Sự kiện

Điện sáng xứ hoa ban

Thứ hai, 18/2/2013 | 11:06 GMT+7
Nhà máy thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á do chính cán bộ, công nhân ngành điện và ngành xây dựng tư vấn, thăm dò, khảo sát thiết kế và thi công đã chính thức đi vào vận hành vượt trước dự kiến 3 năm. Vào những ngày chuẩn bị khánh thành nhà máy, chúng tôi lên đường đi Sơn La.

Con đường huyết mạch từ Hà Nội lên Tây Bắc, nhiều đoạn như trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Thành “núi vút ngàn trùng xa” giờ đã mở rộng,trải nhựa phẳng phiu. Những ta luy dương, ta luy âm vách đất, vách đá dựng đứng, còn tươi màu như vừa được khai phá mới đây. Không ai hình dung đường lên Tây Bắc lại phẳng đẹp hơn cả đường miền đồng bằng như thế này.

Đây chính là con đường vận chuyển những thiết bị siêu trọng, siêu trường cho Nhà máy thủy điện Sơn La, trong đó có những cỗ tuốc -bin nặng 105 tấn, bánh xe vận hành 70 tấn, những bộ phận cấu thành stato nặng hàng chục tấn. Tuy to nặng kềnh càng nhưng độ chính xác của những thiết bị này đòi hỏi đến từng mi li mét, tuyệt đối không thể xảy ra đâm, va quệt đổ đã đành, không được để độ rung, sóc quá mạnh nữa. Nhờ có thủy điện Sơn La, Tây Bắc mới được mơ có ngày đi từ Hát Lót về đến Hà Nội chỉ hơi già một buổi, bà con Mường Thàng gặp hai bên đường nói vậy. Nhưng với chúng tôi, ngoài sự thuận lợi giao thông ra, nhờ Nhà máy thủy điện Sơn La, những địa danh trong mù sương, tưởng mãi chìm khuất trong quá khứ gian khổ lại hiện về.

Đi trên con đường Sơn La hiện đại hóa, tôi nhớ về đoàn binh Tây Tiến đói rét, gian khổ với những Mường Lát, Mường Hịch, Pha Luông, Mai Châu. Châu Mộc “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm. Heo hút cồn mây súng ngửi trời...”. Tôi nhớ về anh Vệ quốc đoàn năm xưa “Áo bào thay chiếu anh về đất. Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Chính bằng xương máu các anh, đất nước đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Chính bằng xương máu các anh, con đường rừng heo hút ngày xưa nay đã thênh thang. Mai Châu ngày xưa của anh là một bản nghèo dưới chân núi, ngày nay mái ngói đỏ tươi, đường sá rộng rãi, là nơi mơ ước của hàng nghìn khách du lịch.

Mộc Châu ngày ấy, giờ đã bát ngát đồng cỏ nông trường, một trong những trung tâm nuôi bò sữa lớn nhất Việt Nam và bạt ngàn hoa mơ. Lại nhớ câu thơ Mường La, Hát Lót chân anh đã từng. Lại nhớ bài hát Em bé Mường La của Đỗ Nhuận năm nào. Giờ đây, ngay “Mường La quê hương em từng điêu đứng trong tay giặc” đã mọc lên một nhà máy thủy điện khổng lồ công suất 2.400 MW, một hồ thủy điện rộng 224 km, chứa 9,5 tỷ m3 nước, cung cấp điện cho cả nước ta, cải tạo hàng triệu héc ta đất đồi trọc cằn cỗi vùng Tây Bắc.

Xe qua dốc Cun. Dốc Cun nổi tiếng ngày xưa, rầm rập bước chân dân công lên chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ nay đã hạ cốt, đã mở rộng, nếu không  khó hình dung được nơi đây chính là con dốc hiểm trở ngày nào. Trước khi mở rộng đường, sườn đồi đối diện còn cả một vạt ban cổ thụ, cứ xuân về là nở trắng giờ không thấy đâu. Hoa ban, thứ hoa riêng của núi rừng Tây Bắc mỗi độ xuân về bên dốc Cun không còn nữa nhưng sự mất đi của chúng sẽ góp phần làm tươi tốt biết bao cánh rừng, tươi tốt bao mùa hoa ban. Hoa ban ngoài đồi núi và những bóng điện như những bông hoa lung linh sáng. Núi rừng có điện thay sao, ngày xưa là ước mơ có phần lãng mạn, nay đã thành hiện thực.

 Phần tìm hiểu về quá trình xây dựng công trình chiếm gần hết hai ngày đầu. Rất thú vị nhưng tôi không muốn kể lại những điều báo chí đã nói nhiều. Thời gian còn lại của chuyến đi, chúng tôi muốn dành để đi sâu vào một dự án thành phần, đó là việc di dời gần 100.000 người dân và ổn định nơi ở mới cho họ để lấy đất làm hồ thủy điện, một dự án do 3 tỉnh miền núi Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đảm nhiệm. Đây là chủ trương của Chính phủ tách việc di dời và tái định cư thành một dự án riêng, sau khi đã rút kinh nghiệm từ việc di dời dân ở công trình thủy điện Hòa Bình. Việc di dời gần 20.000 hộ với gần trăm nghìn người chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mông, Kháng, Dao, Xing Mun, La Hủ... và tái định cư cho họ theo nguyên tắc “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ” là dự án lớn của trái tim, dự án thử thách tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, một công việc mang tính nhân văn lớn nhưng cũng vô cùng gian khổ và phức tạp.

Hàng nghìn năm qua, tuy dòng sông Đà chảy qua nhưng nước sông Đà chỉ cuồn cuộn về xuôi, không giúp gì cho vùng rừng núi Tây Bắc này. Không có nước, rừng bị chặt phá, đất đai dần khô cằn, đá ong hóa giữa trời nắng lửa, biết bao thế hệ đồng bào thiểu số vì thế mà đói rách. Có đi trên những nẻo đường Tây Bắc vào những ngày hè nắng chang chang hay mùa khô rét buốt mới thấy hết sự khắc nghiệt của khí hậu nơi này, chủ yếu do thiếu nước. Những đồi sỏi gan gà khô tím, đến cỏ không mọc được trùng điệp hai bên đường. Những vạt cỏ tranh khô xác, tưởng ngút tầm mắt và gió lào lồng lộn suốt một dẻo Quỳnh Nhai, Than Uyên. “Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên” là thế. Trên dải đất thưa thớt và khắc nghiệt ấy, bao đời nay bà con các dân tộc vỡ hoang, ngăn suối làm nên các làng bản ven chân núi. Đó là quê hương, không bao giờ họ muốn rời đi.

Ngồi trên ca nô, bên cạnh tôi là ông Cầm Bôi, một già làng trên đất Quỳnh Nhai. Trời xanh, nước biếc, tiếng ca nô chạy đều đều, mọi người đang say sưa ngắm những triền núi xanh, giờ đã thành đảo giữa lòng hồ. Chợt ông Bôi lay nhẹ vai tôi, nói khẽ: “Dưới kia là bản của mình đó”. Tôi nhìn theo tay ông, chỉ thấy nước, nước sâu thăm thẳm mấy chục mét, tất cả không còn gì, không thấy gì ngoài nước. Nhưng với ông Bôi, không chỉ là nước, dưới biển nước đó là làng bản, là tuổi thơ, là tâm hồn, là tất cả những gì từng gắn bó với cuộc đời ông. Nó vẫn nguyên vẹn, vẫn ngày đêm tha thiết kêu gọi.

 Nhìn ông Bôi, tôi chợt nhớ tới phim “Bài thơ Biển” của đạo diễn lừng danh Đốp-gien-cô được sản xuất từ những năm còn Liên bang Xô viết. Nhân vật chính của phim là một đại tướng, một chiến binh già. Khi về đến làng, kẻ đầu tiên đón ông là cây táo cổ thụ trước cổng nhà. Cây táo sắp bị người ta chặt bỏ, lá xào xạc như đang nói những lời trăn trối cuối cùng. Ông đã khóc... Tôi cũng chợt nghĩ, nếu so sánh bối cảnh ấy với thủy điện Sơn La, hàng trăm làng phải rời bỏ vì sự giàu mạnh của đất nước thì cái làng nhỏ bé phía trời Tây kia cũng chỉ là một, có khi chưa đến một phần trăm. Thế mà người ta làm được một bộ phim hay đến thế. Còn ta, cho đến giờ, chưa có một tác phẩm văn học nào, dù là bài ký viết về nơi đây trong cuộc di dân lớn nhất từ thủa khai thiên lập địa ở nơi này và có lẽ cũng của cả đất nước mấy chục năm qua, một cuộc xáo trộn sâu sắc, một bi kịch lạc quan như tên một vở kịch nổi tiếng...

Tôi đã chứng kiến cuộc di dân ấy, không chỉ lần này mà cách đây đã mấy năm. Để bảo đảm tiến độ tích nước, 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phải di dời 30.000 hộ, trong đó có 20.000 hộ khỏi mức nước hồ. Để thực hiện kế hoạch này, từ đầu năm 2004, các tỉnh trên ngày nào cũng khẩn trương như trong một trận đánh lớn, nhưng trận đánh này không có khói lửa, không có tiếng súng mà là vốn, khảo sát và xây dựng địa điểm định cư, giúp bà con thu dọn nhà cửa, mồ mả cha ông, rời nhà đến nơi ở mới. Trong hình dung đầu tiên, nơi định cư phải đẹp hơn, tốt hơn nơi cũ nghĩa là sẽ có phố, nhà ở khang trang, vườn 200 mét mỗi nhà, các công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đầy đủ và với hình dung ấy, khu định cư mẫu Tân Lập mọc lên.

Nhưng rồi ngày càng thấy nơi ở mới tuy ngăn nắp, sạch đẹp như một đô thị nhỏ nhưng lại rất bất tiện cho bà con. Với cuộc sống trông vào nông nghiệp (chăn thả, trồng trọt) như hiện nay, nơi ở không chỉ cần đẹp mà còn thuận tiện nữa. Nhà ở theo qui hoạch, vườn đất chật chội, việc làm chuồng trại cho lợn, gà, trâu, bò gặp không ít khó khăn. Bãi chăn thả, nương ruộng xa, nhiều nơi không thể có nước để làm ruộng nước như nơi ở cũ. Phá đồi để làm ruộng bậc thang - chuyện không thể một sớm một chiều. Đến nơi mới, tuy đẹp mắt hơn nhưng làm ăn khó hơn, phải trông vào lương thực trợ cấp trong khi nhiều thứ còn dùng được ở nơi cũ phải vứt đi hoặc bán đổ bán tháo vì thế nhiều người không muốn đến hoặc đến nơi mới lại quay về.

Từ thực tế đó, lãnh đạo các tỉnh xin ý kiến cấp trên, thay đổi hẳn cách thức định cư. Đó là nhà nước chỉ cấp tiền đền bù, cấp lương thực còn để bà con tự di chuyển nhà cửa, chuồng trại, đồ dùng trong nhà... đến nơi ở mới. Chủ trương này không những tiết kiệm được nhiều tiền của mà còn đẩy nhanh tiến độ giải phóng lòng hồ trước 2 năm, làm lợi cho nhà nước hàng trăm triệu đô la vì công trình vào phát điện sớm. Tôi đã đến bản Quỳnh Mai - một bản định cư theo cách làm này ghép từ tên của hai huyện. Không có cảnh nhà ở thẳng tắp và giống hệt nhau nhưng cuộc sống ở bản từ cách làm mới đã sớm sung túc, vui mắt. Nhà nào cũng có truyền hình, có xe máy.

Đầu bản có nhà bưu điện xã, dịch vụ internet, bãi vui chơi công cộng. Mỗi ô trên nhà sàn, nơi dành riêng cho các cặp vợ chồng đều có chăn đệm mới sắm. Hỏi việc làm ăn, không phải đã xuôn sẻ nhưng về tương lai, có thể hi vọng. Nơi định cư không có nhiều đất, ruộng nước cũng ít do thiếu nước. Nhưng sau khi nước dâng, huyện sẽ đầu tư tiền, cùng tiền bà con đóng góp để làm hồ thủy lợi, sức chứa chừng hơn triệu m3. Có hồ nước, lúa một vụ sẽ thành hai, diện tích ruộng nước cũng tăng gấp đôi....

Giờ đây, đi vào nhà máy, bơi thuyền trên hồ nước, nhớ lại Quỳnh Mai, thấy tràn ngập niềm tin vào một Tây Bắc giàu có, hấp dẫn sau khi nhà máy đi vào hoạt động. Những quả núi lớn bị bạt từng mảng, những con đường đầy bụi sẽ xanh tươi cây cỏ. Lòng hồ trong xanh sẽ là địa chỉ du lịch, một vựa cá lớn trong đó có giống cá tầm nhập nội, anh Nam - Giám đốc nhà máy đang nuôi thí nghiệm. Sẽ là bát ngát đồi núi xanh tươi, nhờ có nước, có hơi nước điều hòa của lòng hồ làm sống lại những thực vật, động vật quý hiếm bao đời nay. Sẽ là những làng bản tái định cư giàu đẹp của bà con hàng chục dân tộc anh em bên hồ nước. Những viễn cảnh ấy mới bắt đầu, nhưng chắc chắn sẽ thành hiện thực, từ mùa xuân này.
 
Theo: Công Thương Online