Nhân viên PC Đồng nai thực hiện di dời công tơ điện cho một hộ dân tại phường Tân Phong, TP. Biên Hòa.
Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai), trong năm 2015 và 10 tháng năm 2016, đơn vị đã phát hiện, lập biên bản xử lý 36 trường hợp tự ý di dời công tơ điện trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, đây là con số rất ít so với thực tế bởi các trường hợp tự ý di dời thường thực hiện lén lút nên không dễ phát hiện.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này, chủ yếu vẫn là do suy nghĩ chủ quan của người dân cho rằng, đây là việc đơn giản nên tự ý thực hiện. Ngoài ra, tâm lý ngại liên hệ với cơ quan Điện lực vì sợ mất thời gian và chi phí khi thực hiện di dời cũng khiến nhiều người dân “làm liều” tự mình thực hiện.
Người dân cứ nghĩ “đơn giản” nên tự làm
Đã hơn 1 tháng trôi qua, nhưng gia đình ông Nguyễn Sơn Hà, khu phố 2, ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của ông N.T.T, người được ông nhờ di dời công tơ điện của gia đình. Ngày 26/7 gia đình ông Hà có gọi điện thoại nhờ ông N.T.T và ông V.T.D đến di dời công tơ điện từ trong nhà ra ngoài tường rào trước nhà. Tuy nhiên, trong quá trình di dời, khi ông T đang làm trên cột thì bị điện giật gây tai nạn, mặc dù đã được người dân đưa đi cấp cứu nhưng ông T đã tử vong.
Theo ông Hồ Minh Quang, Phó giám đốc PC Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do trong quá trình di dời công tơ điện, nhóm làm việc không cắt điện nhưng lại không thực hiện đầy đủ bảo hộ lao động, trang cụ an toàn và bất cẩn trong quá trình thao tác dẫn đến tai nạn. Khi làm việc ông T. chỉ treo dây an toàn và chân tựa vào ống sắt tròn nên tư thế đứng làm việc không vững chắc dẫn đến mất thăng bằng và người chạm vào dây dẫn điện gây giật điện, ông Quang cho biết. Đáng nói, đây không phải là lần đầu xảy ra tai nạn về điện khi người dân tự ý di dời công tơ điện. Tuy nhiên, do chủ quan cũng như ngại phải liên hệ với ngành Điện mỗi khi có nhu cầu nhiều hộ dân vẫn tự ý thực hiện.
“Khi chúng tôi đi làm, tiếp xúc với người dân thì phần lớn bà con đều cho rằng việc di dời công tơ điện đơn giản nên không muốn liên hệ với điện lực mà tự thực hiện. Tuy nhiên, việc thao tác khi chưa thực hiện cắt điện rất nguy hiểm, đặc biệt là trong điều kiện phần lớn người dân không được trang bị các dụng cụ bảo hộ. Vụ việc vừa rồi xảy ra ở xã Đông Hòa là một trường hợp điển hình”, ông Phạm Anh Dũng, nhân viên Điện lực Trảng Bom cho biết.
Tự ý di dời công tơ điện là phạm luật
Theo Điện lực Đồng Nai, việc người dân tự ý di chuyển công tơ điện không đúng các điều kiện kỹ thuật sẽ gây sai lệch đến hệ thống đo đếm, dẫn đến việc ghi nhận điện năng sử dụng điện không chính xác. Bên cạnh đó, quá trình tự ý di dời không đúng kỹ thuật sẽ dẫn đến những trường hợp chạm chập gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng của người dân. Đồng thời, gây hư hỏng vật tư thiết bị trên hệ thống điện, gây mất điện, cháy nổ làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện an toàn, liên tục đến khách hàng.
Không những gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, việc người dân tự ý di dời công tơ điện nếu bị phát hiện còn được xem là hành vi vi phạm Luật Điện lực. Đồng thời, theo Nghị định 137/2013 của Chính phủ việc người dân tự ý di dời công tơ điện nếu bị phát hiện cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 5 đến 7 triệu đồng.
Chính vì vậy, theo ông Phạm Viết Ái, Trưởng phòng kinh doanh PC Đồng Nai, trong trường hợp người dân có nhu cầu di dời công tơ thì phải đăng ký với ngành Điện để được hỗ trợ. Thủ tục để thực hiện di dời rất đơn giản. Theo đó, sau khi tiếp nhận nhu cầu di dời của người dân, ngành Điện sẽ tiến hành khảo sát và thông báo cho khách hàng rồi thực hiện di dời. Toàn bộ quá trình chỉ mất khoảng 2 ngày từ lúc khách hàng đăng ký.
Muốn di dời công tơ điện phải được sự đồng ý của bên bán điện
Theo Điều 18 quy định về Trách nhiệm bảo vệ công tơ điện của bên mua điện được quy định tại Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực có quy định: “Không được tự ý thảo gỡ, di chuyển công tơ điện. Khi có nhu cầu di chuyển công tơ điện sang vị trí khác, phải được sự đồng ý của bên bán điện và phải chịu chi phí di chuyển”.
|