Thủy điện Sơn La hoàn thành sớm trước 2 năm không chỉ mang lại lợi ích hàng tỷ USD mà còn góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện và điều tiết lũ ở thượng nguồn .
Ngày 2-12-2005: Thủy điện Sơn La chính thức khởi công và ngăn sông đợt 1. Ngày 23-12-2008: Ngăn sông đợt 2. Ngày 15-5-2010: Ngăn sông đợt 3 và tích nước. Ngày 17-12-2010: Phát điện Tổ máy số 1 lên lưới điện quốc gia. Dự kiến tháng 5-2011: Phát điện Tổ máy 2 và 3 lên lưới điện quốc gia. Trong năm 2012 sẽ phát điện các tổ máy: 4, 5 và 6. Cuối 2012: Toàn bộ Dự án Thủy điện Sơn La sẽ hoàn thành.
Sông Đà nổi tiếng với sự hung hãn và dữ dằn mỗi mùa mưa lũ vậy mà giờ đây đang khuất phục dưới bàn tay con người. Chúng tôi đến Mường La vào những ngày Thủy điện Sơn La hòa lưới điện quốc gia, mới thấy hết sức mạnh của lòng dân khi hiểu rằng để có dòng điện sáng hôm nay, cả một vùng bản làng rộng lớn đã ngập sâu dưới lòng hồ thăm thẳm...
Khi lòng dân đã thuận.
Có thể nói, để Đà giang làm ra dòng điện cho Tổ quốc công đầu thuộc về những đồng bào thiểu số đã từng sinh sống ở khu vực lòng hồ thủy điện hiện nay. Nếu có dịp lên Sơn La vào những ngày này, có dịp lang thang trong những bản tái định cư để nghe câu chuyện nhường đất cho thủy điện, mới thấy tấm lòng của đồng bào đối với đất nước, với sự phát triển chung lớn biết nhường nào.
Anh Là Văn Vỉ ở bản Chẩu Quân vốn là hộ khá giả ở huyện Quỳnh Nhai cũ. Có thể nói, nếu không có hành trình di dời đến nơi ở mới, hộ anh không phải nghĩ nhiều đến chuyện áo cơm và tương lai của con cháu. Bởi những lợi tức từ ruộng vườn, nương rẫy, ao cá thu được hàng năm cũng dư thừa cho vợ con anh cơm no áo ấm. Vậy mà, khi Đảng, Nhà nước kêu gọi, anh và tất cả bà con trong bản đã không nề hà dứt bỏ nơi chôn rau cắt rốn, nơi đã gắn bó với bà con, vì dòng điện tương lai của Tổ quốc. Câu chuyện của gia đình anh Vỉ không phải là hiếm ở Quỳnh Nhai. Đến bất kì một bản tái định cư Thủy điện Sơn La nào, bạn cũng có thể gặp những con người như vậy. Họ đã không nề hà vứt bỏ lợi ích riêng tư. Nào là ruộng vườn, nhà cửa, thậm chí là mồ mả, di sản ông cha dưới con nước thăm thẳm kia...
Còn với vùng đồng bào không nằm trong khu vực lòng hồ Thủy điện thì cống hiến theo một cách khác. Đến bất kì một bản tái định cư nào trên địa bàn tỉnh Sơn La vào những ngày này, bạn cũng có thể được nghe câu chuyện nhường cơm sẻ đất của đồng bào sở tại đối với những người mới đến. Chị Là Thị Tâm một người phụ nữ bình thường, có mức thu nhập dưới trung bình cũng sẵn sàng nhường nương, vườn cho những đồng bào mới đến, chỉ đơn giản thôi, hàng xóm phải có cơm ăn, phải vui thì mình mới yên cái bụng. Phải được diện kiến trực tiếp chủ nhân của một căn hộ tuềnh toàng với mái nhà lợp vội bằng lá lỗ chỗ dột vào ngày mưa và có thể nhìn thấy một khoảng trời con con vào những ngày nắng mới thấm thía cái tình của người vùng cao. Với họ, chuyện nhường một phần tài sản cho những người mới đến chỉ giản đơn vì thấy người ta không có cơm ăn, không có rau để luộc thì nhường ruộng nương thôi, mới thấy hết cái nghĩa, cái tình của đồng bào mình. Người đi không không nghĩ đến mối lợi riêng, người ở luôn giang rộng vòng tay chào đón, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho người mới đến – chẳng phải con sông Đà hung dữ bị khuất phục bằng chính lòng dân, bằng sức dân, bằng cái bụng đồng thuận của đồng bào mình đó sao!
|
Tổ máy số 1 đã hòa vào lưới điện Quốc gia |
Họ là những người thợ.
Tất nhiên đến Mường La vào những ngày này chẳng ai lại bỏ lỡ cơ hội tận mắt ngắm nhìn Thủy điện Sơn La. Nhìn từ xa, Thủy điện Sơn La sừng sững giữa đất trời Tây Bắc. Đập vào mắt là những người công nhân với những bộ đồng phục công trường đủ mầu sắc đang đang mải miết làm việc, bất chấp cái rét thấu xương để kịp tiến độ giao ước thi đua nước rút đã đề ra: 125 ngày đêm vì mục tiêu đưa Tổ máy số 1 vận hành vào cuối tháng 12-2010. Để Thủy điện Sơn La có thể cán đích trước hạn 2 năm hẳn không biết bao giọt mồ hôi của những người thợ đã đổ xuống. Họ đã phải làm việc 3 ca, không kể ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Họ ở lì, thức ngủ cùng thủy điện, mặc mưa nắng, gió rét. Tôi gặp kỹ sư Nguyễn Bình Minh vào một ngày đông giá, Mường La dày đặc sương mù. Anh bảo, quê anh ở Vĩnh Phúc, gần lắm mà cũng xa xôi. Vợ gọi điện lên liên tục. Nhớ cồn cào nhưng chẳng nỡ bỏ về vì giờ G phát điện đã điểm. Đành gác lại chuyện vợ con dành tình yêu cho thủy điện. Anh bảo, vợ anh cũng hiểu và thông cảm cho chồng lắm lắm dẫu rằng có đến vài ba tháng anh không ghé thăm nhà.
Tôi cũng gặp bu Thoa (dù gọi là bu nhưng chị Thoa còn rất trẻ). Chị Thoa cười bảo, cánh “lính công trường” cứ thích gọi chị là bu cho thân mật, vì ngoài công việc thợ hàn hơi chị còn kiêm nhiệm không biết bao nhiêu việc ngoài lề. Nào là phụ giúp nấu nướng cho lũ thanh niên đang sức ăn đêm ngày dốc sức vì thủy điện. Nào làm mẹ của bất kì đứa trẻ con nào trong khu tập thể của Lilama mỗi lần chị hết ca để bố mẹ chúng lại ra với công trường... Chị Thoa bảo, có nhiều lý do khiến Thủy điện Sơn La về đích sớm. Lý do tất nhiên không thể thiếu bàn tay của những người thợ cũng như khối óc của những chuyên gia, kĩ sư. Hình ảnh những người công nhân “gặm” bánh và ở lì trên công trường “đắm say” với Thủy điện mọi người có thể bắt gặp thường xuyên ở công trình này. Ngay chính chị cũng vậy, nhà chị ở Hòa Bình nhưng công việc cứ quấn lấy, “quên” luôn chuyện ông chồng cứ nhắn tin gọi điện suốt cả một mùa đông.
Tại công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này, tôi gặp khá nhiều kĩ sư trẻ trong đó có Vũ Huy Tư, Bùi Phương Nam... những người đang ngày đêm lăn lộn với thủy điện “phớt lờ” quy định 3 tuần, cán bộ công nhân viên được về thăm nhà 4 ngày. “Vì dòng điện ngày mai” họ cứ nấn ná gác lại chuyện riêng tư. Thế thì làm sao Thủy điện Sơn La không về đích sớm?
Nhường cơm sẻ đất là chuyện thường của tái định cư Thủy điện Sơn La
Công trình của nhiều cái nhất
Nói về những cái nhất của Nhà máy Thủy điện Sơn La, Giám đốc Lilama 10 Nguyễn Thế Trình cho biết: Cái dễ thấy nhất đó chính là Nhà máy Thủy điện Sơn La có công suất thiết kế 2.400 MW với 6 tổ máy, là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ bổ sung cho lưới điện quốc gia bình quân 10,2 tỷ KWh/năm. Cùng nằm trong hệ thống bậc thang trên Sông Đà, Thủy điện Sơn La không chỉ có vai trò quan trọng là cung cấp điện năng mà còn có tác dụng chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ. Một trong những cái nhất đó là đập bê tông RCC (bê tông đầm lăn) to nhất và hiện đại nhất hiện nay với hơn 2,6 triệu m3 đã hoàn thiện từ rất sớm. Đây chính là nỗ lực phi thường của một tập thể lớn sau gần 2 năm thi công trong điều kiện thời tiết nhiều bất lợi, nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện kỹ thuật khắt khe. Thủy điện Sơn La còn là thủy điện đạt tiến độ thi công nhanh nhất; có hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại nhất (máy xúc đạt 2,3 m3; ô tô chở được tới 40 tấn). Ngoài ra, Thủy điện Sơn La còn có đội ngũ kỹ sư hùng hậu nhất và khả năng làm chủ công nghệ tốt nhất hiện nay và chủ yếu là lực lượng thanh niên trẻ (chiếm 70%), được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước. Đời sống vật chất, tinh thần (khu thể thao, internet, căng tin phục vụ ăn uống, phương tiện đi lại...) ở Thủy điện Sơn La được trang bị đầy đủ, hiện đại. Điều này đã tạo ra một cuộc sống đầy đủ tiện nghi cho lực lượng trực tiếp tham gia thi công công trình nên anh em luôn yên tâm công tác. Người ta nói đến nhiều cái nhất trong đó còn có sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các cấp chính quyền, nhưng cái cao hơn cả những cái nhất ấy là Thủy điện Sơn La luôn nhận được sự đồng thuận của nhân dân.