PC Đà Nẵng tập trung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý vận hành.
So với kế hoạch, chỉ số SAIDI thực hiện 142 phút/280 phút; chỉ số MAIFI là 0,147 lần/ 0,76 lần; chỉ số SAIFI là 1,26 lần/1,81 lần; lưới điện và trạm biến áp 110kV không xảy ra sự cố. PC Đà Nẵng tiếp tục thuộc top các đơn vị thực hiện tốt nhất về chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện và suất sự cố trong toàn Tổng công ty. Để thực hiện tốt công tác giảm suất sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, hoàn thành các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật, thời gian qua Công ty đã triển khai nhiều giải pháp.
Tập trung các giải pháp quản lý vận hành
Định kỳ, Công ty tổ chức đánh giá kết quả thực hiện; phân tích, rút kinh nghiệm các sự cố điển hình xảy ra; từ đó, xây dựng các giải pháp ngăn ngừa sự cố đối với từng phần lưới điện, trạm điện, phù hợp với đặc thù lưới điện Công ty đang quản lý.
Trong năm, Công ty thực hiện chụp ảnh bằng camera nhiệt tại 7.582 vị trí, phát hiện và xử lý kịp thời 63 trường hợp bất thường; triển khai thí nghiệm chẩn đoán phóng điện cục bộ PD online hơn 2.212 vị trí xung yếu, đánh giá CBM hơn 2.755 thiết bị, 1.169 vị trí bọc kín điểm hở trên lưới điện, 96 vị trí thu hồi kết cấu thừa, 517 vị trí lắp cụm chống rơi dây, 1.053 vị trí lắp cách điện tăng cường FCO..v.v. Thực hiện 1.635 lượt phát quang hành lang tuyến, đảm bảo khoảng cách an toàn lưới điện, đồng thời phối hợp với địa phương tuyên truyền nhằm giảm các sự cố do vi phạm hành lang lưới điện trong nhân dân.
Song song, công nghệ hotline không cắt điện được Công ty áp dụng triệt để đối với công tác bảo trì, bảo dưỡng lưới điện; thi công, đấu nối công trình điện nhằm hạn chế tối đa thời gian mất điện của khách hàng. Trong năm, Công ty đã thực hiện 2.969 công tác hotline, vệ sinh cách điện 37 lượt TBA 110kV, 193 trụ 110kV 546 trụ 22kV và 37 TBA 22/0,4kV.
Công ty cũng đã tiến hành làm việc với các khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng, đề nghị thực hiện thí nghiệm định kỳ thiết bị, kiểm tra kỹ thuật các đường dây và trạm biến áp; đồng thời hướng dẫn khách hàng khắc phục, sửa chữa những tồn tại nếu có, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố điện.
Chú trọng phát triển hạ tầng lưới điện
Công tác đầu tư cải tạo, phát triển hạ tầng nguồn lưới điện là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng phục vụ cho khách hàng. Trong năm, PC Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng 04 công trình 110 kV gồm mở rộng, thay thế dàn thanh cái 22 kV tại các TBA 110 kV Xuân Hà, Hòa Khánh 2, Hòa Xuân và nâng tiết diện dây dẫn 110 kV nhánh rẽ Liên Trì. Đối với lưới điện 22 kV, Công ty xây dựng mới 35,19 km đường dây trung áp; 87,746 km đường dây hạ áp; 154 TBA với tổng dung lượng 53.085 kVA cùng nhiều thiết bị khác được đầu tư, thay mới đồng bộ. Với khối lượng công trình trong năm lớn, để hạn chế tối đa thời gian mất điện của khách hàng, PC Đà Nẵng áp dụng các giải pháp như sửa chữa điện nóng, tạo mạch khép vòng chuyển tải, phân bố các thiết bị phân đoạn,… Đặc biệt, bố trí thời gian thi công hợp lý đối với công tác bắt buộc phải cắt điện.
Đáng chú ý, Công ty đã đầu tư mở rộng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối (DAS) theo lộ trình phát triển lưới điện thông minh. Đến cuối năm 2021,Trung tâm điều khiển hệ thống điện Đà Nẵng đã hoàn thành kết nối 355 thiết bị phân đoạn, trong đó có 158 Recloser, 174 LBS và 23 RMU trên lưới điện phục vụ việc thao tác xa, giám sát và thu thập dữ liệu. Hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối DAS đang vận hành trên 54 xuất tuyến 22kV với sự tham gia của 54 máy cắt xuất tuyến, 61 Recloser, 36 LBS, 18 RMU; hoạt động ở chế độ vận hành tự động hoàn toàn (Automatic).
Hướng đến lưới điện tự động hóa
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, năm 2022, PC Đà Nẵng phấn đấu không để xảy ra sự cố chủ quan lưới điện 110kV, sự cố MBA tại các TBA 110 kV, tập trung công tác giảm sự cố lưới điện. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực vận hành của lưới điện hiện trạng đảm bảo mỗi xuất tuyến có dòng tải <200A, mỗi phân đoạn 50-100A và phân đoạn < 1.000 khách hàng; Triển khai có hiệu quả sử dụng TBA phân phối lưu động để cấp điện khách hàng khi công tác, giảm tối đa thời gian mất điện. Công tác giảm sự cố lưới hạ áp cũng sẽ được chú trọng, nhanh chóng đưa vào vận hành TBA 110 kV Chi Lăng, Cảng Tiên Sa nhằm giảm tải cho khu vực Hải Châu, Sơn Trà.
Tiếp tục triển khai dự án DAS, năm 2022 PC Đà Nẵng sẽ bổ sung kết nối các thiết bị mới vào hệ thống DAS hiện có để đảm bảo hoạt động tối ưu, phản ứng tự động với các dạng sự cố, thu hẹp tối đa khu vực bị ảnh hưởng. Nâng tổng số xuất tuyến được cấu hình DAS lên 60 xuất tuyến với sự tham gia của 84 Recloser, 94 LBS và 37 RMU trung áp ở khu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu, đảm bảo lộ trình đến năm 2025, hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối (DAS) sẽ phủ khắp trên địa bàn Đà Nẵng.
Cùng với các giải pháp triển khai đồng bộ trong công tác quản lý vận hành, việc hoàn thành phương án giảm suất sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện giúp đảm bảo hệ thống điện Đà Nẵng vận hành ổn định, tin cậy và đem lại sự hài lòng cho khách hàng trên địa bàn thành phố.