Diễn đàn năng lượng

Đốt bã mía để phát điện, Việt Nam có thể học từ nước nào?

Thứ ba, 10/10/2017 | 10:06 GMT+7
Chuyên gia của Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu chia sẻ với BizLIVE về một số vấn đề liên quan đến sản xuất điện đồng phát sinh khối từ bã mía nhằm tận dụng tốt hơn tiềm năng từ ngành này. 
 
Ông Adam Ward, Đại diện Quốc gia - Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam. Ảnh: GGGI Việt Nam.
 
Việt Nam hiện có 11 nhà máy đường có tham gia sản xuất, bán điện lên lưới quốc gia từ việc sử dụng nguồn nguyên liệu bã mía, với tổng công suất lắp đặt là 351,6 MW.
 
Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, sản xuất điện đồng phát sinh khối từ bã mía còn khá mới mẻ ở Việt Nam và cần hoàn thiện các chính sách để khuyến khích ngành này phát triển, trong đó có giá mua điện.
 
Ông Adam Ward, Đại diện Quốc gia - Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam, cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu tới 2030 có 2% nguồn phát điện được cung cấp từ nguồn điện sinh khối và điều này chỉ có thể đạt được thông qua sự tham gia của khu vực tài chính tư nhân.
 
Xin ông cho biết thêm về những lợi ích của năng lượng sinh khối, đặc biệt đối với một quốc gia như Việt Nam, nơi có ngành công nghiệp mía đường khá lớn?
 
Lợi ích của năng lượng sinh khối rất nhiều. Trước hết, năng lượng sinh khối đóng một vai trò quan trọng để giảm phát thải của Việt Nam, đặc biệt là bù đắp cho nhu cầu về than. Quy hoạch điện VII của Chính phủ đã được sửa đổi ước tính lên tới 6.000 MW năng lượng sinh khối vào năm 2030, chiếm 2,1% tổng lượng điện năng.
 
Thứ hai, phát triển năng lượng sinh khối là có tính xã hội - cung cấp thêm nguồn thu nhập cho nông dân Việt Nam.
 
Thứ ba, sự phát triển của năng lượng sinh khối sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp đường ở Việt Nam một cách chiến lược, do đó tăng việc làm cải thiện sinh kế.
 
Điều này được thực hiện thông qua việc cải thiện hiệu quả năng lượng trong các nhà máy, tạo ra sự tiết kiệm có ý nghĩa/tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, và tạo thêm thu nhập và lợi nhuận cho các doanh nghiệp đường.
 
Vì năng lượng sinh khối khá mới ở Việt Nam, nước nào mà Việt Nam có thể học hỏi từ để phát triển ngành này một cách bền vững?
 
Việt Nam đang ở vị trí tốt để phát triển năng lượng sinh khối do đã có những kinh nghiệm và bài học quốc tế đáng kể.
 
Trong năng lượng sinh khối, Brazil là ví dụ điển hình trong việc sử dụng các nguồn sinh khối từ sản xuất nông nghiệp cho năng lượng. Người ta ước tính rằng năng lượng sinh khối thể rắn ở Brazil đã đạt trên 13.000 MW vào năm 2016 (IRENA).
 
Thái Lan cũng là nước dẫn đầu trong lĩnh vực này với năng lượng sinh khối trên 3.000 MW được lắp đặt vào năm 2016. Các nước khác mà Việt Nam có thể học hỏi bao gồm Hoa Kỳ và các nước châu Âu (Thụy Điển, Đức, Anh, Phần Lan).
 
Mặc dù các loại tài nguyên sinh khối có thể khác với các nguồn có sẵn ở Việt Nam nhưng những kinh nghiệm từ những nước này vẫn có ích về mặt công nghệ và phát triển chính sách.
 
Các tổ chức quốc tế như GIZ, USAID, GGGI có thể trợ giúp Việt Nam trong lĩnh vực này như thế nào?
 
Mặc dù năng lượng sinh khối đang đi đầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo nhưng vẫn còn khá mới ở Việt Nam.
 
Để đạt được mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VII, chúng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, bao gồm i) đặt ra các khuyến khích đúng đắn cho ngành công nghiệp; ii) xây dựng năng lực cho không chỉ các cơ quan chính phủ mà cả với nhà máy đường, lĩnh vực tài chính (ví dụ ngân hàng thương mại), và khu vực tư vấn để hỗ trợ ngành này phát triển các đề xuất chất lượng cao; và iii) huy động tài chính cho các dự án năng lượng sinh khối.
 
GGGI cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển chính sách trong năng lượng sinh khối, xây dựng năng lực cần thiết và tiếp cận nguồn tài chính bền vững cho ngành.
 
Xin cảm ơn ông!
Theo: Diễn đàn Đầu tư