TBA 100kV Thanh Thủy vận hành theo chế độ không người trực.
Qua đó góp phần tiết kiệm điện năng, giảm thiểu sự cố, cung cấp điện an toàn, ổn định đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Chúc - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: Định hướng phát triển ngành Điện là nâng cao hiệu quả và thân thiện với môi trường nên đòi hỏi hệ thống điện phải ngày càng trở nên thông minh và minh bạch hơn, vì vậy, Công ty đã đẩy mạnh số hóa, tích cực ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, nâng cao chất lượng cung cấp điện năng và tăng thêm tiện ích cho khách hàng sử dụng điện. Hiện nay 75% hệ thống đo đếm điện năng đã được tự động hóa. Toàn bộ hoạt động của hệ thống điện trên địa bàn tỉnh đều được điều khiển một cách thống nhất và hiệu quả từ Trung tâm Điều khiển xa (Công ty Điện lực Phú Thọ) qua các phần mềm quản lý lưới điện, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Tháng 1/2023, dự án trạm biến áp (TBA) 110kV Phú Hà, thị xã Phú Thọ chính thức được đóng điện. Đây là TBA kỹ thuật số đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. TBA 110kV Phú Hà có tổng mức đầu tư hơn 97,7 tỉ đồng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật để thực hiện các thao tác điều khiển, giám sát các thiết bị trên môi trường số, đảm bảo tốc độ truyền - nhận nhanh và tính chính xác cao, cải thiện độ an toàn và giảm nguy cơ chạm chập trong quá trình vận hành, tăng độ tin cậy cung cấp điện.
Việc đóng điện thành công TBA 110kV Phú Hà có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp điện chất lượng cao cho Khu công nghiệp Phú Hà và các khu vực lân cận; hỗ trợ chống quá tải cho các TBA 110kV trong khu vực, tạo động lực quan trọng trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến nay, 100% TBA 110kV do Công ty Điện lực Phú Thọ quản lý đã kết nối về Trung tâm Điều khiển xa, vận hành theo chế độ không người trực. Qua đó không chỉ góp phần quan trọng trong việc giảm nhân lực, nâng cao năng suất lao động mà còn đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện.
Trung tâm Điều khiển xa điều khiển mọi hoạt động của hệ thống điện trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, thời gian qua, nhờ triển khai hiệu quả ứng dụng DMS (hệ thống phần mềm tự động hỗ trợ việc quản lý, giám sát và điều khiển tối ưu lưới điện phân phối) đã nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát và điều khiển tối ưu lưới điện phân phối.
Ông Lê Tuấn Anh - Trưởng Trung tâm điều khiển xa, Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: Ngay khi có sự cố điện, hệ thống SCADA tại Trung tâm điều khiển xa đưa ra thông tin cảnh báo cho người vận hành có thể kiểm tra phân đoạn được vùng sự cố và vùng không có sự cố nhưng bị mất điện. Từ các thông số tính toán DMS đưa ra, người vận hành sẽ chọn phương án tối ưu và chọn để tạo phiếu tự động đóng/cắt các máy cắt theo phương án DMS đã chọn và khôi phục cấp điện cho khách hàng; đồng thời cách ly, cô lập khu vực sự cố ra khỏi vận hành để sửa chữa. Tiến trình này diễn tra trong khoảng 2 phút, qua đó khôi phục cấp điện nhanh chóng giúp rút ngắn thời gian gián đoạn cung cấp điện.
Công nghệ chữa điện hotline (sửa điện mà không cần cắt điện) được tăng cường giúp khắc phục các khiếm khuyết trên lưới điện kịp thời và nhanh chóng, từ đó góp phần giảm các sự cố xảy ra trên lưới điện. Trong năm 2022, Công ty Điện lực Phú Thọ đã thực hiện 480 phiên sửa chữa điện hotline. Việc đấu nối, sửa chữa, vệ sinh trên đường dây đang mang điện nhưng không cắt điện sẽ không gây gián đoạn quá trình sản xuất, sinh hoạt của người dân, đem lại lợi ích không nhỏ cho khách hàng sử dụng điện.
Ứng dụng hiệu quả sửa chữa điện hotline góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Bên cạnh đó, việc sử dụng camera nhiệt kiểm tra lưới điện vào các giờ cao điểm trong những ngày thời tiết nắng nóng khi phụ tải tăng cao, đặc biệt tại các vị trí dao cách ly, máy cắt, đầu cực máy biến áp, lèo, mối nối, aptomat… đã giúp đơn vị phát hiện sớm hiện tượng phát nhiệt bất thường do quá tải hay lỗi thiết bị nhằm xử lý và sửa chữa kịp thời.
Nhờ ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh của ngành Điện đã nâng cao năng lực vận hành lưới điện, xử lý linh hoạt, ứng phó kịp thời với mọi tình huống phát sinh, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Năm 2022, chỉ số SAIDI (chỉ số thời gian mất điện trung bình của hệ thống) là 1.944,88 phút, giảm 796,6 phút so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tổn thất điện năng theo chu kỳ thương phẩm giảm còn 4,72%, giảm 0,3% so với năm 2021.
Năm 2022, Công ty Điện lực Phú Thọ đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 473,28 triệu kWh, tăng 7,30% so cùng kỳ năm 2021; doanh thu điện năm 2022 đạt 6.275,48 tỷ đồng.
“Để hoàn thiện hệ thống lưới điện thông minh, thời gian tới Công ty Điện lực Phú Thọ tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin; khai thác sử dụng hiệu quả các ứng dụng, phần mềm trong công tác quản lý kỹ thuật, vận hành lưới điện; hoàn thiện việc kết nối toàn bộ các thiết bị đóng, cắt trên lưới điện về Trung tâm Điều khiển xa. Đồng thời tổ chức đào tạo nhân lực kỹ sư SCADA chuyên sâu, đào tạo cho nhân viên trong việc trực vận hành các thiết bị mới, xử lý sự cố từ xa… Qua đó thực hiện tốt các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kỹ thuật, vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, liên tục, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh” - Ông Phạm Văn Chúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết.
Link gốc