Sự kiện

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam rất lớn

Thứ ba, 11/11/2008 | 09:50 GMT+7
Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo tham vấn các nhà tài trợ, đại diện cơ quan Chính phủ đến từ các quốc gia trong khu vực, các Bộ, ngành liên quan và các chuyên gia nhằm hoàn thiện dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam.

Thiết bị  cũ, lạc hậu, mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế nhưng tổn hao năng lượng rất lớn

Có một vấn đề được các đại biểu đề cập tại Hội thảo: Với tốc độ tăng nhu cầu sử dụng năng lượng thương mại của Việt Nam giai đoạn 2001-2025 được dự báo trong khoảng 8,6 - 9,7%/năm thì cùng mức độ khai thác như hiện nay, các nguồn năng lượng của Việt Nam sẽ trở nên khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt sẽ dần cạn kiệt vào cuối thế kỷ này. Việc gia tăng mức độ sử dụng năng lượng hóa thạch cũng sẽ gắn liền với nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang đặt ra yêu cầu cấp bách, đòi hỏi Việt Nam phải có những bước đi mạnh mẽ nhằm giảm thiểu sự lãng phí năng lượng. Theo tính toán của Bộ Công Thương, năng lượng tiêu hao cho sản phẩm các ngành công nghiệp chính của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Việt Nam có thể tiết kiệm từ 20 – 25% năng lượng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và  30 – 35% năng lượng trong lĩnh vực tòa nhà, khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ.

Lý giải cho việc sử dụng năng lượng còn lãng phí tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng: Thực tế là do thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ, trình độ công nghệ lạc hậu, nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa tự giác thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL), chế tài về sử dụng năng lượng tiết kiệm chưa đầy đủ và đủ mạnh. Nghị định 102/2003/NÐ-CP của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sau một thời gian triển khai đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập như: Thiếu đồng bộ trong việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước tại Trung ương và địa phương để triển khai các chương trình, dự án TKNL; các thể chế tài chính cũng chưa hình thành, hoặc không đủ để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tất cả những yếu tố đó khiến cho việc sử dụng năng lượng trong nền kinh tế của Việt Nam còn lãng phí.

 Ðể  tạo điều kiện hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động TKNL, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam đến nay đã hoàn thiện dự thảo số 10. Theo ông Nguyễn Ðình Hiệp – Vụ Phó Vụ Khoa học công nghệ, Tổ trưởng tổ biên tập luật TKNL Bộ Công Thương: Dự thảo Luật số 10 có 10 chương và 52 điều. Dự thảo có nêu ra một số điểm đáng chú ý như: Quy định các cơ sở sản xuất trọng điểm (sử dụng 1000 lít dầu/năm) phải có cán bộ TKNL. Ước tính, Việt Nam hiện có hơn 1200 cơ sở sản xuất trọng điểm, sử dụng rất lớn nguồn năng lượng. Các cơ sở sản xuất này phải xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng trong 5 năm, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng NLTK. Với các công trình dân dụng trọng điểm cũng phải sử dụng thiết bị tiên tiến, vật liệu TKNL. Ở lĩnh vực giao thông vận tải phải chịu sự ràng buộc bởi các quy định về kiểm soát tiêu hao năng lượng…; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện TKNL; lộ trình dán nhãn năng lượng và TKNL; định hướng phát triển năng lượng tái tạo cần ưu tiên đầu tư phát triển (như năng lượng gió, mặt trời, sinh học Ethanol…); miễn giảm thuế doanh thu, môi trường cho các dự án TKNL. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất hình thành Quỹ TKNL với 2 cấp: Do Thủ tướng Chính phủ và địa phương thành lập, lấy nguồn từ nguồn ngân sách nhà nước, thu phí từ nguồn nhiên liệu hóa thạch, phạt vi phạm hành chính…

Tại Hội thảo, các đại biểu quốc tế đã đóng góp kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng và thực thi Luật TKNL (như Luật bảo tồn năng lượng của Trung Quốc – 1997; Luật Khuyến khích bảo tồn năng lượng Thái Lan 1992). Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của Chính phủ trong thúc đẩy TKNL, mối quan hệ giữa các quy định và cấu trúc thị trường như hỗ trợ về tài chính, cách thực thi chương trình thí điểm; các mối quan hệ hữu cơ trong các khung thể chế cần thiết để đảm bảo phối hợp hiệu quả các chương trình, dự án TKNL; các biện pháp khuyến khích khu vực tư nhân tham gia TKNL…

Từ năm 2006, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai xây dựng Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để trình Quốc hội thông qua trong giai đoạn 2008-2010. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2008, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ xem xét nội dung dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sau đó trình Quốc hội thông qua vào năm 2009.

Theo TCĐL số 10/2008