Đột phá về năng lượng sinh khối

Thứ hai, 8/8/2022 | 09:33 GMT+7
Năng lượng sinh khối - nguồn năng lượng tái tạo dựa trên thực vật - có thể giúp con người giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
 
Nhà máy điện Drax của Anh đã chuyển sang sử dụng năng lượng sinh khối hoàn toàn ẢNH: DRAX
 
Các nhà khoa học đang cấp bách khám phá những sản phẩm và nhiên liệu thực sự có thể tái tạo giữa thời điểm giá năng lượng ngày càng tăng và khí hậu toàn cầu bị tác động mạnh bởi việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
 
Theo thống kê của GS hóa học hữu cơ tại Trường ĐH bang Michigan (Mỹ) Ned Jackson, tất cả nhiên liệu lỏng và gần như mọi vật liệu được sản xuất của chúng ta, từ xăng đến quần áo…, đều bắt nguồn từ dầu thô. Vì vậy, điều quan trọng là tìm cách chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn carbon tái tạo trong tất cả lĩnh vực đời sống.
 
Tạp chí SciTech Daily ngày 6-8 dẫn lời GS Jackson và nhà nghiên cứu Yuting Zhao, Trường ĐH Illinois (Mỹ), cho biết họ đã phát hiện một quy trình hóa học sử dụng điện và nước để phá vỡ các liên kết hóa học mạnh trong sinh khối hoặc vật chất.
 
Cách tiếp cận này có thể được áp dụng cho "lignin" - thành phần sinh khối giàu carbon thường bị lãng phí hoặc bị đốt cháy trong sản xuất giấy - lẫn dùng để phá hủy những chất gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu của GS Jackson và nhà nghiên cứu Yuting Zhao được công bố trên tạp chí Nature Communications gần đây.
 
Trong khi mục tiêu toàn cầu là khai thác cả carbon lẫn năng lượng được lưu trữ trong sinh khối, chúng ta cần sử dụng các công cụ để ngắt kết nối các liên kết hóa học nhưng vẫn giữ lại, thậm chí tăng cường càng nhiều hàm lượng carbon và năng lượng càng tốt.
 
 "Một trong những điều thúc đẩy chúng tôi nghiên cứu là việc sử dụng dầu mỏ làm năng lượng khiến phát thải thêm khí nhà kính vào khí quyển. Nghiên cứu mới là một bước để trích xuất các hợp chất carbon hữu ích nhằm thay thế một phần dầu mỏ mà chúng ta sử dụng ngày nay" - GS Jackson nói.
 
Theo: NLĐ