Thưa ông, được biết vào ngày 27/12 tới đây, Công ty CP điện lực Khánh Hòa (KHPC) sẽ giao dịch tại TTGDCK Tp.HCM. Phải chăng đây là đơn vị hoạt động phân phối điện đầu tiên tham thị chứng khoán?
Đúng như các anh biết. Công ty CP điện lực Khánh Hòa là đơn vị phân phối điện đầu tiên của TCty Điện lực Việt Nam được cổ phần hóa, và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2005. Ngay sau đó, vào ngày 14/7/2005, KHPC đã là một trong 6 tổ chức niêm yết khai trương giao dịch của TTGDCK Hà Nội. Ngày 08/12/2006 vừa qua, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã cấp phép niêm yết cho cổ phiếu KHPC trên TTGDCK Tp.HCM; và ngày 27/12, chúng tôi sẽ chính thức giao dịch tại Tp.HCM.
Ông có thể cho biết lý do của việc chuyển đổi giao dịch từ TTGDCK Hà Nội vào TTGDCK Tp.HCM của KHPC?
Việc chuyển giao dịch cổ phiếu KHCP dịch từ TTGDCK Hà Nội vào TTGDCK Tp.HCM chỉ là do yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng huy động vốn đầu tư của chúng tôi. Đặc biệt trong điều kiện thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về kinh doanh đa ngành, CTy CP Điện lực Khánh Hoà - với tư cách là công ty con của tập đoàn - đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, phương tiện và con người tham gia vào các hoạt động do Tập đoàn phân công. Đây cũng là điều kiện để KHCP tham gia mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán, hạot động minh bạch hơn và nâng cao khả năng huy động vốn để phát triển lớn mạnh và bền vững.
Là đơn vị đầu tiên hoạt động phân phối điện được CPH và niêm yết trên thị trường chứng khoán sớm, KHPC chắc hẳn đã có nhiều thuận lợi và thu được kết quả cao trong sản xuất kinh doanh thời gian vừa qua?
Khi công ty KHPC chuyển sang cổ phần và chính thức hoạt động, cũng chính là thời điểm Luật Điện lực có hiệu lực thi hành (1/7/2005). Do phải thực hiện các chi phí liên quan đến nghĩa vụ của bên bán điện nên đã làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của Công ty; việc thực hiện điều chỉnh giảm giá bán điện cho các tổ chức, cá nhân người nước ngàoi bằng giá bán điện trong nước, từ 1/1/2005 của Chính phủ cũng ảnh hưởng đến doanh thu của Công ty so với phương án CPH được duyệt; đồng thời việc thực hiện chủ trương tiếp nhận tài sản lưới điện nông thôn trước CPH để bán lẻ đến hộ dân nông thôn cũng tạo áp lực lớn cho Công ty về nhu cầu vốn để sửa chữa cải tạo, và cả nhu cầu về nhân lực.
Nhưng do Cty KHPC đã biết chuyển đổi nhanh các phương thức quản lý có hiệu quả, đồng thời với đội ngũ cán bộ lãnh đạo và công nhân viên hầu hết có trình độ, năng lực chuyên môn cao, đã thích ứng nhanh với mô hình mô hoạt động mới, nên chúng tôi đã nhanh chóng ổn định các mặt, giải quyết các khó khăn ban đầu và hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội đồng cổ đông đề ra. Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2005, tỷ lệ tổn thất điện chỉ còn 6,3% giảm 0,9% so với kế hoạch; giá bán điện bình quân đạt 808,7 đ/kWh tăng 14,7 đ/kWh so với kế hoạch; doanh thu sản xuất kinh doanh điện đạt 294,5 tỷ đ (đạt 101,7% so với kế hoạch); tổng lợi nhuận trước thuế đạt 14,9 tỷ đ (đạt 142% so với kế hoạch), thu nhập bình quân của người lao động là 2,63 triệu đ/người/tháng, tỷ lệ cổ tức 5,83
Sang năm 2006, tổng doanh thu 11 tháng đã đạt 582 tỷ đồng (đạt 92,2% so với kế hoạch năm), tổng lợi thuận trước thuế 24,5 tỷ đồng (đạt 111,4% so với kế hoạch năm).
Với địa bàn hoạt động chủ yếu ở tỉnh Khánh Hòa, theo ông, đâu là vị thế của công ty khả dĩ thu hút được đầu tư công chúng?
Hiện nay, nhiều dự án phát triển công nghiệp và du lịch lớn của Khánh Hoà đang được khởi động, đặc biệt tại Nha Trang, Canh Ranh, và khu kinh tế Vân Phong (nơi được quy hoạch xây dựng cảng trung chuyển quốc tế container) nên nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng liên tục và ở mức cao. Dịch vụ và công nghiệp nhiều là lợi thế làm cho giá bán điện bình quân của Khánh Hoà cao hơn nhiều địa phương khác. So với ccs đơn vị khác trong ngành điện. KHPC nhiều năm liền có chỉ tiêu tổn thất điện năng thấp, kinh doanh có hiệu quả.
Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh điện năng, KHPC đa mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như sản xuất bê tông chịu áp lực, xây lắp công nghiệp, tư vấn thiết kế điện, công nghệ thông tin. Đến nay, các hoạt động này đều mang lại hiệu quả. KHPC đang triển khai viễn thông điện lực và dự kiến trong năm 2007 sẽ hợp tác với các đối tác đầu tư xây dụng 2 nhà máy thuỷ điện nhỏ trên địa bàn tỉnh có công suất 20 MW, vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.
Ông có thể tiết lộ chính sách cổ tức của công ty?
Căn cứ điều lệ tổ chức và hoạt động của Cty, cổ tức được công bố và chỉ trả từ lợi nhuận giữ lại của Cty nhưng không vượt quá mức do Hội đồng quản trị đề xuất và đại hội đồng cổ đông thông qua. Hiện nay Cty đang chi trả cổ tức với mức 90% lợi nhuận sau thuế, 10% lợi nhuận giữ lại được phân bổ 5% cho dự phòng tài chính và 5% cho khen thưởng, phúc lợi và tương trợ. Cổ tức năm 2006 là 8,4% trên mệnh giá, dự kiến cổ tức năm 2007 là 9,23% trên mệnh giá, và năm 2008 là 9,94% trên mệnh giá (trong đó không kể phần miễn thuế thu nhập doanh nghiệp được dùng để tăng vốn điều lệ và chia cho cổ đông theo tỷ lệ cổ phiếu năm giữ)