Sự kiện

Hiệu quả mang lại từ Dự án cấp điện các thôn buôn 5 tỉnh Tây Nguyên

Thứ năm, 13/8/2009 | 09:48 GMT+7

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển KTXH Tây Nguyên như Quyết định 168 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình 135, Chương trình 134... Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, làm thay đổi căn bản diện mạo kinh tế-xã hội của vùng đất có vị  trí chiến lược xung yếu về kinh tế, chính trị này. 

 Công trình cấp điện cho Làng phong (xã IaKriêng) đã được đóng điện gần 1 năm

Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên cũng không nằm ngoài mục tiêu góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh Tây Nguyên; tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa nhằm đưa Tây Nguyên phát triển kinh tế-xã hội, theo kịp các khu vực khác trong cả nước và cũng thể hiện tính ưu việt của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa. Dự án có quy mô cấp điện cho 1.200 thôn, buôn, gồm 116.067 hộ dân chưa có điện ở Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư cho dự án sau khi đã điều chỉnh là 1.500 tỉ đồng (85% sử dụng vốn ngân sách, 15% sử dụng vốn ngành điện) do EVN làm chủ đầu tư. Đối với tỉnh Gia Lai, dự án này sẽ cấp điện cho 331 thôn buôn của 113 xã với trên 28 ngàn hộ gia đình được cấp điện. Đến nay đã đóng điện 60/331 thôn, buôn. Chúng  tôi đã có một chuyến đi đến các thôn buôn đã được đóng điện từ dự án và đã cảm nhận được hiệu quả dự án đem lại…

Sự thay đổi nơi có dự án

Chúng tôi trở lại Làng phong xã IaKriêng (huyện Đức Cơ, Gia Lai). Chỉ mới gần một năm kể từ khi Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên đầu tư xây dựng đường dây cung cấp điện phục vụ đời sống, sinh hoạt cho người dân nơi đây, đã có những đổi thay đến ngỡ ngàng.Vẫn con đường ngoằn ngoèo uốn lượn, trong cái không khí se lạnh của Tây Nguyên, nhưng vẫn có thể cảm nhận rõ cuộc sống sinh hoạt của người dân đã khác hẳn khi xưa từ khi có ánh điện; tiếng vui đùa của trẻ con như rộn rã hơn, tiếng máy thu thanh, truyền hình đã làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Tôi bắt gặp các cụ già đang ngồi xem tivi, nói cười vui vẻ. Ghé vào nhà già làng Rơ Lan Din, già niềm nở đón chúng tôi như một sự hãnh diện và hàm ơn (mặc dù Già vẫn biết ánh điện cho dân làng là do Nhà nước đầu tư xây dựng).  Già làng RơLan Din chủ động khoe với chúng tôi: Bây giờ nhà nào cũng có ti vi, tối lại không phải qua làng bên để xem, có nhà có máy bơm để bơm nước tưới tiêu, cà phê, điều mà làm tôi vui nhất là già làng cho chúng tôi biết trước kia một số người bị bệnh phong nhưng ngại không về đây sinh sống, nay có “cái điện” nên đã hội tụ lại nơi này. “Vui, vui lắm!”- Già RơLan Din hồ hởi nói.

Chia tay Làng phong tôi đến điểm thứ 2 đó là Thôn IaPôn xã IaKrêl. Thôn này có trên 100 hộ là người Kinh sinh sống,  đời sống bà con nơi đây sau khi thông được đóng điện đã thay đổi từng ngày, nhà nào cũng có ti vi, máy vi tính, đa số bà con nơi đây đã dùng điện để bơm tưới cho các cây công nghiệp. Hiệu quả của Dự án là như vậy, tuy nhiên hiện nay một số bà con chưa hiểu nên chưa phối hợp với các cấp để giao mặt bằng để các buôn làng còn lại được đóng điện trước Tết.

Để các buôn làng còn lại sớm đóng điện cần sự phối hợp từ nhiều phía

Ông Nguyễn Văn Thanh-Tổ trưởng tổ xung kích điều hành dự án 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum thuộc Ban QLDA Năng lượng nông thôn miền Trung cho tôi biết: Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng ở các huyện rất chậm, do nhiều lý do. Lý do lớn nhất là việc giải phóng mặt bằng 28 km đường rừng huyện Kbang, 8km đường rừng huyện Kông Ch’Ro, 2 huyện Ia Krai và Chư Pả gặp khó khăn trong khâu đền bù giải tỏa diện tích cao su. Số tiền đền bù giải phóng mặt bằng này tuy là lớn, nhưng đó không phải là vấn đề, mà khó khăn ở điểm để đạt được thỏa thuận với người dân phải mất rất nhiều thời gian. Một số hộ dân chưa thật sự hợp tác với chính quyền địa phương, thêm vào đó Tây  Nguyên đang là mùa mưa, các khu vực thuộc dự án còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa, để thi công các công trình điện các đơn vị phải dùng phương pháp thủ công cũng là những khó khăn không nhỏ, đòi hỏi cần có sự hợp tác giải quyết một cách căn cơ của ngành điện, sự phối hợp đồng bộ của chính quyền các cấp trong lãnh đạo chỉ đạo và từ cả phía người dân. Thời gian hoàn thành dự án chỉ còn chưa đầy 6 tháng- ông Nguyễn Văn Thanh giải bày với tâm trạng đầy lo lắng.

Để giải quyết những khó khăn trên với quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ, ngày 27/07/2009, tại thành phố Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc hợp bàn  các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cấp điện các thôn, buôn chưa có điện do đồng chí  Hoàng Công Lự-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chủ trì. Theo báo cáo của BQLDA Năng lượng nông thôn khu vực miền Trung, mới chỉ có 3/16 huyện, thị xã hoàn tất phê duyệt phương án bồi thường GPMB, các huyện, thị xã còn lại đang lập phương án.Việc chậm hoàn thành công tác phê duyệt phương án đền bù gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án, vì các hộ dân cản trở việc thi công do chưa được đền bù. Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Công Lự thay mặt UBND tỉnh đã thể hiện quyết tâm chỉ đạo của tỉnh là bằng mọi giá phải khắc phục khó khăn, hoàn thành dự án đúng tiến độ. Theo đó, đồng chí yêu cầu UBND các huyện phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị thi công và các cơ quan liên quan hoàn tất phương án đền bù GPMB trước ngày 30/08/2009.

Về phía Điện lực Gia Lai, đơn vị được PC3 giao nhiệm vụ khảo sát, thiết kế, thi công lắp đặt công tơ, đường dây sau công tơ và mạng điện trong nhà- ông Măng Đoàn-Giám đốc Điện lực Gia Lai cho biết: Lãnh đạo Điện lực Gia Lai đã tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo các phòng, ban, các chi nhánh tìm mọi biện pháp để thực hiện việc lắp đặt công tơ đúng tiến độ. Một trong các biện pháp thực hiện là tập trung nhân lực các Chi nhánh không có dự án về các Chi nhánh có dự án để thi công; vận động CBCNV làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật; giao cho Đoàn cơ sở vận động đoàn viên thanh niên nhận công trình một số thôn, buôn để thi công trong ngày nghỉ; kiên quyết tập trung mọi nguồn lực thực hiện Dự án với quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ, theo phương châm “Giải phóng mặt bằng đến đâu thi công đến đấy”.

Mặc dù việc cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện sẽ chồng chất thêm khó khăn cho ngành điện trong công tác quản lý vận hành và kinh doanh bán điện, nhưng vì sự nghiệp CNH- HĐH  nông thôn miền núi, với quyết tâm cao và sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều phía, hy vọng rằng Dự án cấp điện các thôn buôn chưa có điện ở tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Khó khăn còn nhiều ở phía trước, rất cần sự quyết tâm và nỗ lực của toàn thể CBCNV các đơn vị. Thêm những buôn làng có điện cũng là trách nhiệm và niềm vui của các cấp, các ngành được chia sẻ, đóng góp vào công cuộc chăm lo an sinh xã hội, phát triển kinh tế  vùng sâu, vùng xa. 

Theo: PC3