Kỷ niệm 60 năm ngành Điện

Nhà máy điện Uông Bí – Đứa con đầy tâm huyết và tự hào của ngành điện lực Việt Nam

Thứ tư, 3/12/2014 | 11:03 GMT+7
 Đây là đứa con đầu lòng của ngành điện lực Việt Nam được khởi công xây dựng ngày 19/5/1961.
 

Nhà máy điện Uông Bí - Quảng Ninh.
 
"Một trong những đầu mối để đường dây 110kV tiếp nhận điện chính là vào thời điểm đó chúng ta bắt tay vào xây dựng nhà máy điện Uông Bí, được khởi công vào ngày kỷ niệm sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh, 19/5/1961 thì 3 năm sau, năm 1963 thì hoàn thành, mang lại cho chúng ta 1 nhà máy có công suất 48 MW. Có thể nói đây là nhà máy lớn nhất với công nghệ và sự giúp đỡ của Liên Xô, cũng có thể coi là hiện đại nhất lúc đó. Bước vào thế kỷ 21, đây vẫn là vùng giàu tiềm năng cho nên nhà máy điện Uông Bí 2 lần được nâng cấp, xây mới ở khu vực này. Có thể nói đấy là 1 trung tâm điện lực lớn của miền Bắc, nó gắn kết vùng với Phả Lại và nó tạo nên cả 1 nguồn năng lượng điện ở vùng Đông Bắc nước ta và hòa vào lưới điện một nguồn điện không nhỏ của các ngành nhiệt điện". Nhà sử học Dương Trung Quốc  cho biết.
 
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty phát điện I – Đơn vị quản lý trực tiếp Công ty TNHH MTV Nhiệt Điện Uông Bí -Quảng Ninh.
 
PV: Trước hết, xin ông cho biết một vài điểm nhấn trong quá trình phát triển của nhà máy điện Uông Bí?
 
Ông Phùng Văn Sinh: Nhà máy điện Uông Bí là đơn vị sản xuất dưới sự điều hành trực tiếp của Tổng công ty phát điện 1. Đây là đứa con đầu lòng của ngành điện lực Việt Nam được khởi công xây dựng ngày 19/5/1961. Đây là công trình nhiệt điện lớn nhất miền Bắc vào thập niên 60 của thế kỷ XX.
 
Từ năm 2002-2009, nhà máy điện Uông Bí tiếp tục được đầu tư mở rộng giai đoạn 1 với công suất 300MW và mở rộng giai đoạn 2 từ năm 2008-2011 với cong suất 300 MW nâng tổng công xuất của nhà máy lên 740 MW. Hàng năm sản xuất và đóng góp khoảng 3 tỷ kWh điện cho nền kinh tế quốc dân. Với những đóng góp cho đất nước và cho địa phương, nhà máy nhiệt điện Uông Bí được Đảng và Nhà nước phong tặng các dạnh hiệu cao quý, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng lao động năm 1973 và Danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998 và nhiều phần thưởng cao quý khác.
 
PV: Được xây dựng trong giai đoạn đất nước trải qua chiến tranh, làm sao nhà máy có thể vừa phát điện, vừa phục hồi, khắc phục hậu quả của chiến tranh, thưa ông?
 
Ông Phùng Văn Sinh: Những năm chiến tranh, nhà máy chịu đựng sức công phá của máy bay giặc mỹ rất lớn, 63 lần ném bom thì gần 2 nghìn quả bom rơi xuống nhà máy. Cán bộ, công nhân viên của nhà máy bị hy sinh 12 chiến sỹ. Tất cả lực lượng của nhà máy lúc đó vừa sản xuất, vừa chiến đấu, sau giờ làm việc là leo lên nóc nhà máy để bắn máy bay Mỹ. Lúc đó, nhà máy bị máy bay ném bom cụt cả ống khói, nhưng bằng tinh thần sáng tạo và quyết tâm duy trì dòng điện để cung cấp cho dòng điện của Tổ quốc, các kỹ sư của nhà máy đã nghĩ ra và xây dựng đường khói ngầm từ trong nhà máy đưa ra ngoài sông để đánh lạc hướng máy bay Mỹ, đưa đường khói ngầm vào sản xuất trong thời kỳ chiến tranh.
 
PV: Trải qua quá trình phát triển khá dài và đã khẳng định được vai trò của mình trong nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về vai trò của nhà máy Nhiệt điện Uông Bí trong giai đoạn hiện nay?
 
Ông Phùng Văn Sinh: Vai trò của nhiệt điện Uông Bí đóng vai trò quan trọng trong Tổng công ty phát điện 1 cũng như trong hệ thống điện quốc gia, đảm bảo phát điện cho hệ thống, đặc biệt là khu vực Đông Bắc này là khu vực mà nguồn điện đang phát triển mạnh và trong các tháng mùa khô, các nhà máy thủy điện không đủ nước về thì các nhà máy nhiệt điện than ở khu vực Đông Bắc rất quan trọng. Ngoài ra, nhà máy là một trong số ít đơn vị trên địa bàn đóng góp cho ngân sách nhà nước Nhà nước của tỉnh với giá trị lớn.
 
Ông Phùng Văn Sinh cho biết thêm: Định hướng các hoạt động hướng tới 60 năm ngày thành lập ngành điện Việt Nam tổng công ty cũng đã có các chương trình, đặc biệt là triển khai tiếp tục phát huy các thành tích đạt được trong 9 tháng đầu năm để thực hiện nhiệm vụ của Tổng công ty; tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị cổ phần hóa Tổng công ty theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ tối ưu hóa cho phí của nhà máy điện cũng như các đơn vị trực thuộc.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với công nhân xây dựng tại công trường Nhà máy điện Uông Bí (Quảng Ninh - 1962).
 
“ Sau nhiều năm tôi mới có dịp trở lại Nhà máy nhiệt điện Uông Bí - Nhà máy nhiệt điện đầu tiên tại nước ta. Giờ đây, đã không còn những cột khói nhả khói đen kịt vào bầu trời, thay vào đó là những dây chuyền phát điện mới hơn, hiện đại hơn và công suất lớn hơn. Thế nhưng, tôi hiểu, để có được diện mạo như ngày hôm nay, Uông Bí nói chung và Nhiệt điện Uông Bí nói riêng đã phải đánh đổi rất nhiều thứ.
 
Anh Nguyễn Văn Trường - Người đã có tuổi thơ gắn bó với Nhiệt điện Uông Bí, và đến nay, anh đã hơn nửa đời người cống hiến cho sự phát triển của nhà máy nhiệt điện này tâm sự như vậy. "Khi sơ tán chúng tôi hay lên những ngọn đồi bộ đội  ở. Lúc nhỏ thì rất là ngây thơ thôi, thấy các chú tự vệ kéo súng lên trên nóc nhà máy bắn là còn đứng lên trên đấy để xem, chứng kiến là ngoài việc sản xuất ra thì thường phân công ca kíp của các đội tự vệ để luyện tập. Có khẩu đội 20 li rồi 12,7 li thường xuyên kết hợp với các đơn vị bộ đội thế rồi chứng kiến cảnh các chú khi mà đi ca đi kip về rồi trong quá trình vận hành rồi bị thương, thường là được chứng kiến hết những cái cảnh vất vả như thế".
 
Anh Trường tâm sự, có lẽ đối với anh, sẽ không bao giờ có thể quên được những ngày tháng máu lửa đó, rồi sau này, có những giai đoạn nhà máy đã phải ngừng hoạt động, nhưng vì yêu nghề, yêu nhà máy, toàn bộ công nhân của nhiệt điện Uông Bí, người làm thợ xây, người về buôn bán, nhưng khi nhà máy hoạt động trở lại, dù có khó khăn, những người công nhân như anh Trường vẫn quay lại, gắn bó với lò hơi, với tua bin – mang nguồn sáng đến với mọi miền tổ quốc.
 
Nhiệt điện Uống Bí ngày nay đã và đang thay da đổi thịt. Từng ngày từng đêm, Uông Bí đang góp chung vào dòng sông năng lượng điện của Tổ Quốc. Mang trên mình 2 nhà máy với tổng công suất lên gần 2 tỉ kWh/năm mà còn đóng góp quan trọng vào việc khắc phục tình trạng thiếu điện trong muà khô 2011, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ninh và khu vực phía Bắc.
 
Thật ấn tượng quang cảnh hùng vĩ của nhiệt điện Uông Bí. Càng ấn tượng hơn bởi hiệu quả và những đóng góp thiết thực mà những công nhân ở đây đã và đang thực hiện trong việc phát triển kinh tế, ổn định an ninh - chính trị trên địa bàn. Rời Uông Bí, chúng tôi vẫn ấn tượng với những chia sẻ của những người công nhân nơi đây. Bố mẹ chúng tôi đã ngã xuống tại nhà máy này, giờ chúng tôi cũng đang góp sức để Uông Bí phát triển ngày hôm nay. Còn tương lai của nhiệt điện Uông Bí, thế hệ kế tiếp chắc chắn sẽ làm tốt hơn chúng tôi bây giờ…
Theo: VOV Giao thông