Kỷ niệm 60 năm ngành Điện

Đường dây 35 KV - Vốn liếng ban đầu của ngành điện Việt Nam

Thứ hai, 27/10/2014 | 15:09 GMT+7
Những dấu ấn nổi bật trong lịch sử ngành điện lực đã thắp sáng mạch nguồn của niềm tin và hy vọng trên mọi miền đất nước Việt Nam...
 


Ảnh minh họa
 
Tiếp nối lịch sử ngành điện, cùng tìm hiểu về đường dây trung áp 35 KV đầu tiên tại miền Bắc: Hà Nội – Phố Nối (Hưng Yên) – được coi là một trong những vốn liếng ban đầu của ngành điện lực VN trong nền kinh tế quốc dân non trẻ. Nghe ông Dương Quang Sáng – cán bộ hưu trí Điện lực Hưng Yên – người đã có hơn 40 năm công tác và gắn bó với sự phát triển của ngành điện lực Hưng Yên nói về sự hình thành đường dây quan trọng này.
 
“Tôi đi làm ở ngành điện từ năm 1967 nên cũng được chứng kiến tương đối cái thời gian mà đường dây 35 này ở cái thời điểm đã vận hành rồi và khi chiến tranh phá hoại thì chúng tôi là người trực tiếp sửa chữa và nối lại đường dây này. Đường dây Hà Nội –Phố Nối nguyên bản là đường dây cũ của Pháp, có điện áp là 30,5KV. Đến tháng 1 năm 1958, sau khi mình tiếp quản thì mình bắt đầu nâng cấp, cải tạo đường dây này lên 35 KV theo hệ thống của XHCN”.
 
Đến giữa năm 1955, khi chúng ta đã hoàn thành tiếp quản những cơ sở điện lực cuối cùng của thực dân Pháp ở khu vực miền Bắc cũng chính là thời điểm ra đời một cơ quan chuyên trách ngành điện lực toàn miền Bắc. Đó là Cục Điện lực.
 
Ngành điện non trẻ vừa ra đời đã tham dự vào những kế hoạch đầu tiên của nền kinh tế quốc dân, nhằm mục tiêu hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế miền bắc mới được giải phóng.
 
Đường dây 35KV HN-Phố Nối được phục hồi, nâng cấp trong chính giai đoạn này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng đối với sự phát triển ngành điện lực VN nói chung trong những thập kỷ tiếp theo. Cùng ông Lương Minh Thanh – PGĐ Cty Điện lực Hưng Yên để tìm hiểu rõ hơn sự phát triển của điện lực Hưng Yên ngày nay từ nền tảng đường dây 35KV trước kia:
 
Xin ông cho biết một vài điểm mốc đáng chú ý trong quá trình phát triển của công ty, nhất là đường dây 35kV do công ty đang quản lý?
 
Đường dây 35kV Hà Nội –Phố Nối là đường dây trung áp đầu tiên, bản chất trước đây là đường dây liên tỉnh. Từ nhà máy điện Yên Phụ đến Phối Nối (Hưng Yên) là mạch kép 2 đường dây. Từ Phố Nối sẽ đi dọc theo Quốc lộ 39 đến Hưng Yên, qua Thái Bình đến Nhà máy Dệt Nam Định là đường dây thứ nhất. Từ phố Nối có đường dây thứ 2 đi Hải Dương, đi Uông Bí, đi Cọc Long (Quảng Ninh) là đường dây thứ 2. 2 đường dây là cấp điện cho các khu công nghiệp trọng điểm dệt và khai thác than. Đến thời kỳ sau này tỉnh Hưng Yên tái lập từ năm 1997, đến nay vẫn là đường dây hết sứcquan trọng, là xương sống về trung thế, liên kết các trạm 110kV của tỉnh Hưng Yên.
 

Nhà máy điện Yên Phụ xưa
 
Được biết, Hưng Yên là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp, vậy, công ty có giải pháp gì để duy trì nguồn điện ổn định cho các khu công nghiệp đó?
 
Hưng Yên có tỷ lệ công nghiệp rất lớn. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sắp tới Hưng Yên sẽ có thêm 5 khu công nghiệp nữa. Do vậy, phụ tải ở Hưng Yên thời gian tới rất lớn và công nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao. Ngoài sự quan tâm của Tổng công ty điện lực miền Bắc đầu tư rất nhiều trạm 110kV trên địa bàn thì lưới điện công nghiệp đều vận hành cấp bằng điện 22kV cả. Đến thời điểm này Hưng Yên đáp ứng tốt, đầy đủ các nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
 
Với tốc độ tăng trưởng khoảng 17%/năm, đường dây phụ tải ngày càng tăng thì sẽ có gì khó khăn và biện pháp khắc phục của công ty là gì?
 
Rất khó khăn vì phụ tải tăng cao như vậy, dây đồng M50 không đảm bảo khả năng chuyển tải, vượt quá dây dẫn. Các năm trước đây đã từng xảy ra đứt dây, đặc biệt vào những giờ cao điểm, gây mất điện đột xuất của khách hàng, không thông báo trước thì ảnh hưởng đến sản xuất, hỏng sản phẩm của người ta. Nhiều đoạn đường dây trước đây tải tăng đột biến, chủ yếu cấp điện công nghiệp dọc Quốc lộ 5, dọc Quốc lộ 39 thì cải tạo, thay dây AC120 và AC150 hết. Còn đoạn Khoái Châu, Kim Động, Hưng Yên chủ yếu dân sinh, tăng trưởng cơ học thường 10%/năm thôi, không có đột biến nên dây ấy tạm thời vẫn duy trì được. Nhưng sau 2015 sẽ cải tạo hết mới đáp ứng được nhu cầu độ tin cậy cung cấp điện và nhu cầu sử dụng điện của các phụ tải.
 
Chuẩn bị kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành điện, công ty có hoạt động gì hướng tới ngày kỷ niệm đó?
 

 
Để hướng tới năm 2014, công ty điện lực Hưng Yên hưởng ứng tất cả phong trào, các đợt phát động thi đua của tập đoàn cũng như của tổng công ty. Thứ nhất là phong trào thi thợ giỏi của tổng công ty Điện lực miền Bắc. Và công ty Điện lực Hưng Yên cũng phát động riêng hưởng ứng năm văn hóa an toàn kỷ luật lao động trên cơ sở đặc thù đặc điểm của Công ty Điện lực Hưng Yên. Từ đầu năm đến nay, công ty cũng đảm bảo tuyệt đối trong an toàn sản xuất kinh doanh. Đặc biệt chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng 9 tháng đầu năm đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của tổng công ty giao. Đấy là những hoạt động thiết thực nhất, hiệu quả nhất để tiến tới hưởng ứng kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành điện Việt Nam cũng như 45 năm ngành thành lập tổng công ty Điện miền Bắc. trực tiếp về thăm Công ty điện lực HY, được nghe những câu chuyện một thời gian khổ nhưng cũng đầy sáng tạo và hy sinhh của những người thợ điện đã để lại trong lòng người thực hiện chương trình nhiều cảm xúc tự hào và khâm phục. Mời quý vị lắng nghe những chia sẻ trong góc Cảm nhận của tôi hôm nay:
 
“Trong dòng chảy bất tận của thời gian, đôi lúc, đâu đó sẽ khiến mỗi chúng ta dừng lại. Chỉ một phút thôi, để thấy và chiêm nghiệm. Tôi đã đứng dưới hàng cột điện 35KV đầu tiên ở miền bắc để nhìn về một thời hào hùng của dân tộc.
 
Đó là những năm 1970 khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc – cũng là thời gian công ty điện lực Miền Bắc thành lập. Đó cũng là thời kỳ lần đầu tiên dòng điện 35KV thắp sáng xuyên từ Hà Nội, Hưng Yên, về đến Thái Bình, Nam Định dưới ngọn cờ XHCN.
 
Những ký ức đó, có lẽ sẽ không bao giờ quên đối với ông Dương Quang Sáng – người đã có thâm niên 43 năm gắn bó với những biến cố cũng như phát triển của đường dây 35KV đầu tiên ở Miền Bắc này. Đó là một thời kỳ gian khổ, nhưng oanh liệt của những người “giữ mạch sáng” cho dòng điện miền Bắc. Đó là những ngày bom B52 nung đỏ những đường dây và đó cũng là những ngày công nhân ngành điện trên tuyến 35KV này bám từng mét dây, từng gốc cột với mong muốn dòng điện sẽ không bao giờ bị gián đoạn.
 
Qua giọng kể của ông Sáng, chúng tôi như được thấy lại một thời sôi nổi, nhiệt tình và cũng đầy sự anh dũng của lớp công nhân ngành điện trong kháng chiến chống Mỹ. Cuối năm 1970, khi đang tiến hành leo cột để sửa chữa đường dây 35KV tại ngã ba Bần (thuộc tỉnh Hưng Yên) thì bất ngờ máy bay ném bom B52 lao đến và bắn phá doanh trại quân đội ở ngay bên cạnh. Vì bất ngờ, toàn bộ công nhân đã phải ngồi im trên hàng cột và chứng kiến cảnh đất đá, khói bụi trộn lẫn với máu và xương thịt của đồng bào bị thổi văng xa. Cảm giác đau xót, căm thù được bùng cháy trong tim những người thợ điện. Sau sự kiện ấy, thanh niên chi nhánh điện Hưng Yên đã quyết tâm đảm bảo dòng điện luôn thông suốt với khẩu hiệu “Địch phá ngày, ta sửa đêm – Làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”.
 
Sau năm 1975 khi hòa bình lập lại, luồng điện từ đường dây 35KV Hưng Yên không chỉ còn mang ý nghĩa chính trị. Từ đường dây này, hàng trăm nhà máy, hàng chục khu công nghiệp được mọc lên. Kinh tế các địa phương được thay da đổi thịt từng ngày. Hàng cột điện 9,6m đã được thay bằng những hàng cột cao hơn, vững chãi hơn, mang điện về với những vùng quê xa hơn, hẻo lánh hơn.
 
Đứng dưới hàng cột điện cao vút thẳng tắp, tôi bất giác đọc lẩm nhẩm bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên:
 
“Giặc đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát 
 
Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân 
 
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức 
 
Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng…”
 
Có lẽ, khó có thể nói hết được những hi sinh, gian khổ của công nhân ngành điện một thời máu và lửa. Ngày nay, trong tiến trình hội nhập và phát triển, các anh – những thế hệ kế tiếp của ngành điện Việt Nam đang bước tiếp những bước đi anh dũng và hào hùng của lớp cha anh. Hòa nhịp cùng với dòng chảy của lưới điện quốc gia, không ngừng vươn xa trên những bước đi vững chắc của đất nước.
 
Theo: VOV Giao thông