Công nhân Điện lực Pleiku sử dụng flycam kiểm tra lưới điện trung áp.
“Sử dụng flycam kiểm tra phát hiện ngăn ngừa sự cố lưới điện, tiết kiệm được nhân công, sức lao động”, đó là khẳng định của ông Huỳnh Văn Hóa – Đội trưởng Đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp (QLVHĐZ & TBA) Điện lực Pleiku.
Theo ông Huỳnh Văn Hóa, trước kia thực hiện kiểm tra định kỳ đường dây, sứ cách điện hay mỗi lần bị sự cố lưới điện do phóng sứ cách điện, ngành điện phải bố trí số lượng lớn công nhân leo trèo từng cột điện để kiểm tra, phát hiện và xử lý, tốn rất nhiều thời gian và công sức nhân viên vận hành, chưa kể còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Nay chỉ cần thiết bị flycam và 01 công nhân đứng dưới đất điều khiển là có thể kiểm tra tất cả các khiếm khuyết trên lưới điện, kể cả các đường dây khó tiếp cận như nằm sâu trong đất vườn nhà dân, khu vực đi ra rừng phòng hộ và các cung đoạn đường dây đi qua địa hình đồi núi chia cắt, hiểm trở.
Thông qua những hình ảnh mà flycam chụp được sẽ dễ dàng nhận diện được các đối tượng trên lưới điện như: cánh điện đường dây, loại dây dẫn, dây chống sét, chống sét van, khóa đỡ/khóa néo, tạ chống rung, lèo, mối nối, chủng loại cột, xà, dây buộc cổ sứ, loại thiết bị đóng cắt/phân đoạn… qua đó, nhận diện được các tồn tại trên lưới điện như cách điện thủy tinh bị vỡ/mất bát, bị bẩn, bị phóng điện, dây dẫn bị tưa, ăn mòn, xà bị nghiêng, xê dịch… Theo đó, đơn vị sẽ triển khai thực hiện gắn nhãn đối tượng, tồn tại và đã phát huy hiệu quả, giúp nhận diện nhanh chóng các thông tin cho từng đối tượng cụ thể của lưới điện.
Hiện Điện lực Pleiku đang quản lý 452,76 km đường dây trung thế; 883,28 km đường dây hạ thế. Toàn thành phố có 880 trạm biến áp, trong đó có 423 trạm biến áp phân phối cấp điện cho khách hàng sinh hoạt, 457 trạm biến áp chuyên dùng. Với số lượng đường dây, trạm biến áp như trên, nếu thực hiện kiểm tra thủ công như trước sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức.
Bởi vậy, việc sử dụng công nghệ flycam giúp cán bộ, công nhân viên ngành điện quản lý, vận hành đường dây hành lang tuyến từ trên cao, ở những cung đoạn đường dây có địa hình phức tạp, khó tiếp cận. Qua áp dụng công nghệ flycam, rất nhiều điểm nguy cơ được phát hiện và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, thiết bị flycam còn được sử dụng trong công tác nghiệm thu các đường dây trên không chuẩn bị đưa vào vận hành, cũng như kiểm tra các hạng mục cách điện, phụ kiện, dây dẫn, dây chống sét, hành lang… dọc theo tuyến đường dây. Trong năm 2022, Điện lực đã thực hiện kiểm tra 125 đường dây trung áp và nhánh rẽ với tổng số 3.546 vị trí, 499 trạm biến áp, 1.203 thiết bị đóng cắt, bảo vệ, phát hiện được 06 vị trí có tồn tại.
Điện lực Pleiku kiểm tra phát hiện tồn tại trên lưới điện bằng thiết bị flycam.
Nhờ thực hiện tốt việc áp dụng công nghệ vào công tác quản lý vận hành, kiểm tra lưới điện đã sớm ngăn ngừa được các nguy cơ gây ra mất sự cố dẫn đến mất điện, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Theo thống kê, trong năm 2022, trên địa bàn Điện lực Pleiku quản lý đã xảy ra 22 vụ sự cố, giảm 71 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2023, Điện lực Pleiku ưu tiên kiểm tra định kỳ các đường dây, nhánh rẽ, TBA các khu vực thường xảy ra giông sét, các xuất tuyến hay xảy ra sự cố, các đường dây có thời gian vận hành lâu. Theo kế hoạch, dự kiến đơn vị sẽ thực hiện kiểm tra 158 đường dây và nhánh rẽ với tổng số 4.015 vị trí, 397 trạm biến áp và 968 vị trí thiết bị đóng cắt, bảo vệ.
Được biết, thực hiện chương trình chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu công nghiệp 4.0 trong việc kiểm tra, đánh giá tình trạng vận hành của các thiết bị trên lưới điện để nâng cao công tác quản lý vận hành lưới điện theo chủ trương của EVNCPC, PC Gia Lai đã trang bị cho phòng chuyên môn và các Điện lực thiết bị flycam để phục vụ công tác kiểm tra đường dây trung áp và đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp tiết kiệm thời gian, công sức của nhân viên vận hành lưới điện, qua đó góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.