Tin trong nước

Gian nan ngầm hóa lưới điện

Thứ hai, 4/12/2023 | 13:31 GMT+7
Hệ thống dây điện như “mạng nhện” chằng chịt trong nội đô TPHCM, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như cháy nổ, nguy hiểm chết người. Đây là thực trạng của nhiều trụ điện tại các tuyến đường ở TPHCM chưa được ngầm hóa.

Công nhân ngành điện thi công dự án cáp ngầm 220KV Tao Đàn - Tân Cảng (đoạn qua đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3).

Hiểm họa chực chờ

Tuyến đường Lê Đức Thọ, đoạn qua các phường 13, 15, 16, là khu trung tâm của quận Gò Vấp, dài chừng 7km, lòng đường chừng 12m nhưng có vô số trụ điện trong tình trạng xuống cấp, mạng lưới điện ngổn ngang, nhiều chỗ dây điện trên trụ chỉ cách mặt đường hơn 2m. Cùng bám vào các trụ điện là vô số dây nhợ, cáp viễn thông treo tòn ten hai bên đường.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, sống gần chợ Xóm Mới, phường 16, quận Gò Vấp, thấp thỏm: “Hàng cột điện nằm gần lòng đường tồn tại nhiều năm, cạnh khu chợ có nhiều người qua lại. Nhiều người chạy xe máy vào ban đêm đã va phải, trong đó có cả người lớn tuổi, hết sức nguy hiểm”.

Sự nguy hiểm từ hệ thống dây diện “mạng nhện” là có thật. Khoảng 15 giờ 30 ngày 1-7-2023, tại căn nhà 2 tầng nằm trong hẻm 439 đường Nguyễn Văn Khối (phường 8, quận Gò Vấp), khi trời đang mưa to, chủ nhà leo lên sân thượng, bị điện giật bất tỉnh. Cảnh sát PCCC-CNCH Công an quận Gò Vấp đã đến cắt điện, dùng thang lên sân thượng đưa chủ nhà xuống đất, nhưng đáng tiếc ông đã tử vong. Cùng ngày, người dân sinh sống gần Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (phường Bến Nghé, quận 1) phát hiện trên mái tôn của trường này có một nam giới nằm bất động, nghi bị điện giật.

Tiếp đó, vào trưa 2-7-2023, trong khi trời mưa lớn, ông P.Q.H. trèo lên mái nhà trên đường Nguyễn Súy (phường Tân Quý, quận Tân Phú) quét dọn rác, không may tử vong, nghi là do bị điện giật. Theo bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ, nhiều trường hợp tử vong ở TPHCM vừa qua do trong cơn dông có gió giật mạnh, khiến dây điện sà xuống hoặc đứt chạm xuống mái tôn, thùng chứa nước, cột ăng ten trên mái nhà. Thậm chí, nhiều khi dây điện không chạm vào những đồ vật này nhưng lâu ngày dây điện bị hở, khi chạm vào sàn nhà bị ướt có thể dẫn điện, khi người dân đi hoặc chạm vào có thể bị điện giật. Trung bình có khoảng 50 người tử vong mỗi năm do nguyên nhân này.

Nguy hiểm là vậy, nhưng đến nay tỷ lệ ngầm hóa lưới điện ở các quận huyện và TP Thủ Đức vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Tại quận 3, các tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu…, đường chính đã ngầm xong nhưng các con hẻm vẫn vậy, các trụ điện còn đầy dây nhợ, kết nối chằng chịt. Ở quận Bình Thạnh, trên các tuyến đường Lê Quang Định, Phan Văn Trị, Nguyên Hồng… dây điện, dây cáp viễn thông treo lủng lẳng đầy các trụ điện.

Thiếu đồng bộ

Thực tế, công tác hạ ngầm dây cấp điện và hệ thống chiếu sáng hiện nay vẫn chưa được thực hiện đồng bộ với các dự án ngầm hóa theo Kế hoạch 1642/KH-UBND (ngày 21-5-2021) của UBND TPHCM. Chẳng hạn, vừa qua vỉa hè công trình trên đường Lê Văn Chí, tại TP Thủ Đức bị xói lở, bong tróc nhiều đoạn, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân. Đây là tuyến đường có 2 dự án thi công nhưng lại vênh nhau thời gian hoàn thành. Gói thầu xây lắp thuộc Dự án nâng cấp đường Lê Văn Chí đã hoàn thành từ quý 2-2023, nhưng gói thầu thi công xây dựng thuộc Dự án tái bố trí ngầm hóa lưới điện đồng bộ Dự án nâng cấp đường Lê Văn Chí, do Công ty TNHH Xây dựng điện - Thương mại Phương Đông thi công, lại làm sau.

Trong khi đó, tại quận 3, các tuyến đường chính đã được hạ ngầm lưới điện nhưng trong hẻm thì chưa. Một lãnh đạo UBND quận 3 cho biết, quá trình ngầm hóa gặp khó khăn do các đơn vị viễn thông chậm trễ trong công tác ngầm hóa cáp thông tin, khiến quận và ngành điện lực không chủ động được trong kế hoạch phối hợp thi công, cũng như trong công tác hạ trụ điện.

Theo kế hoạch của UBND TPHCM, đến năm 2025, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn TPHCM đạt 50%-60%, trong đó các quận 1, 3, 5 đạt tỷ lệ 100%; các quận nội thành khác đạt 80%-90%; tỷ lệ ngầm hóa lưới điện hạ thế đạt 35%-40% (khu vực trung tâm thành phố đạt 80%-90%). Thành phố sẽ tập trung ngầm hóa trên địa bàn TP Thủ Đức, mục tiêu thực hiện với 100% tuyến đường, trục đường chính. Thực hiện chủ trương này, năm nay, Ban Quản lý dự án Lưới điện phân phối TPHCM (Tổng công ty Điện lực TPHCM - EVNHCMC) khởi công mới 34 dự án và hoàn thành 16 dự án.

Để đảm bảo nguồn vốn và tiến độ, EVNHCMC đã ký hợp đồng vay vốn với các ngân hàng thương mại để thực hiện các dự án ngầm hóa, đồng thời đăng ký các công trình ngầm hóa lưới điện vào danh mục các dự án thuộc chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất của TPHCM. Đến nay, đã có 187 dự án ngầm hóa với tổng mức đầu tư 8.072 tỷ đồng được đưa vào chương trình, trong đó, vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 4.568 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi vay được hỗ trợ trong giai đoạn 2016-2020 là 350 tỷ đồng. Ông Bùi Hải Thành, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết, hiệu quả tích cực từ công tác ngầm hóa lan tỏa ngày càng sâu rộng đến người dân TPHCM. Trong giai đoạn thiết kế các dự án ngầm hóa phải lấy ý kiến thỏa thuận vị trí tuyến với nhiều bên như viễn thông, cấp nước, thoát nước, các ban quản lý dự án, các trung tâm quản lý hạ tầng…

Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị này thường chậm phối hợp, gây kéo dài thời gian thỏa thuận tuyến. Bên cạnh đó, công tác phối hợp thực hiện cải tạo vỉa hè, nâng cấp các tuyến đường do quận huyện quản lý chưa đồng bộ, dẫn đến đào đường nhiều lần hoặc phải cắt bỏ khối lượng thực hiện, trở ngại trong quá trình thực hiện các dự án. Với thực trạng nêu trên, nếu không có giải pháp quyết liệt, việc ngầm hóa hệ thống điện ở TPHCM sẽ khó hoàn thành theo kế hoạch.

Link gốc

 

Theo: SGGP