Những "người lính áo cam" đi xây dựng con đường ánh sáng cho phương Nam. Ảnh: M.Thu
Ngay từ những bước đầu xây dựng “con đường ánh sáng cho phương Nam”, Công ty Điện lực 2 (PC2), nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đứng trước những thách thức lớn: Lối đi không có sẵn dưới chân cùng với hoàn cảnh cực kỳ gian nan thời điểm miền Nam sau ngày giải phóng như: Nhà máy nhiệt điện Chợ quán, Nhiệt điện Thủ Đức được xây dựng từ trước năm 1975 xuống cấp nghiêm trọng, luôn phải vận hành trong tình trạng quá tải nhưng không mua được vật tư thiết bị sửa chữa thay thế vì Mỹ cấm vận, đất nước không có đồng ngoại tệ mạnh, không nhập đủ xăng dầu chạy máy phát điện… Cùng thời điểm ấy, khó khăn chồng chất, PC2 tập trung lực lượng kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Công ty Điện lực Sài Gòn cũ cùng với đội ngũ lãnh đạo ngành năng lượng từ miền Bắc vào chi viện quyết liệt sửa chữa, phục hồi đường ống dẫn nước số 1 của Nhà máy thủy điện Đa nhim đã bị hư hỏng nặng nề do bom mìn trong thời kỳ chiến tranh. Và, ngoài cả sự mong đợi, chỉ trong 80 ngày hạng mục này đã được hoàn thành cho nhà máy quay cánh tuốc bin phát điện, giải cơn khát điện cho phía Nam, dù là chỉ được một vài năm bởi nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất bùng phát dữ dội sau thời kỳ thống nhất đất nước.
Theo kỹ sư Hồ Thị Bích Phượng, nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 4 thì thời đó chuyện đi xử lý sự cố của anh em ngành Điện rất cảm động. Làm đường dây 66kV từ TP. Hồ Chí Minh xuống Cà Mau vừa mới xong thì xảy ra sự cố đường dây Đa Nhim là tất cả kéo nhau rầm rập như quân đội lên Bảo Lộc và Đơn Dương để xử lý cho được. Suốt 1 đêm anh em ở trong rừng, trèo đèo lội suối xử lý cho xong. Từ chiều hôm đó đến sáng hôm sau không ai có một miếng cơm ăn. Làm bất cứ giá nào để lấy được dòng điện của Đa Nhim về Sài Gòn vì đây là mạch máu, là xương sống của phía Nam này. “Tải được 1kWh điện từ Đa Nhim về Sài Gòn có mồ hôi và máu của công nhân ngành Điện phía Nam”, bà Phượng ví von.
Tiếp nối là các Nhà máy thủy điện Trị An, Hàm Thuận Đa Mi, Thác Mơ lần lượt được khai sinh trong hoàn cảnh đầy những thách thức như thế. Tuy nhiên, sự động viên, ủng hộ của người dân cũng như của các lãnh đạo cao cấp đối với các dự án phát triển nguồn và lưới điện 21 tỉnh thành phía Nam, đã luôn là nguồn động lực lớn lao cho EVN SPC vượt qua những gian khó tưởng chừng như không thể. Ngày ấy trên các công trình năng lượng trọng điểm đã ghi đậm dấu ấn của các nguyên thủ quốc gia như: Đỗ Mười, Phạm Hùng, Võ văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Khải… sát cánh cùng ngành Điện suốt những năm tháng thi công, xây dựng với cả tâm huyết của chính quyền cách mạng bằng mọi nguồn lực phải đem lại nguồn điện sáng cho cả nước, nhất là đối với miền Nam vừa được giải phóng, mà đỉnh cao là thời khắc quyết định thực hiện dự án năng lượng lịch sử là xây dựng đường dây truyền tải điện 500kV nhằm thống nhất lưới điện Bắc-Nam, đồng thời giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện nghiêm trọng các tỉnh miền Nam. Sau 2 năm quyết liệt thi công, tháng 5/1994 công trình lịch sử nầy hoàn thành, hòa lưới quốc gia. Ngành Điện phía Nam bước sang trang mới, sáng sủa hơn, ổn định hơn và cũng nhiều thách thức mới hơn.
Năm 1985 khi nguồn thủy điện Trị An vừa hòa lưới điện quốc gia, PC 2 đã khẩn trương đưa lưới điện cao thế 220kV-110kV vượt sông Tiền, tạo cơ sở phát triển điện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Bến Tre. Ngày ấy Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng còn là lãnh đạo tỉnh Bến Tre, những buổi chiều khi xong nhiệm vụ ở cơ quan tỉnh ủy, ông thường xuyên ra công trường bên bờ sông Tiền phía quê Bến Tre, cùng công nhân ngành Điện cật lực kéo cáp điện vượt sông, khuôn mặt ông rạng ngời niềm vui: Lưới điện quốc gia về sẽ vĩnh viễn đẩy lùi bóng tối đói nghèo miền đất đồng khởi Bến Tre. Cồn Thới Sơn, cồn Phụng, cù lao Minh, cù lao An Hóa… sẽ thôi quạnh quẽ bốn bề sông nước vây quanh… Có thể nói ngày ấy, trên bàn các lãnh đạo 21 tỉnh thành phía Nam dự án hàng đầu là đầu tư kéo điện về phát triển tỉnh nhà.
38 năm đã trôi qua nhưng đến nay các cuộc họp giao ban trực tuyến giữa ban lãnh đạo EVN SPC và các Công ty Điện lực 21 tỉnh thành phía Nam bao giờ cũng hừng hực những dự án điện khí hóa nông thôn, đầu tư kéo lưới truyền tải đưa nguồn điện quốc gia về đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như đảm bảo điện sinh hoạt cho từng hộ gia đình tận vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng cũ, vùng núi cao.
Nhìn lại chặng đường 38 năm khi vùng quê ngày nào còn leo lét ngọn đèn dầu nay đã bừng sáng ánh điện ấm áp, văn minh, nhiều người lãnh đạo thay mặt cho bà con tỉnh nhà bộc bạch niềm hạnh phúc. Ông Trần Thành Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Nếu ai đến Sóc Trăng cách đây 10 năm, bây giờ trở lại thì sẽ thấy vùng nông thôn Sóc Trăng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là vấn đề điện khí hóa. Trong vấn đề phát triển công nghiệp, ngành Điện đóng góp một phần rất quan trọng, có thể nói là không thể thiếu được”.
Cũng chừng ấy thời gian, chặng đường 38 năm lưới điện quốc gia đã gần như phủ kín 21 tỉnh thành phía Nam, cụ thể: Tây Ninh đạt tỷ lệ 100% , Ninh Thuận 99,97%...và hầu hết các tỉnh còn lại đều bừng sáng niềm vui với con số trên 98% hộ dân có điện. Đó cũng thật sự là phần thưởng lớn lao, là niềm tự hào của Tổng công ty Điện lực miền Nam.