Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho ý kiến về vấn đề phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với vấn đề quy hoạch xây dựng Trạm biến áp 500kV Kon Rẫy (huyện Kon Rẫy).
Theo báo cáo của Tỉnh uỷ Kon Tum, về phát triển điện gió và lưới điện truyền tải, thời gian qua tỉnh đã khảo sát đưa vào quy hoạch và báo cáo Trung ương về tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh đạt trên 6.500MW; tuy nhiên hiện tỉnh chưa có trạm biến áp 500KV. Vì vậy, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho tỉnh Kon Tum được kêu gọi đầu tư các dự án điện gió với tổng công suất trên 3.000MW đã quy hoạch; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo EVN xem xét đầu tư trạm biến áp 500kV tại huyện Kon Rẫy để phát triển điện gió và đấu nối vào Đường dây 500kV mạch 3 Dốc Sỏi – PleiKu 2. Nếu được EVN đầu tư trạm biến áp 500KV thì rất thuận lợi cho tỉnh; trường hợp không thể đầu tư thì cho phép tỉnh Kon Tum kêu gọi đầu tư trạm biến áp 500kV để đấu nối vào Đường dây 500kV mạch 3 Dốc Sỏi – PleiKu 2.
Trao đổi về vấn đề phát triển điện gió tại Kon Tum, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Tấn Phát, đại diện cho nhóm khảo sát đầu tư phát triển điện gió, được tỉnh giới thiệu cho 28 dự án với tổng công suất 1.870MW. Doanh nghiệp đã đầu tư khảo sát, lập dự án, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII vừa qua, nhưng đến nay vẫn có khó khăn là chưa được Chính phủ, Bộ Công thương chưa xem xét đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Doanh nghiệp đã đăng ký và tỉnh đã trình Bộ Công thương, đăng ký kế hoạch thực hiện chung của toàn tỉnh với gần 1.400MW giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2025-2030 gần 2.000MW. Tuy nhiên, doanh nghiệp khó khăn là nếu đầu tư điện gió vào Kon Tum thì tỉnh lại chưa có trạm biến áp 500kV nào. Doanh nghiệp cho rằng, nếu Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Kon Tum được đầu tư xây dựng 1 trạm biếp áp 500kV thì sẽ rất thuận lợi, góp phải giải toả công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo trên địa bàn.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân trình bày ý kiến về việc đầu tư xây dựng Trạm biến áp 500kV Kon Rẫy.
Doanh nghiệp mong muốn Thủ tướng Chính phủ ưu tiên cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum nói chung, doanh nghiệp nói riêng được có cơ hội đầu tư nguồn và lưới điện cho tỉnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Doanh nghiệp cho biết, giá điện điện gió trên bờ 8,5 cent/kW theo Quy hoạch điện VII mở rộng trước đây; được biết giá điện gió theo Quy hoạch điện VIII là dự kiến 6,6 cent/kW. Theo doanh nghiệp, mức giá này sẽ khiến nhà đầu tư khó khăn hơn giai đoạn trước vì giá đầu vào tăng hơn 30% so trước đây. Các turbine điện gió là thiết bị đặc thù. Đối với điện gió trên bờ, ngoài thiết bị, còn liên quan vấn đề vận chuyển, trạm biến áp, hệ thống điện, đền bù giải phóng mặt bằng, lãi suất ngân hàng... Doanh nghiệp mong muốn có được giá điện gió hợp lý, chẳng hạn 7,2-7,5 cent/kW để bảo đảm phù hợp mức tính toán dự án.
Trình bày ý kiến về vấn đề này, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân nêu rõ, về kiến nghị của tỉnh Kon Tum bổ sung trạm biến áp 500kV Kon Rẫy vào Quy hoạch điện VIII, trạm biến áp 500kV Kon Rẫy chưa có trong Quy hoạch điện VIII, thẩm quyền xem xét, bổ sung quy hoạch trạm này vào Quy hoạch điện VIII thuộc Bộ Công thương và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo báo cáo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum tại buổi làm việc, trạm biến áp này nhằm thu gom khoảng 3.000 MW công suất điện gió tại khu vực chung quanh, tức là phục vụ cho các nhà đầu tư điện gió phát và bán điện lên hệ thống điện quốc gia. EVN cho rằng, vị trí quy hoạch xây dựng trạm biến áp như Thủ tướng đã đến thị sát chiều 19/8 là rất thuận lợi cho việc xây dựng, chỉ cách đường truyền tải 500kV chỉ 2km, hầu như không tốn chi phí đầu tư xây dựng đường dây mà chỉ tốn chi phí xây dựng trạm biến áp, chỉ khoảng 600 tỷ đồng. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung trạm biến áp và các nhà máy điện gió này vào Quy hoạch điện VIII thì EVN kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các nhà đầu tư đầu tư xây dựng trạm biến áp này, vì trạm này thuần tuý phục vụ quyền lợi của các nhà đầu tư điện gió, điều này cũng phù hợp chủ trương xã hội hoá, cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải, kể cả vận hành trạm biến áp 500kV…