Công nhân Điện lực Quảng Ninh thi công nâng cấp hệ thống lưới điện.
Ông Phạm Ngọc Hoài, Giám đốc Điện lực Quảng Ninh cho biết, đơn vị hiện đang quản lý, vận hành hơn 209km đường dây trung thế và 207 trạm biến áp (TBA); trong đó có 127 trạm công cộng và 80 trạm chuyên dùng, cấp điện cho 30.557 khách hàng trên địa bàn huyện Quảng Ninh và xã Hồng Thủy (Lệ Thủy).
Khối lượng quản lý vận hành lớn, cùng với áp lực chuyển đổi số mà EVN đưa ra đòi hỏi đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũng như tập thể cán bộ, công nhân các tổ quản lý vận hành đường dây và TBA phải luôn nỗ lực cố gắng ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm quản lý, vận hành nhanh, bảo đảm khoa học.
Nói đến “chuyển đổi số” trong quản lý, vận hành lưới điện thì việc ứng dụng Hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện, lưới điện (PMIS) được xem là giải pháp tối ưu trong những năm qua của Điện lực Quảng Ninh.
PMIS được phát triển bởi Công ty viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT), chính thức vận hành từ năm 2013. Đây là phần mềm được xây dựng với giao diện khá thân thiện, dễ dàng tạo cơ sở dữ liệu, linh hoạt trong việc xuất báo cáo và vận hành các module, như: lập, tạo phiếu kiểm tra định kỳ ngày đêm đường dây và TBA, sổ nhật ký vận hành điện tử…
Thông qua việc xây dựng chuẩn cơ sở dữ liệu, người dùng có thể quản lý khoa học các thiết bị trên lưới điện, thông tin vận hành, như: năm sản xuất, năm vận hành, thực hiện ca trực trên module nhật ký vận hành điện tử… Đáng chú ý, PMIS còn được liên kết với các phần mềm thông tin hiện trường (TTHT) và kiểm tra hiện trường (KTHT) để phục vụ công tác quản lý kỹ thuật.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Hoài, những năm qua, Điện lực Quảng Ninh đã hoàn thiện sơ đồ lưới điện do dơn vị quản lý, vận hành trên bản đồ số trong phần mềm TTHT; đồng thời, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu, như: vị trí cột, thông tin được thu thập trên TTHT để thiết kế lưới điện, lập phương án đầu tư xây dựng, sửa chữa lưới điện…TTHT từ lâu được xem là cơ sở dữ liệu cho các ứng dụng khác, như: KTHT, chỉnh trang cáp, các công tác khác liên quan đến kinh doanh (phát sinh, di dời công tơ…).
Đối với đội ngũ quản lý, vận hành đường dây và TBA, có thể nói phần mềm TTHT là trợ thủ đắc lực giúp định vị vị trí, thiết bị thực tế trên lưới điện, cung cấp thông tin, hình ảnh thuộc tính thiết bị trên lưới để phục vụ việc kiểm tra, khảo sát, công tác sửa chữa…
Ông Đỗ Hoàng Quý Nhân, cán bộ quản lý kỹ thuật Điện lực Quảng Ninh cho biết, phần mềm KTHT là một trong những ứng dụng khá hay, phục vụ tốt công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. KTHT được xây dựng trên cơ sở khai thác dữ liệu “Phiếu kiểm tra định kỳ ngày đêm ĐZ&TBA” từ PMIS và “Dữ liệu lưới điện trên bản đồ số” từ TTHT.
Điện lực Quảng Ninh đã và đang khai thác hiệu quả ứng dụng KTHT trên web để phân công nhiệm vụ cho công nhân kiểm tra ngày đêm đường dây và TBA trên cơ sở đồng bộ phiếu kiểm tra từ PMIS. Bên cạnh đó, phần mềm còn được dùng để giám sát công tác kiểm tra thực tế, bao gồm quá trình kiểm tra và kết quả kiểm tra sau khi công việc kết thúc; quản lý một cách khoa học các vị trí tồn tại trên lưới điện để có cơ sở đưa ra phương án khắc phục tồn tại đó.
Công nhân Điện lực Quảng Ninh được giao nhiệm vụ kiểm tra sẽ nhận công việc trên App KTHT đã được cài đặt thực hiện kiểm tra, chụp hình, phân loại và đề xuất biện pháp xử lý tồn tại trên ứng dụng điện thoại. KTHT sử dụng công nghệ GPS để xác định vị trí người dùng, bảo đảm người kiểm tra phải đến gần vị trí kiểm tra mới được cập nhật kết quả. Sau khi kết thúc công việc, cán bộ kỹ thuật thực hiện quản lý phiếu kiểm tra định kỳ ngày đêm ĐZ&TBA trên chương trình PMIS. Nhờ những tính năng hiện đại đó của phần mềm KTHT, đội ngũ cán bộ kỹ thuật Điện lực Quảng Ninh có thể tiết kiệm tối đa thời gian viết biên bản định kỳ ngày đêm để dành thời gian quản lý lưới điện.
“Điện lực Quảng Ninh cũng đã khai thác, sử dụng rất hiệu quả hệ thống OMS (hệ thống quản lý mất điện-PV) trong việc kiểm soát chỉ số độ tin cậy, đánh giá độ tin cậy cung cấp điện hàng tháng, quý, năm; lập lịch công tác theo kế hoạch, đột xuất; cập nhật sự cố trên lưới điện theo thời gian thực. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý kỹ thuật tại Điện lực Quảng Ninh đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đáp ứng tốt yêu cầu chuyển đổi số của EVN”-ông Phạm Ngọc Hoài cho biết thêm.