Sự kiện

Đầu tư các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ: Bài 2: Phải kiểm tra chất lượng và giám sát thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường

Thứ tư, 5/5/2010 | 09:23 GMT+7

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng các dự án thủy điện (DATĐ), qua kiểm tra tình hình thực hiện của các tỉnh đối với các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng công trình, bảo vệ môi trường ở các DATD vừa và nhỏ cho thấy, công tác này chưa được triển khai thường xuyên và đầy đủ.

* Chưa chú trọng việc kiểm tra, giám sát

Trên thực tế, ở một số DATĐ nhỏ, tuy các đơn vị tư vấn và nhà thầu xây dựng được lựa chọn đều có chức năng hành nghề theo quy định nhưng chất lượng thiết kế và thi công tại chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân chính là do các đơn vị tư vấn mới thành lập còn thiếu kinh nghiệm; nhà thầu thi công thiếu nhân lực và thiết bị. Chủ đầu tư các DATĐ nhỏ chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, thiếu cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm đầu tư xây dựng thủy điện nên quản lý chất lượng chưa thật chặt chẽ. Đặc thù của các dự án thủy điện nhỏ là địa hình tự nhiên không cho phép xây dựng hồ chứa lớn; xả lũ chủ yếu bằng đập tràn tự do nên sẽ không làm gia tăng lưu lượng đỉnh lũ so với tự nhiên. Nhưng cá biệt hiện nay vẫn còn chủ đầu tư cố tình không tuân thủ việc đăng ký và thực hiện việc đăng ký an toàn đập mặc dù đã được thông báo, nhắc nhở bằng công văn nhiều lần. Thiết bị quan trắc nhìn chung là đơn giản, đo đạc chủ yếu bằng phương pháp thủ công.    

Căn cứ quy định tại Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ, trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án, chủ đầu tư các DATĐ đã cam kết trồng mới thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng công trình. Tuy nhiên, việc thực hiện cam kết này tại hầu hết các DATĐ gặp khó khăn, chủ yếu do địa phương không còn quỹ đất. Mặt khác, công tác quản lý, bảo vệ rừng ngoài mặt bằng công trình tại một số dự án chưa chặt chẽ nên lâm tặc đã lợi dụng các tuyến đường thi công - vận hành công trình để chặt phá khai thác rừng trái phép.

Mặc dù trong quá trình thẩm định, nhiều dự án thủy điện nhỏ có khả năng ảnh hưởng tới môi trường, ngập nhiều đất nông nghiệp, Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia…, Bộ Công Thương đã đề nghị UBND tỉnh không đưa vào Quy hoạch. Tuy nhiên, do công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cũng như năng lực, kinh nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương còn hạn chế nên những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Quy hoạch chưa được rút kinh nghiệm để kịp thời xử lý.    

* Phải thực hiện đúng quy trình

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan kiểm tra, rà soát các Quy hoạch và việc cấp phép đầu tư các DATĐ nhỏ; đánh giá ảnh hưởng tới môi trường - xã hội…

Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra, hoàn thiện Quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm đảm bảo vận hành an toàn công trình và cắt giảm lũ có hiệu quả cho hạ du. Theo đó, tùy thuộc vào từng loại hình hồ chứa và công trình tràn, chế độ tích nước và xả lũ được quy định cụ thể theo đặc thù riêng. Nguyên tắc cơ bản được quy định cho tất cả các công trình thủy điện là không làm gia tăng lưu lượng đỉnh lũ. Bên cạnh đó, các quy trình đều quy định cụ thể về công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão cũng như quan trắc, bảo dưỡng để đảm bảo công trình vận hành chống lũ an toàn.

Theo quy định tại Nghị định số 83/2009/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ góp ý kiến về Thiết kế cơ sở của dự án. Như vậy, chủ đầu tư dự án có thể không tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu đảm bảo an toàn công trình của cơ quan quản lý nhà nước để tiết kiệm chi phí, gây nguy cơ đối với tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trong khu vực. Do đó, đối với các DATĐ, đề nghị phải có văn bản thẩm định Thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý ngành, làm cơ sở phê duyệt Dự án đầu tư và lập Thiết kế kỹ thuật.

Hiện Bộ Công Thương và các Bộ có liên quan đã yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình giám sát và nghiệm thu chất lượng; bố trí đủ thiết bị quan trắc an toàn ổn định công trình (đặc biệt là các đập đất) theo quy định; đồng thời lưu ý xem xét điều chỉnh hợp lý thiết kế công trình, có phương án dự báo thủy văn để đảm bảo vận hành công trình an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn (xả nước hạ lưu, đổ thải đất đá, gia cố các mái dốc đào, xử lý sạt trượt...); tăng cường nhân lực và thiết bị thi công để đảm bảo chất lượng công trình.

Để tăng cường quản lý đầu tư xây dựng các DATĐ, đảm bảo thực hiện các dự án đúng tiến độ và đạt chất lượng, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh nghiên cứu, ban hành quy định chi tiết về việc lựa chọn chủ đầu tư (trong đó có yêu cầu cụ thể về năng lực tài chính, kinh nghiệm, nhân lực thực hiện...), điều kiện và thủ tục cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư các DATĐ. Đồng thời giao Bộ Xây dựng nghiên cứu việc điều chỉnh thống nhất quy định về phân loại và phân cấp công trình thủy điện; phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định về quản lý nhà nước đối với Thiết kế cơ sở và quản lý nhà nước về chất lượng đối với các DATĐ. Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường tại các DATĐ.

Bộ Công Thương cũng có nhiệm vụ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tiếp tục và thường xuyên kiểm tra, rà soát về quy hoạch và đầu tư các DATĐ để điều chỉnh hợp lý Quy hoạch thủy điện và Quy hoạch phát triển điện lực của các tỉnh, đảm bảo quản lý tốt việc đầu tư xây dựng các DATĐ, nhất là các DATD vừa và nhỏ. Đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản lý, đầu tư, xây dựng các DATD vừa và nhỏ.

Đối với UBND các tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng các DATĐ trên địa bàn, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn đập; tăng cường kiểm soát về năng lực, kinh nghiệm, tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư và quản lý đầu tư xây dựng các DATĐ theo quy định. Một mặt các tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu và đề xuất phương án đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối các DATĐ, mặt khác tiếp tục kiểm tra, rà soát và thực hiện các thủ tục để loại bỏ hoặc yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh hợp lý các DATĐ thuộc các Quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo việc đầu tư xây dựng các DATĐ có hiệu quả và bảo vệ môi trường tự nhiên - xã hội./.

Mai Phương