Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) với chủ trương đổi mới, đã tạo điều kiện cho nền kinh tế VN có những bước chuyển biến tích cực. Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển đất nước với tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 10% đến 11%, GDP tăng từ 6% đến 6,5% là một áp lực rất lớn đối với ngành điện VN của những năm đầu thập kỷ 90.
Bước ngoặt lịch sử
Vào thời điểm đó, các nhà máy khu vực miền Bắc không phát huy được tối đa công suất; Khu vực miền Nam với một nền kinh tế năng động nhu cầu điện lớn, luôn đối mặt với tình trạng cung không đủ cầu, công suất lắp đặt các nhà máy ở miền Nam chỉ đáp ứng được gần 90% nên phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần; Khu vực miền Trung được cấp điện chủ yếu qua đường dây 220kV Vinh – Đồng Hới lấy điện từ Hòa Bình, đường dây 66kV từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim cấp cho Cam Ranh, Khánh Hòa và một số nguồn diesel nhỏ tại chỗ. Do công suất lắp đặt của Miền Trungchỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu, cộng với đường dây quá dài nên công suất truyền tải bị hạn chế và chất lượng điện cuối nguồn không đảm bảo.
Với áp lực cấp điện cho miền Nam, trên cơ sở định hướng xây dựng đường dây siêu cao áp thống nhất hệ thống điện đã được đề cập đến trong tổng sơ đồ phát triển lưới điện giai đoạn 1 (1981 – 1985) của VN được thiết lập với sự hợp tác của Liên Xô và nghiên cứu của các cán bộ tư vấn, dưới sự chủ trì của Cty Khảo sát Thiết kế điện 1 (nay là PECC1) và sự tham gia của các đơn vị tư vấn PECC2, PECC4, từ năm 1990, ngành điện đã hoàn thành khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Với kết quả nghiên cứu khoa học và các yếu tố kỹ thuật, chính trị, an ninh năng lượng, tháng 1/1992 công trình được Bộ Chính trị thông qua và Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) có Quyết định số 61/CT ngày 25/2/1992 phê duyệt Luận chứng kinh tế – kỹ thuật với quyết định thời gian hoàn thành là 2 năm. Sự kiện này đã đánh dấu một dấu mốc lịch sử quan trọng đối với dự án.
Với quyết định mang tính lịch sử ngày 5/4/1992 tại các vị trí móng số 54, 852, 2702 và ngày 21/01/1993 tại trạm biến áp Phú Lâm, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình, với mục tiêu khi dự án đưa vào vận hành sẽ truyền tải khoảng 2 tỷ kWh/năm vào TP Hồ Chí Minh với công suất Max là 600MW - 800MW.
Công trình thế kỷ
Sau 2 năm triển khai, cùng với sự đóng góp to lớn, chủ lực của cán bộ công nhân viên công ty xây lắp 1,2,3,4, Tổng công ty Sông Đà là sự hỗ trợ rất lớn của lực lượng quân đội như: Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 và nhiều đơn vị khác, cũng như sự giúp đỡ và tạo điều kiện của chính quyền các tỉnh, thành phố và người dân trong khu vực mà đường dây đi qua. Sau 2 năm vật lộn với muôn vàn khó khăn, gian khổ, ước mơ của những người làm năng lượng đã thành sự thật, xóa đi những mối hoà nghi về tính khả thi của công trình, sự mạo hiểm về thời gian và vốn…là sự khẳng định về một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Để đánh dấu một kỳ tích vào lúc 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung Tâm Điều Độ Hệ thống điện Quốc gia, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.
Hòa lưới điện 500 KV Sơn La - Hiệp Hòa
Với việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạnh thiếu điện của miền Nam và miền Trung. Điện thương phẩm của toàn quốc với mức độ tăng trưởng từ 5-6% giai đoạn 1990-1992 đã có mức tăng trưởng đột biến lên 18,2% giai đoạn 1993-1997 với đỉnh điểm là 21% năm 1995, trong đó khu vực miền Trung và miền Nam là 21% giai đoạn 1993-1997 và năm 1995 là 25%. Những đóng góp trên là một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước, với tốc độ tăng trưởng GDP từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995, trong đó tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14% trong giai đoạn 1990-1995, vượt các chỉ tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra.
Sau hơn 10 năm vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1, ngày 23/9/2005 ngành điện VN lại đánh dấu một kỳ tích, hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2. Với việc đưa vào vận hành 2 mạch đường dây 500kV Bắc – Nam đã giải quyết cơ bản tình trạng quá tải khai thác Nhà máy Thủy điện Yaly (720MW) và cùng với các giải pháp khác đã giải quyết thiếu điện rất lớn ở miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội vào giai đoạn 2005 - 2008, mà theo tính toán trong trường hợp có sự cố hay sửa chữa đường dây mạch 1, hệ thống điện miền Bắc sẽ phải sa thải một lượng công suất từ 1.150 MW đến 1.300MW mất điện diện rộng và lượng phụ tải cần sa thải có thể chiếm tới 30-34% công suất hệ thống điện miền Bắc nếu không có mạch 2. Không những vậy, việc vận hành cả 2 mạch đường dây 500kV đã thực sự là đường dây liên kết hệ thống truyền tải điện năng theo cả hai chiều, nâng cao độ an toàn, ổn định cung cấp và chất lượng điện, đồng thời tạo điều kiện để khai thác được tối ưu các nguồn điện hiện có trong hệ thống.
Hướng tới tương lai
Qua 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 và gần 10 năm đường dây 500kV mạch 2, mặc dù công trình đi qua nhiều địa hình khó khăn và hiểm trở nhưng những cán bộ công nhân viên ngành điện luôn đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải Bắc – Nam được thông suốt. Đến nay, cùng với đường dây 500kV mạch 2 lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây đảm bảo vận hành 1600-1800MW với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu khi đường dây mạch 1 đưa vào vận hành. Nếu như trước khi đường dây 500kV mạch 1 được đưa vào vận hành, hệ thống lưới điện truyền tải của nước ta có quy mô còn khiêm tốn, với 1.487 km đường dây 500kV, 1.913,7km đường dây 220kV, 1.350MVA dung lượng MBA 500kV và 2.305MVA dung lượng MBA 220kV thì đến hết 31/12/2013, khối lượng lưới điện truyền tải đã có bước tăng trưởng vượt bậc với khối lượng đường dây 500kV tăng 3,72 lần, đường dây 220kV tăng 6,18 lần, dung lượng trạm biến áp 500kV tăng 14,3 lần và dung lượng trạm biến áp 220kV tăng 11,8 lần.
Hệ thống lưới điện 500kV không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống mà đã được hoàn thiện tạo thành các mạch vòng quan trọng, để đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế của đất nước như: mạch vòng 500kV Phú Mỹ - Song Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La – Hiệp Hòa – Quảng Ninh – Thường Tín – Nho Quan – Hòa Bình. Lưới điện truyền tải đã đưa vào vận hành với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính… nhằm bảo đảm an toàn đường dây và các trạm biến áp.
Thực tế, qua 20 năm vận hành đã chứng minh thêm cho sự thành công vượt bậc của dự án công trình đường dây 500kV Bắc - Nam, tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của những người làm năng lượng và hơn hết, đó là trách nhiệm của ngành điện đối với đất nước, với cộng đồng.
Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 có tổng giá trị thực hiện 5.488,39 tỷ đồng bằng nguồn vốn trong nước, thấp hơn 1% so với dự toán; Công trình đã đào đúc và lắp dựng 3437 cột tháp sắt, căng 1.487km dây dẫn và dây chống sét, xây dựng 22 trạm lặp cáp quang, 19 chốt vận hành đường dây, đổ 280.000m3 bêtông móng với 23.000 tấn cốt thép, 60.000 tấn cột điện, 23.000 tấn dây dẫn và 930 tấn dây chống sét, 6.300 tấn cách điện. |