Sự kiện

Để bảo đảm đưa NMĐHN vào vận hành an toàn, phải áp dụng một loạt biện pháp đồng bộ

Thứ ba, 11/5/2010 | 10:35 GMT+7

Ngay sau khi Quốc hội Khóa XII thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận (tháng 11-2009), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gấp rút triển khai nhiều hoạt động và đề ra một loạt các biện pháp nhằm sớm biến chủ trương của Quốc hội thành hiện thực. Nhân dịp này, phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Quang Thành – Phó Tổng giám đốc EVN.

PV: Thưa ông! Tại kỳ họp thứ 6 khóa XII, Quốc hội đã thông qua chủ trương xây dựng 02 nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận, để thực hiện quyết định này, EVN  sẽ phải làm gì trong thời gian tới?

Ông Dương Quang Thành: Thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009 về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận của Quốc hội, ngày 18/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 460/TTg-KTN về việc duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để chỉ đạo triển khai, theo đó EVN được giao làm chủ đầu tư các dự án thành phần sau: Dự án NMĐHN Ninh Thuận 1, công suất khoảng 2.000 MW (tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận); Dự án NMĐHN Ninh thuận 2, công suất khoảng 2.000 MW (tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận); Dự án hạ tầng phục vụ thi công các dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận; Dự án Trung tâm Quan hệ công chúng về điện hạt nhân; Dự án Đào tạo nguồn nhân lực cho các Dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

Nhằm đảm bảo tiến độ chung của dự án, trong thời gian tới, EVN sẽ phải triển khai các công việc sau: Lựa chọn tư vấn nước ngoài để lập Dự án đầu tư và Hồ sơ phê duyệt địa điểm cho NMĐHN Ninh Thuận 1; triển khai ngay công tác lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, dự án đầu tư các dự án thành phần của Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với tỉnh Ninh Thuận triển khai Dự án Di dân tái định cư do UBND tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư nhằm đảm bảo bàn giao mặt bằng nhà máy vào 31/12/2011; triển khai công tác chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực trong năm 2010 cho các dự án NMĐHN tại tỉnh Ninh Thuận (bao gồm đào tạo trong nước và nước ngoài); lựa chọn tư vấn hỗ trợ chủ đầu tư quản lý thực hiện dự án (Owner’s engineer); triển khai công tác thông tin tuyên truyền cho dự án điện hạt nhân; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện và quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

PV: Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quản lý, vận hành, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ công nhân giỏi, vậy công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhà máy ĐHN sẽ được triển khai như thế nào, EVN đã có định hướng gì, thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân, công tác đào tạo nguồn nhân lực đã được EVN tổ chức triển khai, nhằm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân thông qua các chương trình hợp tác và chương trình đào tạo mang tính chiến lược, gồm cả dài hạn và ngắn hạn như sau:

EVN đã thiết lập quan hệ với Trường Đại học Năng lượng Matxcơva (MPEI) để đào tạo nghiên cứu sinh, kỹ sư tài năng và hợp tác phát triển khối trường của EVN. Trong quan hệ hợp tác này, EVN đã chỉ đạo, định hướng Trường Đại học Điện lực ký biên bản ghi nhớ với MPEI trong lĩnh vực trao đổi tài liệu, gửi giảng viên tu nghiệp và làm nghiên cứu sinh, trao đổi và gửi sinh viên sang học tập và thực tập... Trong đó, Trường Vật lý thực nghiệm MEPhI và Obninsk TC là các địa chỉ đào tạo về điện hạt nhân chính của Nga sẽ hợp tác với Việt Nam và EVN để đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Tháng 3/2010, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam và Tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM đã ký Biên bản ghi nhớ về đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực điện nguyên tử của Việt Nam, theo đó Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ ưu tiên dành các chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước và theo thoả thuận với ROSATOM để đào tạo cho các chuyên gia phục vụ cho Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ngoài ra, EVN chỉ đạo Trường Đại học Điện lực triển khai nhiều hoạt động tìm hiểu, hợp tác với các đối tác, đầu tư tăng cường số lượng và chất lượng giảng viên và dự kiến sẽ thành lập Khoa Điện hạt nhân để đào tạo nhân lực chuyên ngành cho EVN. Các địa chỉ đào tạo dài hạn về điện hạt nhân tại các nước khác như Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... cũng đang được tìm hiểu và thiết lập quan hệ hợp tác. EVN cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEI) và các đối tác nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp) để đào tạo cơ bản và nâng cao về điện hạt nhân cho các cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm của EVN và các đơn vị thành viên. EVN cũng thường xuyên cử cán bộ, kỹ sư tham dự các hội thảo, triển lãm, diễn đàn liên quan đến điện hạt nhân để tăng cường sự hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác.

PV : Vậy, thưa ông, các giải pháp nào sẽ được sử dụng để bảo vệ an toàn cho môi trường cảnh quan khi nhà máy ĐHN được đưa vào vận hành?

Ông Dương Quang Thành: Khi NMĐHN đi vào vận hành, mục tiêu cuối cùng của an toàn hạt nhân là bảo vệ các nhân viên vận hành và công dân sống xung quanh nhà máy tránh được các tác động phóng xạ nguy hiểm có thể bị gây ra do hoạt động của NMĐHN. Để bảo đảm đưa NMĐHN vào vận hành an toàn, phải áp dụng một loạt biện pháp đồng bộ, liên quan chặt chẽ với nhau, đó là:

1.  Địa điểm xây dựng NMĐHN phải đảm bảo được các tiêu chí sau: Không có hoặc ít có khả năng chịu tác động từ các mối nguy hiểm tự nhiên bên ngoài như động đất, núi lửa, ngập lụt, sóng thần, bão lốc, địa chất kiến tạo,… hay các mối nguy hiểm bên ngoài do hoạt động của con người gây nên như cháy nổ, máy bay rơi…, ảnh hưởng của những tác động này đã được dự trù trong thiết kế của NMĐHN; có mật độ phân bố dân cư, các điều kiện khí tượng thủy văn, hải văn, nước ngầm, đường giao thông hợp lý,… để tác động phóng xạ của NMĐHN ra môi trường xung quanh là thấp nhất, cả trong điều kiện vận hành bình thường và khi có sự cố.

2.  Thiết kế NMĐHN phải dự trù trước các biện pháp bảo đảm an toàn để ngăn ngừa sự lan truyền của các chất phóng xạ từ trong lò ra môi trường xung quanh NMĐHN. Các biện pháp này nhằm mục đích bảo vệ các hàng rào vật lý trong thiết kế nhà máy để ngăn thoát chất phóng xạ ra bên ngoài và được phân làm 3 chức năng chính: Ngăn ngừa, hạn chế và giảm thiểu hậu quả sự cố.

3. Việc chế tạo thiết bị và xây lắp NMĐHN phải bảo đảm chất lượng, đúng quy trình, quy phạm, đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu khác liên quan đến an toàn hạt nhân.

4. NMĐHN phải được vận hành đúng quy trình, quy phạm vận hành. Nhân viên vận hành phải được đào tạo, phải đủ năng lực vận hành nhà máy và có giấy phép vận hành của cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia. NMĐHN phải được bảo dưỡng định kỳ, thiết bị, máy móc hư hỏng phải được sửa chữa kịp thời và đạt yêu cầu.

5. Để bảo đảm vận hành NMĐHN an toàn và tin cậy, tổ chức vận hành NMĐHN phải có chương trình quản lý sự cố trên nhà máy, theo đó, tình trạng nhà máy, các nguy cơ tiềm ẩn gây sự cố thường xuyên được phân tích, đánh giá để có các biện pháp chủ động phòng ngừa trước. Vận hành NMĐHN cũng như bất cứ một hoạt động nào khác cũng đều có khả năng gây ra rủi ro nhất định, cho dù là xác suất xảy ra rất nhỏ. Kế hoạch phòng chống sự cố trên nhà máy là với mỗi kịch bản sự cố được giả định trên nhà máy thì phải có các kế hoạch hành động phối hợp tương ứng của các cá nhân và các tổ chức liên quan trên nhà máy cũng như bên ngoài nhà máy, nhằm ngăn chặn, hạn chế và giảm thiểu các hậu quả do sự cố đó gây ra.

6. Đối với hoạt động giám sát của cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia, phải coi đây là một biện pháp dự phòng quan trọng, một sự giám sát độc lập khách quan của Nhà nước, nhằm ngăn chặn những tiềm ẩn rủi ro sự cố hạt nhân gây ra do các hoạt động của tổ chức vận hành NMĐHN. Một hệ thống pháp quy hạt nhân quốc gia tốt phải bao gồm cả hai yếu tố: Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia mạnh và hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đầy đủ, đồng bộ, chất lượng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thái Linh (thực hiện)