Kỷ niệm 60 năm ngành Điện

Dòng điện cao thế 110KV Phú Thọ tiếp lửa cho miền Nam chống Mỹ

Thứ tư, 10/12/2014 | 10:52 GMT+7
Mảnh đất khai sinh ra dòng điện cao thế 110KV của miền Bắc nước ta trong thời kỳ chiến tranh bom đạn, nơi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thắp sáng niềm tin cho miền Bắc và tiếp lửa sức mạnh cho miền Nam chiến đấu với giặc Mỹ. 

Công ty Điện lực Phú Thọ ngày nay.
 
Ông Đinh Văn Bằng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ, đơn vị tiền thân quản lý đường dây 110 KW đầu tiên của miền Bắc chia sẻ, bản thân ông cảm thấy tự hào khi được gắn bó với sự phát triển của dòng diện này. “Đối với thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, rất vinh dự cho tỉnh nhà có sự xuất hiện của Nhà máy điện Việt Trì và Đường dây 110KV, liên kết giữa khu công nghiệp miền Bắc tại tỉnh Vĩnh Phú cũng như thủ đô Hà Nội liên kết với Nhà máy điện Yên Phụ. Đấy là những đường huyết mạch đầu tiên của miền Bắc XHCN, thực hiện rất nhiều mục tiêu, trong đó phục vụ miền Nam giải phóng đất nước thì điện phải đi trước một bước. Ông Bằng cho biết.
 
Có thể nói, với những vốn liếng ban đầu ít ỏi trong nền kinh tế quốc dân non trẻ, ngành điện lực nước ta đã trải qua rất nhiều những thăng trầm của lịch sử. Trong quá trình đó, sự ra đời của Nhà máy điện Việt Trì và đường dây điện 110KV Việt Trì – Đông Anh đã góp sức to lớn trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng điện năng của toàn ngành, đồng thời tạo đà mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân sau này.  
 
Ông Đào Văn Liêng – Phó Giám đốc Chi nhánh lưới điện Cao thế Phú Thọ, trực thuộc Công ty Điện Cao thế miền Bắc  cho biết:
 
Nhà máy điện Việt Trì bấy giờ là trái tim, là hơi thở, là máu cung cấp cho toàn bộ khu công nghiệp thành phố Việt Trì. Năm 1967, Mỹ ném bom Nhà máy điện Việt Trì làm 11 đồng chí hi sinh. Năm 1972, Mỹ ném bom lần nữa làm hi sinh 2 đồng chí. Năm 2000, Công ty Điện lực Phú Thọ đã xây dựng bia tưởng niệm 13 anh hùng liệt sỹ. Trong quá trình xây dựng và chiến đấu, dòng điện 110KV đã trả giá bằng sự hi sinh, mất mát của bao  người.
 
Nhà máy Điện Việt Trì đã trải qua hai lần bị Mỹ đánh bom. Trong quá trình bị đánh bom như vậy thì chúng ta đã khắc phục sự cố và vượt lên như thế nào?
 
Theo những đồng nghiệp thế hệ trước kể lại cũng phải khai quật những người đã hi sinh do sức ép, sắt thép, bê tông. Anh em công nhân ngày đó vất vả, điều kiện khó khăn nhưng vẫn sửa chữa ngày đêm bám lò, bám máy để phát ra dòng điện. Anh xem vẫn quyết tâm suốt ngày đêm, không ngại gì chiến tranh, giặc Mỹ ném bom, vẫn sửa chữa và khắc phục, giải quyết nhanh để đảm bảo cung cấp dòng điện cho hệ thống lưới điện cũng như khu vực tỉnh Phú Thọ được tốt.
 
So với những ngày đầu thành lập thì cho đến nay, Chi nhánh đã có sự phát triển vượt bậc như thế nào?
 
Phân xưởng 110 trước kia thuộc Điện lực Phú Thọ có 3 trạm biến áp 110, công suất tổng là 140 MVA. Tổng chiều dài đường dây lúc bấy giờ quản lý là 64 km. Sau khi chuyển sang Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc thì chi nhánh Phú Thọ đang quản lý 8 trạm biến áp 110 KV, với chiều dài đường dây hiện nay mạch đơn là 163km, mạch kép là 37 km, tổng là 200km.
 
Chi nhánh Lưới điện cao thế Phú Thọ có sự vượt bậc đó là đáp ứng được nhu cầu và kế hoạch xây dựng lưới điện tỉnh, hơn nữa, hiện nay đang mở rộng các trạm biến áp, thực hiện năm Văn hóa an toàn và Kỷ luật lao động.
 

Công nhân Công ty Điện lực Phú Thọ kiểm tra đường dây.
 
Trực tiếp về thăm Chi nhánh Lưới điện cao thế Phú Thọ, được nghe câu chuyện về một thời gian khổ và sự hy sinh của những cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên, để “giữ cho dòng điện không bao giờ tắt” của tỉnh Vĩnh Phú cũ nói riêng, và của miền Bắc XHCN nói chung, chúng tôi thực sự cảm thấy tự hào và khâm phục những gì mà thế hệ ông cha đã gây dựng cho thế hệ mai sau.
 
Ông Trần Quang Bư, nguyên Đội trưởng Đội Đường dây 110KV thuộc Chi nhánh Lưới điện cao thế miền Bắc, đã tâm sự về những năm tháng giặc Mỹ đánh phá nguồn lực kinh tế của nước ta nói chung và của dòng điện 110KV nói riêng, cũng như những khó khăn, vất vả mà những người công nhân điện phải đương đầu để làm tròn nhiệm vụ.
 
Trong ký ức của ông Trần Quang Bư, ngày 14/12/1961 được coi là ngày đặc biệt của ngành điện Việt Nam, khi đường dây cao thế 110 KV đầu tiên của nước ta là Việt Trì – Đông Anh được khánh thành. Đường dây đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất  lượng điện năng của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chính vai trò chủ đạo này khiến đường dây 110 KV luôn trở thành mục tiêu phá hoại của giặc Mỹ, nhằm cắt đứt trái tim của nền kinh tế miền Bắc nước ta. Lần đầu tiên Mỹ ném bom phá hoại Nhà máy điện Việt Trì, 11 chiến sỹ ngành điện đã hy sinh anh dũng để bảo vệ máy móc, thiết bị. Vào lần đánh bom thứ 2 vào năm 1972, giặc Mỹ đã tiếp tục cướp đi sinh mạng của hai chiến sỹ khác, đồng thời phá hoại nghiêm trọng cơ sở vật chất của Nhà máy.
 
Nhớ lại những ngày gian khổ, mất mát này, ông Trần Quang Bư chia sẻ: Tại khu vực Nhà máy điện đấy có bom đánh, đổ cột đứt dây. Sở Quản lý phân phối điện huy động tất cả lực lượng để khôi phục sự cố. Tàn khốc thì thời đấy là thời chiến tranh nên vất vả lắm. Những người tham gia thì mới biết được. Bom nổ xuống nhưng anh em vẫn lăn xả vào để thực hiện nhiệm vụ, huy động lực lượng và chuẩn bị vật tư để khôi phục lưới điện càng nhanh càng tốt. Tinh thần khi ấy là rất khẩn trương, nhiệt tình để đóng điện, cấp điện.
 
Dường như, với người trải qua quá nửa cuộc đời gắn bó với đường dây điện 110KV như ông Trần Quang Bư, những ký ức về thời kỳ khó khăn, giản khổ nhưng vô cùng hào hùng, oanh liệt dường như chưa bao giờ phai mờ. Nhờ những chiến sỹ đã anh dũng hi sinh năm xưa, cũng như những người công nhân thời nay bao ngày đêm lao động và cống hiến cho sự phát triển của ngành điện nói chung, mạch sáng của dòng điện nước ta đã luôn được duy trì liền mạch, đi đến từng ngôi làng, ngõ phố trên cả nước, thắp lên niềm tin, hy vọng cho nhân dân và góp phần quan trong trọng công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
 
Nghề đường dây 110 đối với đường dây là rất nguy hiểm, chèo rất cao, có khi sự cố xảy ra, cả ngày 12 tiếng thì có đến 10 tiếng ngồi trên cột không ăn tý nào, nhịn đói ngồi trên cột nhưng vẫn chịu đựng được, vẫn nhiệt tình hang say, vẫn bám trụ trên cột, tinh thần làm việc rất tốt. An toàn thì mọi việc đều làm được. Ông Bư cho biết.

Tiếp bước những thế hệ đi trước, ngày nay, những cán bộ, công nhân viên ngành điện đang bước tiếp những bước đi anh dũng và hào hùng của lớp cha anh trong tiến trình hội nhập và phát triển. Họ đang cùng đóng góp công sức thúc đẩy dòng chảy của lưới điện quốc gia không ngừng vươn xa, vươn cao theo những bước đi vững chắc của đất nước.
 
Theo: VOV Giao thông