Điện mặt trời áp mái nhà đang được khuyến khích lắp đặt ở nhiều cơ quan, hộ gia đình. Ảnh: TN
Đây chính là thế mạnh để tỉnh Quảng Trị khai thác nguồn năng lượng tự nhiên từ những dự án điện mặttrời hay điện mặt trời áp mái nhà (ĐMTAMN).
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị), đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 110 khách hàng lắp đặt ĐMTAMN với tổng công suất lắp đặt là 1.280,05kWp. PC Quảng Trị là đơn vị đi đầu trong việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái hòa lưới. Đến nay đơn vị đã lắp đặt trên mái ở các trụ sở, văn phòng, nhà điều hành sản xuất với 23 địa điểm, tổng công suất lắp đặt là 582 kWp. Ngoài ra có 87 khách hàng là các hộ gia đình lắp đặt tại mái nhà. Khách hàng lắp đặt có công suất lớn nhất là 97kWp, thấp nhất là 3kWp, công suất trung bình là 8,59kWp/ khách hàng. Tính đến ngày 22/5/2020, sản lượng ĐMTAMN của các khách hàng đã được phát ngược lên lưới là 42.913kWh.
Trưởng phòng Kinh doanh PC Quảng Trị Nguyễn Thanh Luận cho rằng chủ trương lắp đặt ĐMTAMN hộ gia đình và doanh nghiệp là hướng đầu tư mang tính xã hội hóa và có hiệu quả kinh tế. ĐMTAMN có nhiều ưu điểm là không tốn diện tích đất; giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình áp thiết bị; ĐMTAMN được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp, không cần đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải nên chi phí đầu tư thấp; ĐMTAMN có quy mô nhỏ, vốn đầu tư không nhiều, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh, xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn điện. Mặt khác, về chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi. Ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg “Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam”, các hệ thống ĐMTAMN được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc bên mua là tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Giá mua điện ĐMTAMN là 1.943 VND/ kWh tương đương 8,38 UScent/kWh.
Việc sử dụng điện mặt trời là sử dụng năng lượng sạch, giảm tiền điện hằng tháng cho khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng lắp ĐMTAMN công suất lớn còn thu về thêm một khoản tiền không nhỏ khi bán lại lượng điện dư thừa cho ngành điện. Mặc dù số vốn đầu tư để lắp đặt hệ thống ĐMTAMN của một hộ gia đình bình quân từ 40-70 triệu đồng nhưng lợi ích thiết thực mang lại khá lớn. Đối với các hộ gia đình đơn lẻ, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách giá điện bậc thang mà hiện nay đang áp dụng với các hộ tiêu thụ. Khi mà hộ gia đình lắp đặt ĐMTAMN thì sẽ giúp giảm bớt được phần giá điện bậc thang nên sẽ rất có lợi cho người tiêu dùng là hộ gia đình, đặc biệt là những hộ có sản lượng điện hằng tháng cao thì sẽ có nhiều lợi ích về kinh tế.
Điều sẽ nhận thấy là việc phát triển ĐMTAMN đã mang lại nhiều lợi ích cho người đầu tư cũng như ngành điện trước nguy cơ thiếu điện. Đặc biệt, địa bàn tỉnh Quảng Trị có nắng nhiều là lợi thế để phát triển ĐMTAMN. Hiện tại Quảng Trị là địa phương có nhiều thế mạnh cùng với cơ chế khuyến khích phát triển của Chính phủ thì nhiều gia đình, tổ chức, doanh nghiệp có thể đầu tư phát triển ĐMTAMN. Với kỹ thuật, thiết bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời hiện nay tiên tiến, hiện đại, không gây ảnh hưởng môi trường cũng như tác động đến đời sống của người sống gần công trình thì phát triển ĐMTAMN là một lựa chọn đúng hướng về sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ cuộc sống và tạo nguồn thu nhập cho gia đình, đơn vị khi có một cơ chế giá mua điện ổn định. Tuy nhiên, không phải tất cả gia đình, doanh nghiệp lắp ĐMTAM đều thu được lợi ích như nhau. Để đảm bảo hiệu quả, thu được lợi ích các gia đình, doanh nghiệp cần xem xét, cân nhắc nhiều yếu tố như vị trí nhà, xưởng có nhiều ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp mới quang hợp được ánh sáng... Do đó, gia đình, doanh nghiệp cần cân nhắc, tính toán chi tiết để đem lại hiệu quả kinh tế phù hợp nhất.
Rõ ràng những hiệu quả kinh tế và xã hội từ ĐMTAMN đã được kiểm chứng nhưng để khai thác có hiệu quả nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là để mọi người dân tích cực hưởng ứng chủ trương này thiết nghĩ ngành điện cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người dân tiếp cận đầy đủ thông tin kỹ thuật, giá cả lắp đặt, cơ chế bán mua cũng như hiệu quả kinh tế mang lại từ việc lắp đặt ĐMTAMN. Bởi lẽ trên thực tế nhiều hộ dân được tư vấn còn lưỡng lự, chưa muốn lắp đặt vì với họ thì khoản kinh phí đầu tư ban đầu còn khá cao. Ngoài ra, vì chưa biết hiệu quả như thế nào, sử dụng điện mặt trời thì nguồn điện có ổn định hay không nên các hộ dân còn tâm lý e dè. Vì thế nên cạnh giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông nên chăng Chính phủ cũng như ngành điện cần ban hành một chính sách hỗ trợ tài chính ban đầu để người dân mạnh dạn đầu tư lắp đặt ĐMTAMN, xem đây là một giải pháp quan trọng để xã hội hóa chủ trương sản xuất điện năng dựa vào thiên nhiên, khai thác có hiệu quả từ thiên nhiên phục vụ thiết thực cho đời sống xã hội.