Sự kiện

Những nhà giáo của ngành Điện: Giữ “ngọn lửa” nghề

Thứ sáu, 24/12/2010 | 15:59 GMT+7

Nghề thanh bạch, sống trong sạch - đó là những phẩm chất quan trọng của nghề giáo ở mọi thời, với mọi người. Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, hãy lắng nghe tâm sự về tình cảm và “ngọn lửa” nghề của các nhà giáo ngành Điện…

Thầy Nguyễn Văn Đạt – Khoa hệ thống Điện: “Phải gương mẫu, trung thực”
 
Theo tôi, thầy giáo cần hội đủ ba yếu tố: Có cuộc sống trong sạch, tinh thần bất vụ lợi và có lòng yêu nghề mến trẻ. Nhìn vào nhịp sống của những nước hiện đại trên thế giới, họ rất văn minh, hối hả trong công việc, nhưng tình cảm tôn trọng người thầy, yêu quí nhà trường vẫn rất mạnh mẽ. Muốn học sinh kính trọng, bản thân thầy phải gương mẫu, phải trung thực trước đã.

Cuộc sống giáo viên quá khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân của một số hạn chế trong ngành giáo dục. Trước hết, xã hội phải lo cho người thầy giáo có một cuộc sống đầy đủ để họ yên tâm với nghề. Nghề giáo vốn là nghề thanh bạch, bản chất người thầy giáo vốn giản dị. Điều mong ước lớn nhất của tôi hiện nay là người Việt Nam, giới trí thức Việt Nam nói chung và những cán bộ - giáo viên ngành giáo dục nói riêng hãy đoàn kết, hợp tác với nhau để giải quyết rốt ráo những bất cập, bài trừ tiêu cực, bệnh thành tích, đưa nền giáo dục nước nhà phát triển vững mạnh.

Tiến sỹ Đỗ Thị Nguyệt Minh - Chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân, Khoa Công nghệ Năng lượng: “Tình thầy trò như ruột thịt”
 
“Có lẽ con là người muộn nhất của lớp D5 Đại học Điện lực gửi đến người mẹ của chúng con những lời chúc tốt đẹp nhất” - tâm sự của sinh viên tên Phùng Quốc Vượng ở TP Vinh, Nghệ An khiến tôi còn nhớ mãi.

Sau khi đề án đào tạo nhân lực cho ngành Điện hạt nhân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khoa Công nghệ Năng lượng thành lập, tôi chính thức nhận công tác tại trường. Tính đến thời điểm này mới chỉ được mấy tháng, nhưng tình cảm của các em sinh viên dành cho tôi lại vô cùng sâu sắc. Nhờ động lực to lớn ấy nên bản thân mỗi giảng viên chúng tôi luôn coi việc dạy và học không đơn thuần là trách nhiệm mà còn là tình cảm trong việc truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm sống cho sinh viên. Điện hạt nhân là một ngành khó, chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân lại càng khó hơn. Nhưng tôi tin rằng với tâm huyết của thầy, quyết tâm và tình cảm của trò, Đại học Điện lực sẽ là nơi đào tạo những chuyên gia giỏi cho nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

PGS,TS Phạm Văn Hoàn – Trưởng khoa Hệ thống điện: “Giảng viên điện lực giúp tôi yêu nghề hơn”
 
Tham gia giảng dạy từ năm 1976 nhưng mãi đến năm 2006, tôi mới chuyển công tác về trường Đại học Điện lực. Chứng kiến bước chuyển mình từ Trung cấp lên Cao đẳng và phát triển thành Đại học, tôi thực sự cảm thấy vinh dự và tự hào. Là một trường đặc thù trực thuộc EVN, việc dạy và học không nặng tính hàn lâm mà rất gần với kỹ thuật, sản xuất. Vì thế, thầy và trò cùng trên bước đường trao đổi kiến thức, nâng cao trình độ đưa ngành hệ thống điện nói riêng và Điện lực Việt Nam nói chung ngày càng phát triển, đi lên. Với riêng cá nhân tôi, được đứng trên bục giảng của trường Đại học Điện lực, truyền đạt kiến thức cho sinh viên điện lực đã giúp tôi yêu nghề hơn.

PGS,TS Bùi Hải - Khoa Công Nghệ Năng Lượng: “Quan trọng nhất là lòng yêu nghề”
 
Đối với tôi, phẩm chất quan trọng nhất ở một nhà giáo là lòng yêu nghề. Chính lòng yêu nghề là cơ sở nền tảng cho những phẩm chất giáo đức khác. Phải có lòng yêu nghề mới có động lực thật sự để nâng cao chuyên môn. Có người có năng lực, chuyên môn cao nhưng không yêu nghề cũng không dạy tốt. Có yêu nghề mới luôn luôn khát vọng tìm kiếm biện pháp cải tiến giảng dạy. Không có lòng yêu nghề thì không có thầy giỏi, thầy tốt. Không có thầy tốt, thầy giỏi thì không có học trò giỏi, học trò tốt. Bản thân người thầy tốt, tận tâm với nghề là tấm gương để học trò học tập, phấn đấu noi theo.

Theo: TCĐL số 11/2010