàn Tp.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đăklắk.


 
Bằng nỗ lực không mệt mỏi, tập thể CBCNV Công ty truyền tải điện 4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ được giao, Ban lãnh đạo CTTTĐ4 đã nhanh chóng tìm ra phương án điều hành hợp lý, bố trí nhân sự quản lý trực tiếp gồm 02 Đội quản lý đường dây và 1 trạm 500kV Phú Lâm. Đồng thời,  lãnh đạo công ty cũng tiến hành tổ chức hệ thống quản lý kỹ thuật theo các cấp từ công ty, phòng ban tới các cấp tổ, đội, trạm.

 

Ngoài ra đối với trạm biến áp, công ty đã sắp xếp đơn vị bảo trì thí nghiệm kiểm tra thí nghiệm định kỳ, bảo dưỡng thiết bị, cài đặt chỉnh định trị số rơle. Đối với đường dây công ty bố trí đội cơ động yểm trợ khi có sửa chữa xử lý sự cố lớn. Vì thế mặc dù lần đầu tiên vận hành thiết bị cấp điện áp 500kV nhưng công ty đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần huy động tối đa công suất của hệ thống.

 

Trong giai đoạn 1994 - 1997, bằng những nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể CTTTĐ4, ngay sau khi được đưa vào vận hành, mạng lưới điện nối 3 miền Bắc - Trung - Nam đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, truyền tải điện năng cung cấp cho nhu cầu phát triển KT-XH khu vực miền Trung và miền Nam, chấm dứt tình trạng thiếu điện triền miên trước đó tại các khu vực này.

 

Trong giai đoạn 1998 - 2005, trung bình mỗi năm đường dây 500kV đã lưới điện Miền Nam giao nhận 1.5 - 2.2 tỷ kWh với các nguồn điện Miền Bắc thông qua đường dây 500KV mạch 1. Đến năm 2002 theo dự báo, từ năm 2006-2008 miền Bắc sẽ thiếu điện, năm thiếu nhiều nhất khoảng hơn 600 MW, do chưa thể xây dựng được nguồn cung cấp mới ngoài Nhà máy Phả Lại 2. Các nhà máy điện Thái Bình, Quảng Ninh, Sơn La cũng phải nhiều năm sau mới phát điện, trong khi tốc độ tăng trưởng điện năng mỗi năm 14%-15%.

 

Vì thế, tháng 12/2003 Tổng công ty Điện Lực Việt Nam quyết định khởi công xây dựng đường dây 500kV mạch 2 gấp rút để chống quá tải và cung cấp điện cho sự phát triển kinh tế, xã hội bình thường của miền Bắc và mặt khác là nâng cao độ tin cậy hệ thống khi có đường dây mạch kép 500kV Bắc - Nam. Sau một thời gian xây dựng, ngày 23/10/2005, toàn bộ dự án đường dây 500kV Bắc Nam mạch 2 được hoàn thành và chính thức đưa vào vận hành.

 

Với vốn kinh nghiện quý giá tích lũy được khi vận hành thiết bị 500kV mạch 1, nên khi được giao nhiệm vụ quản lý đường dây và trạm biến áp 500kV, CTTTĐ4 đã nhanh chóng chuẩn bị nhân sự đáp ứng vận hành. Qua theo dõi trung bình mỗi năm lưới điện Miền Nam nhận 2 tỷ kwh từ các nguồn điện Miền Bắc và truyền công suất từ miền Nam ra miền Bắc (vào mùa khô) bình quân khoảng 500 triệu kwh/ năm thông qua hệ thống 500KV.

 

Đoàn kết để vượt khó và vững bước phát triển

 

Nếu trong năm 2009 một số nguồn điện khu vực phía Bắc vào chậm nên các đường dây 500 kV đều phải truyền tải công suất cao thì các tháng đầu năm 2010 khó khăn này càng cao hơn do thời tiết hạn hán, nắng nóng kéo dài trên cả nước, các hồ thủy điện thiếu nước trong khi nhu cầu điện lại tăng đột biến khiến lưới điện vốn luôn vận hành đầy tải lại phải gồng mình truyền tải công suất cao.

 

Công nhân Công ty TTĐ 4 kiểm tra TBA Tân Định
Bên cạnh đó, điều kiện vận hành cũng đã gây khó khăn không nhỏ cho Công ty trong công tác quản lý vận hành do nhiều đường dây và trạm biến áp bị quá tải khiến một số kế hoạch cắt điện để kiểm tra, bảo dưỡng hoặc sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, đồng thời nguy cơ sự cố tăng cao.

 

Bước sang năm 2010, để giữ ổn định lưới điện trong điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài, phụ tải tăng, lưới truyền tải luôn vận hành trong tình trạng quá tải, CBCNV công ty đã đoàn kết cùng nhau khắc phục, vượt qua những khó khăn để đạt được một số chỉ tiêu cơ bản như: Sản lượng điện thương phẩm là 31,006 tỷ kWh đạt 69,92% so với kế hoạch (44,435 tỷ kWh) đề ra và tăng 13,85% so với cùng kỳ năm 2009 (27.315 tỷ kWh), tỷ lệ tổn thất ở mức 2,07%.

 

Trong 8 tháng đầu năm 2010, CTTTĐ4 đã tiếp nhận và đưa vào vận hành mới: 3 đường dây 220 kV là Bạc Liêu- Sóc Trăng, đường dây 220 KV Ô môn - Thốt Nốt và đường dây 220 kV Hàm Thuận - Phan Thiết; 2 trạm biến áp 220 kV Phan Thiết, Thốt Nốt và 1 trạm biến áp 500 kV ở Ô Môn.

 

Bên cạnh có, CTTTĐ4 cũng tiếp nhận các máy tăng cường công suất như máy 2 Long Thành, Tao Đàn, Tân Định. Với tổng chiều dài đường dây là 4.142,754km, trong đó đường dây 500 kV là 765,862 km và đường dây 220 kV là 3.376,892 km và tổng dung lượng trạm biến áp là 14,881 MVA trong đó 06 trạm biến áp biến áp 500 kV với dung lượng 5,476MVA và 25 trạm biến áp 220 kV có dung lượng 9.405 MVA.

 

So với cùng kỳ năm 2009, chiều dài đường dây tăng 192,888km, tương đương 4,8% và dung lượng trạm biến áp MBA tăng 1.325MVA, tương đương 10,1%. CTTTĐ4 đã tham gia nghiệm thu, chuẩn bị sản xuất, tư vấn giám sát nhiều công trình do Ban QLDA các công trình điện miền Nam thực hiện, đồng thời giữ được việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho CB - CNV cả về vật chất lẫn tinh thần.

 

Trong suốt quãng thời gian từ khi thành lập đến nay, mặc dù liên tục gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo điều hành của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, CTTTĐ4 đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn không ngừng nâng cao khả năng cung ứng điện đáp ứng kịp với nhu cầu và tốc độ phát triển của phụ tải và đã khẳng định mình trên bước đường phát triển.

 

Theo: VietNamNet