Diễn đàn năng lượng

Doanh nghiệp Đức cùng Việt Nam phát triển kinh tế xanh

Thứ năm, 8/12/2022 | 11:09 GMT+7
Doanh nghiệp, tổ chức từ Đức đồng hành cùng Việt Nam phát triển kinh tế xanh thông qua các hoạt động chia sẻ chiến lược, xây dựng cộng đồng kết nối…

Chuyên gia Đức chia sẻ kinh nghiệm thực hiện hiệu quả năng lượng. Ảnh: GIZ
 
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), những yếu tố chính tạo nên một nền kinh tế xanh là mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, và bảo đảm công bằng xã hội.
 
Đức là một trong những quốc gia tiên phong phát triển kinh tế xanh, xuất phát từ những thập niên 80-90 của thế kỷ trước, với phương châm tìm kiếm giải pháp hài hòa giữa bảo vệ tài nguyên và môi trường, khí hậu với phát triển kinh tế và công bằng xã hội. Tới nay, Đức đã đạt được nhiều thành tựu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác như khối EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
 
Với kinh nghiệm trong nhiều năm, Đức đồng hành cùng Việt Nam trong nhiều hoạt động thúc đẩy tiến trình Net Zero - phát thải ròng bằng 0. Cuối tháng 11, đại diện Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Cộng hòa liên bang Đức (BMWK) đã tới thăm và làm việc tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Đối thoại năng lượng Việt - Đức.
 
Chương trình do Bộ Công Thương Việt Nam, BMWK và tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp tổ chức. Tại đây, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đã gặp gỡ, thảo luận về thành lập câu lạc bộ hiệu quả năng lượng, đối thoại về xây dựng chính sách phát triển cho năng lượng tái tạo, tiềm năng hydrogen xanh tại Việt Nam.
 

Khai mạc Hội thảo về xây dựng chính sách và phát triển năng lượng tái tạo, tiềm năng phát triển Hydrogen xanh trong khuôn khổ Đối thoại năng lượng Việt - Đức. Ảnh: GIZ
 
Qua sự kiện, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp Đức chia sẻ cùng cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam nhiều sáng kiến trong vận hành hệ thống điện để đạt hiệu quả năng lượng như: thiết kế thị trường tập trung vào cả sản xuất và tiêu thụ, tính toán giá điện thời gian thực, lấy nhà tiêu dùng làm trung tâm, xây dựng các nền tảng đấu thầu dịch vụ quản lý nghẽn lưới...
 
Từ đó, các diễn giả khẳng định sự tham gia của doanh nghiệp Việt là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Đại diện BMWK - bà Nicole Glanemann cũng nhấn mạnh Việt Nam và Đức đều có chung mục tiêu Net Zero.
 
"Khi đặt ra mục tiêu đó, chúng ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Vì thế, chúng ta cần cùng hợp tác tìm giải pháp để vượt qua những khó khăn trước mắt", bà nói thêm.
 
Từ kinh nghiệm triển khai tại Đức và thí điểm tại Trung Quốc, các chuyên gia năng lượng đánh giá việc phát triển các mạng lưới kết nối công ty theo mô hình Câu lạc bộ Hiệu quả năng lượng (EEC) có thể áp dụng và nhân rộng tại Việt Nam.
 
Chi tiết hoạt động của mô hình này đã được thảo luận, phân tích bởi đại diện BMWK, các hiệp hội về thiết bị điện, năng lượng, môi trường Đức cùng Hội Khoa học Công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), Trung tâm nghiên cứu và phát triển về Tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM) và cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Theo đó, các đơn vị phía Đức ký kết "Ý định thư" làm cơ sở và cam kết cho các mối quan hệ hợp tác triển khai mô hình EEC tại Việt Nam.
 
EEC cho phép những doanh nghiệp có địa bàn gần, mang những đặc thù tương đối giống nhau kết nối dễ dàng. Đồng thời, câu lạc bộ tạo ra khối cộng đồng doanh nghiệp đa dạng, có thể hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật, máy móc, thiết bị, tư vấn kiến thức, chia sẻ công nghệ...
 
Ngoài ra, EEC cho phép kết nối với các nhà cung cấp công nghệ, tài chính, cung cấp dịch vụ kiểm toán năng lượng. Nhờ vậy, chất lượng kiểm toán và quản lý năng lượng được nâng cao. Đồng thời, các công ty có thể tìm ra phương án tiết kiệm năng lượng hiệu quả, nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
 

Các chuyên gia thảo luận về việc triển khai mô hình Câu lạc bộ Năng lượng tại Việt Nam. Ảnh: GIZ
 
Thông qua chương trình Đối thoại năng lượng Việt - Đức cùng nhiều hoạt động hỗ trợ khác của BMWK và GIZ, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế, năng lượng tại Việt Nam có thể tiếp cận thêm nhiều bài học kinh nghiệm từ Đức trong quá trình phát triển kinh tế xanh.
 
Tại hội thảo, nhiều tỉnh thành như Thái Nguyên, Hải Phòng, Đà Nẵng... cũng bày tỏ mong muốn mô hình EEC được thiết lập tại địa phương trong thời gian sớm nhất để đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Chương trình Quốc Gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3).
 
Hiện, trên thế giới, kinh tế xanh là một trong những chiến lược mang tính thời đại ở cấp độ quốc gia và cũng là tiêu chí phát triển của các doanh nghiệp. Vodafone Business đã khảo sát 3.101 doanh nghiệp thuộc 15 quốc gia, trong đó có 748 đơn vị thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả, 74% công ty khu vực này có lợi ích kinh doanh cao hơn đáng kể trong năm 2022 đều đưa các tiêu chí cụ thể về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào chiến lược hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp thừa nhận mục tiêu chiến lược của họ là đạt được sự phát triển bền vững.
 
Điều này cho thấy, doanh nghiệp ở mỗi quốc gia cần quyết liệt hơn khi cân nhắc yếu tố biến đổi khí hậu trong kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần có đột phá trong công nghệ và tăng cường hợp tác, đặc biệt là hợp tác quốc tế, để chia sẻ tri thức và kinh nghiệm từ những người đi trước.
 
Theo: VnExpress