Tự động hóa lưới điện phân phối, cần chú trọng yếu tố con người

Thứ sáu, 10/3/2023 | 13:35 GMT+7
Một trong những lý do cần áp dụng giải pháp tự động hoá lưới điện phân phối là vì hệ thống phát triển ngày càng phức tạp với hàng trăm ngàn máy biến áp, bộ điều khiển và các trạm điện…

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh Trang/BNEWS/TTXVN

Tự động hóa lưới điện phân phối để cung cấp điện tốt nhất cho khách hàng là nhấn mạnh của Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân tại Hội thảo Tự động hóa lưới điện phân phối, diễn ra ngày 9/3 tại thành phố Đà Nẵng. 

Hội thảo do EVN tổ chức nhằm trao đổi việc triển khai trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực, hệ thống SCADA/DMS và chia sẻ kinh nghiệm phát triển tự động hoá lưới điện phân phối của đơn vị thành viên.

Tại hội thảo, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đặc biệt nhấn mạnh về tiêu chí hiệu quả khi triển khai thực hiện tự động hóa lưới điện phân phối. Thực tế mức độ tự động hóa tại 5 tổng công ty điện lực đang khác nhau, do vậy Tổng giám đốc EVN yêu cầu cần có chỉ tiêu, thước đo cụ thể để đánh giá thực trạng từng đơn vị, từ đó có mục tiêu, định hướng rõ ràng trong phát triển tự động hóa lưới điện phân phối, thực hiện hiệu quả để cung cấp điện tốt nhất cho người dùng điện.

Theo ông Trần Đình Nhân, trong bối cảnh ngành Điện Việt Nam hiện nay có sự xâm nhập cao của các nguồn năng lượng tái tạo, việc thực hiện tự động hóa lưới điện phân phối sẽ phải có sự phối hợp, không tách rời giữa Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các Tổng công ty Điện lực.

Theo Ban Kỹ thuật sản xuất EVN, có nhiều góc độ xem xét đánh giá mức độ tự động hoá trong vận hành lưới điện phân phối. Một số hạng mục chủ yếu gồm: Tự động giám sát, tự động bảo vệ, điều khiển xa thiết bị trạm biến áp 110kV; điều khiển xa thiết bị trung áp; tự động điều khiển thiết bị; đo xa; tự động ngừng hoặc khôi phục cung cấp điện cho phụ tải; điều khiển mức tiêu thụ của phụ tải; giám sát chất lượng điện năng từ xa; tự động điều khiển quá trình phát, phân phối và lưu trữ để tối ưu vận hành năng lượng tái tạo; ứng dụng IoT, AI trong dự báo nguồn, tải và tối ưu vận hành…

Ban Kỹ thuật sản xuất cho biết, một trong những lý do cần áp dụng giải pháp tự động hoá lưới điện phân phối là vì hệ thống phát triển ngày càng phức tạp với hàng trăm ngàn máy biến áp, bộ điều khiển và các trạm điện… Việc quản lý và vận hành toàn bộ hệ thống bằng các phương pháp giản đơn, truyền thống là không hiệu quả, tốn kém và không đáp ứng được yêu cầu vận hành.

Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió, lượng điện sản xuất và sử dụng trên lưới điện phân phối ngày càng tăng cũng là thách thức trong vận hành.

Khi áp dụng giải pháp tự động hoá lưới điện phân phối, các thiết bị và trạm điện được kết nối và giám sát thông qua các hệ thống tự động, điều này giúp quản lý và vận hành hệ thống trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu sự cố do sai sót của con người gây ra.

Cũng theo Ban Kỹ thuật sản xuất EVN, hiện nay, các Tổng công ty Điện lực đều đã triển khai hầu hết các ứng dụng tự động hoá lưới điện phân phối. Một số hạng mục tự động hóa đạt mức độ thực hiện 100% tại cả 5 Tổng công ty Điện lực như: tự động giám sát trạm biến áp; tự động bảo vệ (các hệ thống bảo vệ trạm biến áp và đường dây khi có sự cố); điều khiển xa thiết bị trạm biến áp 110kV; trạm biến áp 110kV tự động điều chỉnh điện áp…


Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Minh Trang/BNEWS/TTXVN

Đối với việc triển khai hệ thống SCADA/DMS/DAS tại các đơn vị, hiện nay, các Tổng công ty Điện lực đã đầu tư trang bị các hệ thống SCADA/DMS cho lưới điện phân phối, nhưng việc khai thác chức năng DMS (Distribution Management System) tại các Tổng công ty Điện lực ở các mức độ khác nhau.

Về lộ trình tự động hóa lưới điện phân phối, Ban Kỹ thuật Sản xuất EVN cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu các ứng dụng smart grid (lưới điện thông minh) trong lĩnh vực quản lý năng lượng, quản lý lưới điện và quản lý phụ tải. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng giải pháp về quản lý điều khiển nhà máy điện ảo – VPP (virtual power plants); nghiên cứu ứng dụng microgrid (lưới điện vi mô)…

Hội thảo cũng dành thời gian trao đổi về những thách thức mà EVN và các đơn vị sẽ phải giải quyết trên lộ trình tự động hóa lưới điện phân phối, như: vấn đề hoàn thiện hạ tầng lưới điện, hệ thống SCADA/DMS, vấn đề an ninh mạng. Đồng thời, cần có nguồn nhân lực chất lượng cho công tác SCADA/DMS, cần đào tạo chuyên nghiệp để các đơn vị có khả năng tự thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu tự động hóa…

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải nhận định, nhìn chung mức độ tự động hóa của đơn vị phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm kết lưới, số lượng thiết bị đóng cắt, số lượng thiết bị được điều khiển xa, mức độ tích hợp tự động hoá...

Thực tế, tùy điều kiện lưới điện, các đơn vị thực hiện các nội dung tự động hoá phù hợp nhằm mục tiêu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ khách hàng, tối ưu vận hành hệ thống và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Tuy giải pháp thực hiện tại các đơn vị có thể khác nhau, tuy nhiên, trong toàn Tập đoàn phải thống nhất về mục tiêu, định hướng.

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải lưu ý, khi thực hiện tự động hóa lưới điện phân phối, cần chú trọng yếu tố con người để quản lý, phát triển, duy trì các hệ thống tự động vận hành đúng chức năng, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Link gốc

 

Theo: BNews