Việc số hóa kết hợp với điện hóa sử dụng năng lượng tái tạo chính là giải pháp tối ưu để tăng cường an ninh năng lượng.
Đây là nội dung được đưa ra tại hội nghị cấp cao Innovation Summit Vietnam 2022 tổ chức ngày 6/12.
Theo ông Đồng Mai Lâm - Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đã làm cho chi phí năng lượng tăng cao và khiến cho nguồn cung trở nên khan hiếm hơn. Do đó, khả năng phục hồi nên được các doanh nghiệp ưu tiên tính toán. “Hiệu quả và tính bền vững là hộ chiếu thông hành tới tất cả các lĩnh vực, có tác động bền vững từ hiện tại tới tương lai. Chìa khóa để đẩy nhanh lộ trình này chính là sự kết hợp giữa số hóa và điện hóa để thúc đẩy tính hiệu quả và xanh hóa năng lượng”- ông Đồng Mai Lâm nói.
Ông Romaric Ernst - Phó Chủ tịch Marketing & Phát triển Kinh doanh, Schneider Electric Khu vực Đông Á & Nhật Bản, cũng nhấn mạnh tại sự kiện về sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và Chính phủ để đạt được mục tiêu chung. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đang kéo theo chi phí cao hơn trên nguồn cung hữu hạn. Do đó, ông kêu gọi các doanh nghiệp tích cực thảo luận giải pháp để gia tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt, đồng thời hành động nhanh để kiến tạo nên một thế giới bền vững hơn bằng các công nghệ sẵn có.
Liên quan đến những vấn đề trên, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết: Trong cơ cấu phát thải carbon, lĩnh vực năng lượng luôn chiếm tỉ lệ lớn. Năm 2010, tổng lượng phát thải carbon của Việt Nam là hơn 200 triệu tấn CO2, trong đó năng lượng chiếm hơn 60%, đến năm 2020 con số này đã tăng lên 70%.
Ông Vũ cho biết tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế.
Theo đó, để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành quyết định 882/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) với mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Mặc dù chính sách đã có, song để đạt được mục tiêu này, theo ông Vũ cần có sự vào cuộc của các cơ quan từ trung ương đến địa phương và sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, sản xuất xanh, bền vững hơn…
Hội nghị cấp cao Innovation Summit Vietnam 2022 từ ngày 6/12 đến 7/12. Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra chương trình trao Giải thưởng Phát triển bền vững Sustainaiblity Impact Awads nhằm ghi nhận các nỗ lực của các đơn vị trong 2 hạng mục: Tác động tích cực đến phát triển bền vững của doanh nghiệp: dành cho các đối tác dẫn đầu về tính bền vững trong mục tiêu giảm phát thải CO2 trong hoạt động kinh doanh hoặc vận hành. Tác động tích cực đến phát triển bền vững và hiệu quả cho khách hàng của doanh nghiệp: dành cho đối tác dẫn đầu về tính bền vững bằng cách hỗ trợ khách hàng đạt mục tiêu giảm phát thải CO2.