Đà Nẵng: Đến năm 2025, hơn 80% các trụ sở công lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà

Thứ hai, 1/6/2020 | 08:29 GMT+7
Đà Nẵng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020 – 2025 sẽ có 80 – 90% các trụ sở công trên địa bàn thành phố lắp đặt điện mặt trời mái nhà; tổn thất điện năng dưới 2,75%, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc TOP 5 tỉnh thành dẫn đầu cả nước; đến năm 2030 tỷ lệ tiết kiệm năng lượng là 7%, giảm phát thải nhà kính 7%.
da nang den nam 2025 hon 80 cac tru so cong lap dat he thong dien mat troi mai nha
Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thành ủy Đà Nẵng vừa thông qua và ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
 
Theo đó, việc thực hiện Nghị quyết 55 tại TP. Đà Nẵng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng là nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong cuộc CMCN 4.0.
 
Thành ủy Đà Nẵng xem việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội; khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân triển khai đầu tư đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật có xem xét đến yếu tố phát triển theo quy hoạch ngành; chiến lược, định hướng phát triển lưới điện thành phố giai đoạn 10 năm tiếp theo, phù hợp với Quy hoạch cấp điện thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Đồng thời, chủ động xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ của CMCN 4.0, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 xây dựng phát triển TP. Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, môi trường, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng theo tinh thần Nghị quyết 43.
 
Mục tiêu cụ thể của TP. Đà Nẵng sẽ phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối trên địa bàn đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với tốc độ tăng trưởng GRDP trong giai đoạn 2021 – 2030 là 12%/năm. Nhu cầu điện các năm theo Quy hoạch phát triển điện lực Đà Nẵng đến năm 2020 công suất cực đại đạt 630 MW, năm 2025 đạt 1.111 MW, năm 2030 đạt 1.790 MW. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đạt khoảng 5% vào năm 2030; 7% vào năm 2045, phấn đấu tiệm cận với mục tiêu của Nghị quyết số 55-NQ/TW. Xây dựng hệ thống lưới điện hiện đại, thông minh, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chí đối với vùng phụ tải quan trọng và vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Tổn thất điện năng dưới 2,75%; chỉ số tiếp cận điện năng thuộc TOP 5 tỉnh thành dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển mình thường ở mức 7% vào năm 2030, lên mức 14% vào năm 2045, phấn đấu tiệm cận với mục tiêu của Nghị quyết 55.
 
Đặc biệt, ưu tiên, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái trong giai đoạn 2020 – 2025 đạt 80 – 90% trên tổng số các trụ sở công tại địa bàn TP. Đà Nẵng.
 
da nang den nam 2025 hon 80 cac tru so cong lap dat he thong dien mat troi mai nha
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 có hơn 80% cơ sở công lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (Ảnh: Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trường TH Võ Thị Sáu, Đà Nẵng).
 
Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, TP. Đà Nẵng ngoài tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, còn đẩy mạnh phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực điện lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, ưu tiên khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tại các trụ sở công (trường học, bệnh viện, chợ, khách sạn…) và trên mặt nước, cho phép nghiên cứu phát triển điện mặt trời trên mặt đất nếu khả thi; khuyến khích nghiên cứu tiềm năng, phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai Chiến lược biển Việt Nam; Nghiên cứu, khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát; tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối; khuyến khích nghiên cứu, phát triển các dạng năng lượng mới phù hợp với điều kiện thời tiết, địa hình của TP. Đà Nẵng thân thiện với môi trường.
 
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng sẽ rà soát các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng đồng bộ với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Ưu tiên phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt dộng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng. Phát triển khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương