Ông Bùi Thức Khiết, nguyên Phó tổng giám đốc EVN
Những trang cuộc đời của ông, từ những ngày còn là học sinh ngành điện khóa đầu (được đào tạo tại Trường Kỹ thuật trung cấp năm 1955), cho đến hôm nay, khi mái tóc đã bạc, vẫn cống hiến cho ngành điện với vai trò cố vấn cho các công trình điện lớn của ngành.
Tốt nghiệp năm 1956, ông về công tác trong ngành điện khi ngành này gần như ở dạng sơ khai, bởi di sản mạng lưới điện của Pháp để lại chỉ là lưới điện 35 kV từ Hà Nội - Nam Định, với 4 nhà máy điện Yên Phụ, Thượng Lý (Hải Phòng), Nam Định và Hòn Gai, tổng công suất chỉ 10 MW, bằng một nhà máy thủy điện cỡ nhỏ bây giờ. Ông được đưa về tham gia xây dựng 4 cụm lò hơi do Ba Lan tài trợ cung cấp thêm cho 4 nhà máy điện xây từ đầu thế kỷ, rồi được giao ở lại vận hành nhà máy điện Nam Định. Nhà máy khi đó thiết bị cũ kỹ, công nhân vào làm việc lúc quay trở ra mặt đen sì vì nhuốm đầy bụi than.
Tới năm 1965, Mỹ đánh phá miền Bắc, tập trung đánh vào nhà máy điện và giao thông. Ông Khiết với vai trò Bí thư chi bộ đã vận động thanh niên bảo vệ nhà máy bằng các lớp sỉ dầy 1 mét trên mái để chắn bom. “Thời ấy ngây thơ lắm, nhưng cũng nhờ nhiệt tình che chắn, trong lúc Mỹ đánh phá, nhà máy vẫn hoạt động cầm chừng được. Để mang được sỉ lên mái, có nữ công nhân đội tới 4 thùng sỉ từ tầng 1 lên tầng 9, hết ca làm lại ra bắn máy bay”, ông Khiết nhớ lại.
Bản thân ông cũng từng ngồi cột cờ đếm tiếng bom nổ, để biết loạt bom này quả nào đã nổ, quả nào chưa. Có lần phát hiện một quả bom không nổ chôn sâu 4 - 5 m dưới băng chuyền than, ông cùng anh em công nhân đào bới kéo lên, khiêng ra quảng trường, giữ an toàn cho nhà máy. Trong những ngày bom đạn ác liệt đó, một công nhân nhà máy điện Nam Định đã hy sinh.
Năm 1969, ông Khiết được đưa sang Liên Xô thực tập về thủy điện trong lớp đầu tiên của VN được đưa sang nước này đào tạo. Rời Liên Xô về nước năm 1972, ông được đưa về Nhà máy thủy điện Thác Bà, và tiếp tục công việc trong những ngày bom đạn ở đây. Thủy điện Thác Bà bắt đầu xây dựng năm 1965, nhưng trong một rải bom của Mỹ đã bị hy sinh mất 50 người, khiến việc xây dựng bị ngừng, mãi tới năm 1969 mới tiếp tục trở lại. Năm 1971, nhà máy chính thức chạy được tổ máy số 1 và số 2. Đầu năm 1972, ông Khiết về xây dựng tổ máy số 3 của nhà máy.
“Thác Bà là những năm tháng oanh liệt nhất trong cuộc đời tôi, cũng như của các cán bộ công nhân nhà máy, khi đó Mỹ cũng đánh phá ác liệt nhất”, ông Khiết chia sẻ. Cựu lãnh đạo của EVN dù đã 75 tuổi, vẫn còn nhớ như in từng dấu mốc ông gắn bó với Thác Bà. Ngày 22.5.1972, tổ máy số 3 sau vài ngày bị chậm lại đã đưa vào vận hành. Ngày 25.5, để đảm bảo an toàn, chuyên gia Liên Xô rút hết. Ngày 2.6, Mỹ đánh phá nhà máy bằng bom bi, thiết bị hư hỏng nặng, nhưng ngày 4.6, các kỹ sư như ông và công nhân lại đưa nhà máy vào vận hành trở lại.
“Có những hình ảnh rất đẹp và cũng rất hào hùng, công nhân phát hiện bom bi do Mỹ rải lăn lóc khắp nơi, tôi là Bí thư chi bộ, lúc đó chỉ huy nhặt bom vứt xuống sông, anh em nhặt bưng hàng rổ bom bi đi vứt”, ông Khiết hồi tưởng.
Ông kể tiếp: ngày 10.6, Mỹ ném xuống 24 quả bom, trong đó có tới 22 quả trúng Nhà máy thủy điện Thác Bà, cả nhà máy gần như tan tành, toàn bộ mái bằng bê tông cốt thép sập xuống, trùm vào 3 tổ máy, có quả bom còn găm xiên qua tổ máy. Tổn thất và hư hỏng gần như toàn bộ.
(còn tiếp)