Điện lực Phú Thiện lắp đặt công tơ cho hộ dân di cư tự do ở 3 thôn Drôk, Dlâm, Kim Môn của xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).
Các thôn, làng tái định cư huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) sau một thời gian người dân về nơi ở mới đã có nhiều thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.
Được thành lập từ khá lâu, nhưng chưa đầy một năm trước, thôn tái định cư Trường bắn (xã IaHiao, huyện Phú Thiện) chỉ vẻn vẹn 25 nhân khẩu, và bếp củi, đèn dầu là nguồn sáng của mỗi gia đình. Những chiếc đài chạy pin là phương tiện thông tin chủ đạo. Ban đêm ở đây dường như cũng đến sớm hơn nơi khác; không gian yên ắng, tĩnh mịch vì không có điện, không ti vi, không phương tiện giải trí. Việc học hành của con trẻ khi ở nhà dường như cũng bị bỏ quên vì thiếu ánh sáng.
Tháng 06/2022, Điện lực Phú Thiện (Công ty Điện lực Gia Lai - PC Gia Lai) đã hoàn thành đóng điện TBA 3P - 160kVA, 1,2km đường dây hạ áp, cùng với đó là lắp đặt 30 công tơ điện cung cấp điện đến từng hộ tại thôn tái định cư Trường bắn. Giờ đây, nơi này đã khác. Đêm về, nhà nhà rực sáng ánh điện, nhà nhà thi nhau sắm sửa những đồ dùng gia đình chạy bằng điện như ti vi, quạt điện, nồi cơm điện, máy bơm nước....
Trưởng thôn Ksor H Net cho biết, "Có điện, cuộc sống của người dân như sang một trang mới, văn minh hơn, hiểu biết hơn. Trước đây cả làng không có lấy một cái ti vi nên tin tức thời sự, phim ảnh giải trí không tiếp cận được, giờ thì khác, nhiều nhà trong làng đã có ti vi; tối đến, mọi người được xem ti vi biết thêm nhiều thông tin xã hội. Đêm tối không còn phải mò mẫm nữa; các cháu học sinh cũng không phải thắp cây đèn dầu, củi thông để học bài”.
Được thành lập theo Quyết định số 210/QĐ-UBND ngày 1/6/2021 của UBND huyện Phú Thiện, 67 hộ dân di cư tự do ở 3 thôn Drôk, Dlâm, Kim Môn được chuyển vào khu tái định cư ở thôn Drôk, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Để tạo điều kiện cho các hộ dân xây dựng, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trước khi chuyển đến, tháng 01/2022, Điện lực Phú Thiện phối hợp với các đơn vị liên quan nghiệm thu đóng điện công trình với quy mô 2.5km đường dây trung áp, 0.8km đường dây hạ áp và 01 trạm biến áp 100kVA, đồng thời khảo sát lắp đặt công tơ cho 67 hộ dân.
Ông Ngân Văn Tích - Trưởng thôn Drôk cho hay, khu tái định cư này chủ yếu là dân di cư tự do. Mặc dù nhà nước đã đầu tư, khuyến khích cho người dân định cư sản xuất, nhưng thôn, xã rất lo lắng, vì nếu điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng thì họ sẽ không ở nữa. Nhưng rất cảm ơn chính quyền và ngành điện đã có những đầu tư kịp thời, người dân an tâm định cư, tập trung ổn định cuộc sống và sản xuất. Hiện thôn đã tăng lên được 82 hộ với hơn 300 nhân khẩu.
Theo ông Phùng Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, tiêu chí điện trong xây dựng xã nông thôn mới đặt ra yêu cầu mỗi địa phương phải đảm bảo đạt được 2 chỉ tiêu, gồm: Hạ tầng điện phải đảm bảo kỹ thuật theo quy định của ngành điện và trên địa bàn phải có ít nhất 95% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. Nhờ có sự quan tâm của Điện lực Phú Thiện đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã.
Đầu tư hạ tầng điện cho các khu tái định cư trên là 2 trong số nhiều dự án đầu tư của PC Gia Lai trong giai đoạn từ 2018 - 2022 để phục vụ phát triển kinh tế xã hội các vùng sâu vùng xa, khu tái định cư trên địa bàn huyện Phú Thiện. Trước đó, đã có các dự án như: dự án cấp điện 4 làng tái định cư, xã Chư A Thai (2018-2020), khu tái định cư xã IaYeng (2018), Khu dân cư Thanh hà Xã Ayun hạ (2019)….
Ông Hoàng Văn Mã, Giám đốc Điện lực Phú Thiện cho biết, khi chính quyền địa phương triển khai các dự án bố trí, ổn định dân di cư tự do tại các xã trên địa bàn huyện Phú Thiện, ngành điện luôn ý thức được vấn đề “điện phải đi trước một bước” để làm đòn bẩy để ổn định và phát triển đời sống người dân. Do đó, Điện lực Phú Thiện đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết nhanh các vướng mắc liên quan đến thi công, lắp đặt điện cho dự án, không để tình trạng người dân về nơi ở mới mà không có điện.
Có điện, cuộc sống của người dân ở những thôn làng vùng sâu vùng xa, các khu tái định cư như bừng sáng hơn. Điện góp phần làm thay đổi diện mạo các làng quê, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xác hội địa phương. Có thể nói, khi những chính sách hỗ trợ kịp thời và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuộc sống của mỗi gia đình, những điểm tái định cư đã và đang trở thành những vùng đất mới, gắn bó với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ an cư, lập nghiệp.
Link gốc