Sự kiện

Xoá vùng trắng về điện: Càng gần đích càng khó!

Thứ ba, 11/8/2009 | 10:29 GMT+7

Chỉ còn chưa đầy 200 xã thuộc khu vực các tỉnh miền núi phía bắc phải dùng nguồn năng lượng khác do chưa có điện lưới quốc gia. Song, việc xoá vùng trắng điện lại không dễ dàng, do suất đầu tư lớn và một loạt khó khăn trong quản lý.

Còn nhiều thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia. Ảnh: C.V
Theo thống kê đến giữa năm 2009, trên địa bàn cấp điện 24 tỉnh phía bắc do Cty điện lực I (PCI) quản lý hiện vẫn còn 2 huyện, 199 xã với gần 390 nghìn hộ dân chưa được dùng điện lưới quốc gia. Hầu hết trong số này đều nằm trong các khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc ít người với địa hình và điều kiện đi lại gian khổ. Chính bởi những khó khăn này mà việc kéo lưới điện quốc gia về các khu vực trên gặp hàng loạt khó khăn về đầu tư, quản lý sau vận hành. 

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có đến 61 bản nằm dọc 200km đường biên giới Việt-Lào, với hầu hết là dân tộc thiểu số. "Ngoài khó khăn trong thi công, địa hình miền núi hiểm trở cũng khiến suất đầu tư cho lưới điện nông thôn ở những khu vực trên tăng cao, làm ảnh hưởng rất nhiều đến mục tiêu đưa điện  lưới đến người dân" - Giám đốc Điện lực Sơn La - ông Lê Quang Thái phân trần.

Cùng với việc phát triển lưới điện theo kế hoạch, nhiều tỉnh miền Bắc đang đẩy mạnh thực hiện dự án năng lượng nông thôn II (REII) và REII mở rộng, nhằm đưa điện lưới quốc gia đến 100% số xã vào cuối năm 2010. Với mục tiêu đưa điện tới 100% số xã, đa dạng hoá các nguồn đầu tư theo như nhiều đánh giá là phương án hiệu quả nhất, thay vì chỉ chờ vào các dự án riêng của ngành điện.

Với địa hình khó khăn và từ chỗ chỉ sử dụng nguồn phát điện diesel và thuỷ điện nhỏ, đến nay Điện Biên đã đưa điện lưới tới 100% huyện, thị và dự kiến đến hết năm 2009 sẽ có 92/112 xã phường, thị trấn với 72% số hộ dân được dùng nguồn điện này. Nhờ đa dạng nguồn đầu tư, hiện chỉ còn 8/20 xã trắng chưa có điện và chưa có dự án đầu tư tại huyện Mường Nhé.

Cũng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Sơn La đến nay đã đưa điện lưới đến 100% số huyện, 98% số xã với 73% số hộ. Song nếu mục tiêu đưa điện đến 100% xã ngày càng hiện thực hoá, việc đưa điện lưới đến 100% số thôn bản lại là một bài toán khác, cần sự đong đếm giữa hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội.

Với 88 xã đặc biệt khó khăn, Sơn La còn có hai vùng trọng điểm tái định cư (TĐC) do ảnh hưởng của thuỷ điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La. Trong đó, dù việc cấp điện cho các xã TĐC thuỷ điện Hoà Bình được thực hiện từ năm 1988, đến nay vẫn còn một số bản của xã Tân Hợp (Mộc Châu) và Chiềng Hoa (Mường La) chưa có điện. 

Nhiều ý kiến cho rằng, ở những khu vực đặc biệt khó khăn về địa hình khiến việc thi công kéo lưới không thực hiện được, hoặc suất đầu tư quá lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ không cao, cần tìm kiếm một nguồn năng lượng khác hợp lý và hiệu quả hơn như máy phát diesel, thuỷ điện nhỏ hay quang năng, chứ không nhất thiết phải dùng điện lưới.

Theo: Lao Động số 180