Ảnh minh họa.
Vậy, lộ trình này đã được triển khai thế nào, khách hàng sử dụng điện được hưởng lợi gì khi EVNSPC hoàn thành mục tiêu này? Ông Nguyễn Công Hầu - Phó Tổng giám đốc EVNSPC đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, ứng dụng CNTT vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng… trong thời gian qua đã được Tổng công ty triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Công Hầu: Đánh giá quá trình hoạt động và phát triển của EVNSPC (giai đoạn 2016-2022), về tổng quan dễ dàng nhận thấy quy mô quản lý của EVNSPC ngày càng tăng.
Cụ thể: Đến hết năm 2022, về sản lượng điện thương phẩm EVNSPC đạt 83 tỷ kWh, phát triển khách hàng đạt trên 9,1 triệu khách hàng (ánh sáng sinh hoạt), ký hợp đồng theo phương thức điện tử đạt 98,31%, các yêu cầu về dịch vụ điện được cung cấp qua các kênh Internet chiếm trên 98%. Đồng thời các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng hoạt động (độ tin cậy, tổn thất điện năng, điểm đánh giá mức độ hài lòng khách hàng…) ngày càng tốt hơn.
Kết quả trên đã phản ánh rõ các nỗ lực về ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và quyết tâm số hoá, chuyển đổi số của EVNSPC trong thời gian qua.
Việc thực thi về ứng dụng CNTT, công nghệ mới đã được Tổng công ty cụ thể hoá tại Đề án phát triển hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông dùng riêng, an toàn thông tin và ứng dụng công nghệ của của cuộc CMCN 4.0 vào các hoạt động điều hành, sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết 261/NQ-HĐTV ngày 26/10/2021 của HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Nam (gọi tắt là Đề án 261).
Đề án 261 được ban hành đã tạo định hướng, cơ sở pháp lý nhất định để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông dùng riêng, an toàn thông tin và chuyển đổi số, đồng thời đã xây dựng được lộ trình triển khai đồng bộ với hoạt động sản xuất, kinh doanh (giai đoạn 2021-2025) của EVNSPC.
Sau hai năm triển khai, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Tổng công ty đã thực hiện được các mục tiêu trọng tâm đề ra của đề án, cơ bản giải quyết bài toán thiếu hụt tài nguyên hạ tầng cho các nhiệm vụ chuyển đổi số đã được EVN và HĐTV EVNSPC giao (giai đoạn 2021-2022).
PV: Các kết quả đạt được là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Hầu: Về hạ tầng truyền dẫn dùng riêng, hệ thống mạng truyền dẫn viễn thông dùng riêng kết nối từ văn phòng EVNSPC đến 21 công ty điện lực thành viên, 203 điện lực huyện/thành phố, 21 trung tâm điều khiển xa, 243 TBA110 kV và 9 đơn vị trực thuộc, băng thông từ 1Gbps đến 10Gbps, có dự phòng vật lý 1+1 về cáp quang trên 85% tuyến kết nối. Riêng 2 điện lực huyện đảo là Phú Quý, Côn Đảo do đặc thù địa lý còn sử dụng kênh viba.
Mạng lưới cáp quang toàn Tổng công ty đang vận hành trên 15.000 km cáp quang hỗn hợp (OPGW: 4.177 km, ADSS/F8: 7.899 km, cáp quang tiếp nhận chia sẻ với các nhà mạng: 3.191 km).
Về hệ thống cơ sở dữ liệu, cơ sở dữ liệu các hệ thống phần mềm dùng chung của EVNSPC được tổ chức lưu trữ theo từng ứng dụng và tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung, quản lý khai thác qua trung tâm dữ liệu EVNSPC. Một số ít các dữ liệu của các hệ thống do các công ty điện lực thành viên tự phát triển được lưu trữ tại máy chủ của các đơn vị. Hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến đang dùng trong các phần mềm của EVN là MS SQL Server và Oracle.
Trong ứng dụng CNTT nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện đề án đã đạt được: Hệ thống hội nghị truyền hình được EVNSPC kiện toàn đến 203 điện lực huyện/thị xã/thành phố, đem lại hiệu quả cao trong tiết kiệm chi phí và đảm bảo các hoạt động điều hành sản xuất, cung cấp điện xuyên suốt không bị gián đoạn.
Trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, EVNSPC bước đầu xây dựng và khai thác dữ liệu lớn (Big data), từ đó triển khai thành công một loạt các hệ thống ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả kết nối và làm nền tảng để EVNSPC và từng công ty điện lực thành viên chuyển đổi vận hành theo hướng doanh nghiệp điện tử đúng lộ trình, bao gồm các dạng giao dịch của doanh nghiệp điện tử với 3 chủ thể gồm: B2C - (Business to Customer) quan hệ doanh nghiệp với khách hàng; B2B - (Business to Business) quan hệ doanh nghiệp với doanh nghiệp và B2G - (Business to Goverment) quan hệ doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ.
PV: Để thực hiện lộ trình chuyển đổi số (giai đoạn 2023-2025) và phấn đấu với mục tiêu đưa EVNSPC trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 theo đề án EVN đã ban hành, ông cho biết EVNSPC đã thực hiện lộ trình này như thế nào?
Ông Nguyễn Công Hầu: Ngày 21/01/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ra mắt “Hệ sinh thái số EVNCONNECT”, đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của EVN trong lộ trình trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Là một thành viên của EVN, Tổng công ty xác định chuyển đổi số là chương trình trọng tâm quan trọng nhất của EVNSPC, là động lực mạnh mẽ giúp EVNSPC tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tốc độ tăng trưởng và gia tăng uy tín đối với khách hàng.
Trên tiêu chí này, công tác chuyển đổi số tại EVNSPC được triển khai đồng bộ theo phê duyệt của Hội đồng thành viên EVN tại Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV ngày 17/02/2021 về ban hành “Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025”, lộ trình được phân kỳ làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ năm 2021 đến năm 2022), cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong một số hoạt động cốt lõi. Với 5 lĩnh vực chuyển đổi số trọng tâm gồm: Quản trị nội bộ; kỹ thuật, an toàn; đầu tư xây dựng; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; viễn thông công nghệ thông tin - hạ tầng số.
Giai đoạn 2 (từ năm 2023 đến năm 2025), EVN, các đơn vị thành viên trở thành doanh nghiệp số, hoàn toàn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.
PV: Vậy, khách hàng sử dụng điện của Tổng công ty sẽ được hưởng lợi gì khi EVNSPC hoàn thành mục tiêu nói trên, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Hầu: Các kết quả thực tiễn EVNSPC đã đạt được theo lộ trình chuyển đổi số (giai đoạn 2021-2022) trong những lĩnh vực trọng tâm phải kể đến.
Thứ nhất, Kết nối với các hệ thống dữ liệu quốc gia: EVNSPC đã hoàn thành kết nối kỹ thuật tích hợp dịch vụ xác thực và chia sẻ thông tin công dân bằng số căn cước công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia cho 21 công ty điện lực thành viên. Tổ chức thiết lập hạ tầng CNTT để kết nối tới NDXP (National Data Exchange Platform) - Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tại tỉnh Đồng Nai, đang tiếp tục triển khai tại các công ty điện lực còn lại theo lộ trình cuả EVN giao. Kết nối với Tổng Cục thuế và trên 28 tổ chức thanh toán trung gian để triển khai dịch vụ hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Kết nối liên thông trục hệ thống văn bản điện tử nội bộ với trục liên thông văn bản Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và sẵn sàng hạ tầng để kết nối với UBND các tỉnh thành phố phía Nam theo kế hoạch.
Thứ hai, Chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị nội bộ: Chuyển đổi số đã làm thay đổi phương thức điều hành, phong cách lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp trong toàn EVNSPC, trong đó lấy hệ thống Digital Office (văn phòng số) làm trung tâm.
Đến hết 2022, hệ thống Digital office đã được EVNSPC áp dụng trên 300 đơn vị thành viên với 19.000 user CBCNV thường xuyên sử dụng cho công việc hàng ngày, số lượng văn bản ký số toàn EVNSPC (năm 2021-2022) là 363.086 văn bản, đạt tỷ lệ 92,4% trên tổng số văn bản phát hành.
11.270 chữ ký số đã được EVNSPC trang bị cho cán bộ công nhân viên có chức trách, đạt tỷ lệ 52,9% trên tổng số CBCNV có mặt đến hết năm 2022 là 21.347 lao động. Trên 2.250 thiết bị di dộng (laptop, náy tính bảng…) đã được cung cấp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp ứng dụng các phần mềm hiện trường để làm việc di động, từ xa và trực tuyến. 1.300 phiên họp/hội thảo/đào tạo được tổ chức thành công qua ứng dụng hội nghị trực tuyến trên mobile qua Polycom, Zoom, MS Team chiếm trên 68% số cuộc họp được tổ chức…
Thứ ba, Chuyển đổi số trong lĩnh vực kỹ thuật, an toàn: Chuyển đổi số đã làm thay đổi công tác quản lý kỹ thuật thông qua các phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện và lưới điện (PMIS) quản lý tập trung về quản lý mất điện, quản lý vật tư thiết bị điện, quản lý vận hành lưới điện cao thế,… và đang ngày càng hoàn thiện về điều khiển tự động hóa làm nền tảng cho lưới điện thông minh.
Đã có 1,7 triệu hồ sơ thiết bị lưới, trạm đã được số hoá và cập nhật hoàn thiện vào phần mềm PMIS. Tin học hóa sửa chữa theo phương pháp CBM lưới điện 110 kV (tổng số 14.509 thiết bị TBA 110 kV và đường dây 110 kV; 188.828 thiết bị trung áp được thực hiện theo phương pháp CBM mang lại hiệu quả tốt trong thực thi cải tiến nghiệp vụ). Ứng dụng hiện trường được khai thác hiệu quả với trên 427.000 phiếu/lệnh được thực hiện theo bộ phiếu điện tử và trên 120.700 yêu cầu sửa chữa điện khách hàng đã đáp ứng…
Thứ tư, Trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng: Chuyển đổi số đã làm thay đổi phương thức điều hành, phong cách lãnh đạo, quy trình làm việc, mô hình kinh doanh và phương thức kinh doanh qua sự chuyển đổi sang giao dịch điện tử, kết quả thể hiện cụ thể.
Số khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến cấp độ 4 năm 2022 là 561.681 khách hàng (đạt tỷ lệ 99,8%). Hợp đồng với khách hàng mới bằng phương thức cung cấp hợp đồng mua bán điện điện tử đạt 100%, với tổng số yêu cầu ký điện tử là 563.780 yêu cầu. Tỷ lệ xử lý tự động yêu cầu của khách hàng qua Trung tâm CSKH EVNSPC đạt tỷ lệ 33%.
Hệ thống dịch vụ khách hàng qua Cổng DVCQG tiếp nhận 345.648 yêu cầu, trong đó 340.585 yêu cầu được xử lý hoàn thành, tỷ lệ đạt 98,5%. Hợp đồng mua bán bán điện điện tử đến tháng 12/2022 là 5.629.996 hợp đồng, đạt 100%. Số lượng giao dịch qua tổng đài luỹ kế 11 tháng 2022 là 2.476.031 yêu cầu, giao dịch qua email là 23.217 yêu cầu, giao dịch qua Website: 4.538.262 yêu cầu.
Thứ năm, Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng: Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu quan trọng và là giải pháp cốt lõi nâng cao năng suất lao động, chất lượng công trình và hiệu quả trong từng khâu đầu tư xây dựng với hệ thống phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (IMIS 2.0) là trung tâm, theo đó EVNSPC đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra.
Cụ thể: 1.883 gói thầu được thực hiện qua hệ thống điện tử, 1.645 hợp đồng được đánh giá chấm điểm trong năm 2022. 274 dự án khởi công áp dụng nhật ký điện tử với 24.324 nhật ký điện tử đã thực hiện. 630 dự án đã ứng dụng công nghệ AI trong phân tích hình ảnh đánh giá chất lượng các bước thi công, 241 dự án đã áp dụng phần mềm MicroSoft Project quản lý tiến độ. Xây dựng cơ sở dữ liệu giá 11 loại vật tư thiết bị chính mua sắm đã được gán cho 1.197 hợp đồng và đồng bộ giữa 2 hệ thống IMIS-ERP. Trên 1.400 dự án đã được đưa vào lưu trữ theo hồ sơ điện tử. Ứng dụng công nghệ BIM, SCAN TO BIM đã được hoàn thiện cho 3 dự án trạm 110 kV đem lại nhiều hiệu quả.
Thứ sáu, Về chỉ đạo, điều hành: Hầu hết các hoạt động quản trị điều hành chính của Tổng công ty đều đã sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản trị điều hành.
Các cấp lãnh đạo quản lý của Tổng công ty đã được đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, nền tảng nhận thức về chuyển đổi số đã có sự đổi mới trong tư duy, nhận thức về xác định vị trí, vai trò đặc biệt của ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và chuyển đổi số là quan trọng không thể thiếu, làm nền tảng cho định hướng phát triển và hiện đại hoá mọi mặt công tác của từng đơn vị thành viên và chung toàn EVNSPC để duy trì triển khai xây dựng văn hoá số trong giai đoạn tiếp theo.
Phải nói rằng với sự quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, ban điều hành đến từng phòng/ban chức năng và toàn thể CBCNV trong EVNSPC, tính đến thời điểm hiện nay EVNSPC đã hoàn thành 100% khối lượng thực hiện chuyển đổi số của 5 lĩnh vực trọng tâm (giai đoạn 1). Đồng thời, EVNSPC xác định chuyển đổi số là một lộ trình dài hạn và đồng bộ trên diện rộng từ Tổng công ty đến từng đơn vị thành viên, trong đó đòi hỏi nhiều sự thay đổi và thích ứng nhanh lẹ, với một chiến lược có phân kỳ về nguồn lực một cách cụ thể rõ ràng nhằm giúp việc thực thi giảm thiểu những rủi ro thách thức và tận dụng thành công những cơ hội trên hành trình số trong giai đoạn tiếp theo.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!