Anh Nguyễn Mạnh Hùng, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) lau tấm pin mặt trời của gia đình.
Theo đó, nhờ vào việc tận dụng diện tích mái nhà, năng lượng từ mặt trời chiếu xuống các tấm pin năng lượng mặt trời đã tạo ra lượng điện năng để sử dụng hiệu quả tại các trụ sở cơ quan, đơn vị, hộ gia đình.
Theo thống kê từ Phòng Kinh doanh (Công ty Điện lực Ninh Bình), đến tháng 4/2020, Ninh Bình đã có 25 khách hàng tham gia lắp đặt, sử dụng điện mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 194,74 kWp (kiloWatt peak). Tuy nhiên, phần đa các hộ lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời có công suất nhỏ, chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt (20 hộ).
Chỉ có 5 khách hàng dùng năng lượng này ngoài sinh hoạt, điển hình như: Công ty TNHH Thanh An (xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp) lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất 50 kWp, Công ty Dịch vụ và thương mại Tuấn Thanh (phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình) có công suất 20 kWp, cơ sở kinh doanh Vũ Văn Kiên (thị trấn Me, Gia Viễn) có công suất 15 kWp…
Trao đổi về việc ứng dụng và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, anh Nguyễn Mạnh Hùng, ở phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) cho hay: Từ tháng 3/2019, gia đình tôi lắp đặt, dùng thử nguồn năng lượng này. Kỹ thuật khá đơn giản, nên anh mua 3 tấm pin (Solar panel) có diện tích 4,8m2 (mỗi tấm gần 1,6m2, công suất 340W, điện áp 48,5V), thiết bị hỗ trợ bộ biến tần (Inverter), đồng hồ điện 2 chiều, dây dẫn và tự mình lắp đặt trên mái nhà theo hướng dẫn. Xác định là “test” (dùng thử), mà chỉ ở dạng “săn bán tải” - dùng điện khi có ánh nắng mặt trời, nên anh chỉ đầu tư trên 10 triệu đồng cho hệ thống công suất 1 kWp, tạo ra được từ 4 đến 5 kWh/ngày.
Trước khi lắp hệ thống điện mặt trời, gia đình phải chi trả số tiền điện là hơn 600 nghìn đồng/tháng, hiện tại chỉ phải trả khoảng 400 nghìn đồng/tháng (tức là một năm tiết kiệm khoảng 3 triệu đồng).
Cũng như gia đình anh Hùng, anh Vũ Anh Khoa, phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình) lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời với chi phí đầu tư gần 80 triệu đồng cho công suất 5 kWp. Sau khoảng 2 tháng, nhiều gánh nặng chi tiêu trong gia đình anh Khoa đã được giảm bớt.
Trước đây, gia đình phải chi trả số tiền điện là hơn 2 triệu đồng/tháng, hiện tại chỉ phải trả khoảng 600-700 nghìn đồng/tháng.
Còn gia đình anh Phạm Quốc An, thị trấn Nho Quan (Nho Quan) nhờ hệ thống điện năng lượng mặt trời, gia đình anh đã chủ động được nguồn điện, mái nhà được cách nhiệt bằng việc phủ lên hơn chục tấm pin năng lượng mặt trời đã góp phần đã giúp giảm sức nóng những ngày hè. Điện năng lượng mặt trời áp mái thích hợp sử dụng cho mọi gia đình, biệt thự, doanh nghiệp...
Các thiết bị như máy lạnh, quạt, thang máy, chiếu sáng…, nhất là ở các văn phòng, siêu thị, cửa hàng tiêu hao rất nhiều điện năng vào ban ngày thì đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ. Đặc biệt là những địa bàn phải chịu cảnh mất điện luân phiên hoặc chưa có điện lưới thì thật hữu ích.
Vì thiết bị sạc năng lượng điện mặt trời sẽ có nhiệm vụ điều khiển quá trình tích điện từ pin mặt trời sang hệ thống ắc quy lưu trữ, để vẫn có điện dùng cả khi không có ánh sáng mặt trời (ban đêm). Những tháng cao điểm như mùa hè nắng nóng nhiều, cường độ bức xạ cao sẽ dư thừa nguồn điện mặt trời, cùng với thiết bị thông minh, hệ thống điện năng lượng mặt trời còn tự động hòa vào từ nguồn điện lưới quốc gia.
Về hiệu quả kinh tế, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đồng thì hộ gia đình mất khoảng 6 năm sẽ bù lại số tiền đầu tư ban đầu, nhưng suốt 6 năm đó, dùng điện miễn phí. Pin mặt trời rất bền (có tuổi thọ từ 35 đến 50 năm), vì vậy điện năng lượng mặt trời đầu tư một lần, lợi ích trên 30 năm.
Link gốc