Hệ thống cáp ngầm này có tốc độ truyền dữ liệu 3.84 Tbit/giây, bao gồm bốn đôi sợi cáp. Hệ thống cáp sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (WDM) cho phép mỗi đôi sợi có thể truyền được 96 bước sóng, mỗi bước sóng cho phép truyền với tốc độ 10 Gbps.
Ông Nguyễn Mạnh Bằng, Giám đốc EVNTelecom cho biết: “Việc cập bờ và đưa dự án IACS vào khai thác không chỉ giúp EVNTelecom có được chi phí kết nối quốc tế thấp và khả năng kết nối trực tiếp đi quốc tế với dung lượng lớn mà còn giúp Việt Nam nói chung tăng mạnh dung lượng kết nối viễn thông với thế giới bên ngoài” - Theo thông tin từ EVNTelecom, hệ thống cáp quang biển Liên Á là một trong hệ thống cáp lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay , được đầu tư bởi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có tiềm lực và kinh nghiệm trong khu vực và quốc tế.
Ông Byron Clatterbuck - Phó TGĐ dịch vụ kết nối toàn cầu- Tập đoàn TATA cho biết "Chúng tôi rất vui mừng khi EVN đã tham gia vào dự án cáp biển Liên Á. Chúng tôi tin tưởng rằng cáp biển Liên Á cập bờ vào Việt nam sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho sự phát triển của thị trường viễn thông Việt nam " . Tuyến cáp biển liên Á sẽ tăng cường năng lực kết nối quốc tế không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Châu Á, bao gồm: Hongkong, Singapore, Nhật bản, Philippin…
Theo ông Võ Quang Lâm - Giám đốc dự án cáp quang biển Liên Á của EVNTelecom, EVNTelecom sẽ tham gia đầu tư xây dựng tuyến cáp chính tương ứng với phần dung lương sử dụng ban đầu là 50Gbps và có quyền tăng dung lượng theo nhu cầu cho các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời EVNTelecom sẽ tự xây dụng một trạm cập bờ (CLS) tại Vũng Tàu cho phép EVNTelecom kết nối trực tiếp từ Việt nam tới các nước Singapore, HongKong, Nhật . Như vậy, hệ thống cáp chính dự kiến sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 200 triệu đô-la-Mỹ cho phép cung cấp dung lương ban đầu là 320Gbps. EVNTelecom dự định sẽ đầu tư 30 triệu USD và được sử dụng độc quyền 50G. Khoản đầu tư này cũng đảm bảo quyền nâng cấp dung lượng sử dụng hệ thống của EVNTelecom sau này khi có nhu cầu. Đây là một trong hệ thống cáp lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, được đầu tư bởi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có tiềm lực và kinh nghiệm trong khu vực và quốc tế. Hệ thống này mang lại những điểm ưu việt như: kết nối với các trạm trung chuyển ở Singapore, Hong Kong và nhật Bản; điều này cho phép tiết kiệm tối đa chi phí trong khi có thể truy cập không hạn chế (trong khuôn khổ dung lượng được cấp) với những trạm trên.
Đối tác TATA của EVNTelecom là một công ty giàu kinh nghiệm trong việc quản lý những hệ thống cáp biển trong khu vực và thế giới, sẽ chịu trách nhiệm vận hành và bảo trì hệ thống, đồng thời chia sẻ chi phí vận hành, bảo trì hệ thống giữa tất cả các nhà đầu tư trên cơ sở dung lượng sử dụng, điều đó đảm bảo chi phí tối thiểu cho dung lượng sử dụng của EVNTelecom. Đặc biệt là hệ thống tuyến cáp này cho phép kết nối trực tiếp tới hệ thống cáp TGN-Pacific và một số điểm cập bờ lớn tại Mỹ. Với tư cách là nhà đầu tư của tuyến cáp biển Liên-Á, EVNTelecom sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi kết nối từ Nhật Bản tới Mỹ qua mạng lưới cáp biển xuyên Thái Bình Dương của TATA Communication. Sự kết nối này sẽ là chìa khoá trong việc nâng cao hơn nữa sự hiện diện của Việt Nam trên bình diện quốc tế và giúp EVNTelecom trở thành đầu tầu trong việc cung cấp các dịch vụ kết nối internet cũng như các dịch vụ khác phụ thuộc vào việc kết nối với Mỹ.
Theo Công Thương