Sự kiện

Điện lực Hà Giang thắp sáng biên cương

Thứ tư, 5/8/2009 | 10:51 GMT+7

Là tỉnh địa đầu của Tổ quốc với địa hình tương đối phức tạp, trong đó chủ yếu là rừng rậm, núi cao. Hai chữ Hà Giang từng gợi nhắc đến một vùng đất hoang sơ, nghèo nàn. Tuy nên, những năm qua, Hà Giang đã có những bước tiến dài về kinh tế, xã hội, góp phần làm “thay da đổi thịt” vùng đất biên cương thân yêu. Thành tựu đó, không thể không nói đến vai trò “đi trước” của ngành Điện, một trong những yếu tố thức đẩy sự phát triển toàn diện của Hà Giang, như người ta thường nhấn mạnh: Điện, đường, trường, trạm.

Công nhân Điện lực Hà Giang bảo dưỡng trạm biến áp.

Khó khăn ngành Điện vùng cao

Đến với vùng cao Hà Giang, cùng đi thực tế với những người làm điện, mới thấy được hết các khó khăn, vất vả mà người trong Ngành phải trải qua, và trong số các địa phương vùng cao mà tôi có dịp đến, thì Hà Giang nằm trong tốp “những đơn vị khó khăn nhất” trong chiến lược phát triển ngành Điện.

Hiện Hà Giang được cấp điện từ hai trạm biến áp 110kV, với dung lượng 57 MVA và 08 trạm thủy điện nhỏ trên địa bàn. Nguồn cung điện của Hà Giang chủ yếu mua của Trung Quốc, trong khi các thủy điện trên địa bàn Tỉnh lại có công suất nhỏ và không ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết, địa bàn dân cư phân bố rộng và không tập trung. Đây chính là những khó khăn thách thức lớn nhất với Điện lực Tỉnh. Do nhận thức được vai trò quan trọng của điện trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Điện lực Hà Giang đã khắc phục nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để cơ bản cung cấp đủ và ổn định nguồn điện cho khách hàng. Đến nay, 100% số xã có điện lưới quốc gia, với 88.498 hộ. Việc mở rộng mạng lưới và tạo nguồn cung cấp điện ổn định cho phụ tải của Điện lực Hà Giang đã góp phần to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Nhờ có điện, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tạo các vùng quê có được cơ hội phát triển, chương trình điện khí hóa nông thôn nhờ đó đã mang lại những hiệu quả to lớn.

Là tỉnh vùng núi chưa có nhiều các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nên trên 65% tổng sản lượng điện được bán lẻ trực tiếp đến từng hộ. Đây là một yếu tố thuận lợi trong quản lý giá điện ở Hà Giang (toàn tỉnh không có xã bán điện trên 700 đ/kWh), tuy nhiên đây cũng lại là một khó khăn cho công tác quản lý, nhân lực. Trung bình, một nhân viên Điện lực tuyến huyện phải đo 40-50 km/ngày để bảo dưỡng, sửa chữa và thu tiền điện tại các xã miền núi. Có dịp được “kề vai sát cánh”, cùng lặn lội với các ánh mới thấy được hết những khó khăn, vất vả mà CBCNV ngành Điện vùng cao phải gánh vác. Vất vả lắm, nhưng thật ý nghĩa, bởi trong tôi bỗng chợt nhớ đến lời bài hát “Hà Giang quê tôi”, một sự đồng cảm nhẹ nhàng cất lên thành lời hát “Khắp vùng cao giờ đang đổi mới, những nhà máy lại vang tiếng còi tầm, tiếng nhạc ngựa vui theo nguồn hàng. Về Yên Biên vui chợ phiên, ôi đẹp sao đây Hà Giang quê tôi đang đổi mới … Điện về muôn nơi vui tiếng trẻ thơ …”

Đảm bảo năng lượng để phát triển

Bên cạnh nỗ lực tạo nguồn cung cấp đáp ứng điện cho khách hàng trong Tỉnh, Điện lực Hà Giang còn thường xuyên tiến hành bảo trì, bảo dưỡng đường dây, đẩy nhanh tiến độ của 10 nhà máy thủy điện trên địa bàn và các công trình xây dựng điện như: Thủy điện Bát Đại Sơn (dự kiến đưa vào khai thác cuối năm nay), Thủy điện sông Chừng, sông Bạc, Thái An, đường dây 35kV cấp điện cho Nhà máy Xi măng mở rộng, phối hợp thi công đường dây 110kV Hà Giang – Yên Minh.

Một hoạt động nổi bật của Điện lực Hà Giang góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm gánh nặng thiếu điện là việc triển khai các hoạt động tiết kiệm điện năng. Từ năm 2007, Điện lực đã xây dựng đề án tiết kiệm điện trên địa bàn Tỉnh. Sau gần 2 năm thực hiện, đề án này đã mang lại hiệu quả rõ rệt và hiện vẫn đang tiếp tục được triển khai. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Điện lực Hà Giang còn chủ động tuyên truyền về tiết kiệm và sử dụng nguồn năng lượng có hiệu quả, tích cực vận động người dân thay mới và sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện, giảm bớt gánh nặng tiêu thụ điện cho công tác chiếu sáng tại địa phương. Trong năm 2009, Hà Giang dự kiến thay thế toàn bộ bóng huỳnh quang T10 bằng T8 tại tất cả các hộ sử dụng điện trên địa bàn và đưa vào sử dụng 19.458 đèn compact.

Do thiếu điện, nên việc cắt điện luân phiên tại Hà Giang là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bằng những biện pháp như can thiệp kỹ thuật, đổi mới thiết bị, bảo dưỡng đường dây, tránh thất thoát và làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nên Hà Giang đã hạn chế tối đa tình trạng cắt điện, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của khách hàng. Điện lực Tỉnh cũng lên kế hoạch cung cấp điện cho những khách hàng quan trọng như bệnh viện, các khối ban ngành, các nhà máy, xí nghiệp trọng điểm của Tỉnh.

Công tác sửa chữa, vận hành đường dây cũng được chú ý quan tâm, do đó đã giảm được các sự cố về lưới điện. Hiện nay, Điện lực Hà Giang đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 vào hoạt động của mình. Đây là một nỗ lực rất lớn của một điện lực miền núi, cũng là tiền đề để đơn vị qản lý có hiệu quả hoạt động của mình, phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

Trên đường đưa tôi ra bến xe về Hà Nội, ông Thiện – Giám đốc Điện lực Hà Giang bộc bạch: “Khó khăn và thách thức trước mắt còn rất nhiều, nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm bảo đảm nguồn năng lượng huyết mạch cho Tỉnh nhà, để Hà Giang nhanh chóng thoát nghèo, phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, để thực hiện điều đó, anh em ngành Điện đều biết mình phải đi tiên phong”. Năm 2009, Điện lực Hà Giang đang phấn đấy đạt sản lượng điện thương phẩm 120.000 triệu kWh, tỷ lệ tổn thất ở mức 6,1%, doanh thu trên 100 tỷ đồng, tôi tin ngành Điện Hà Giang sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra. Chia tay với lời hẹn lần sau sẽ có dịp lên Hà Giang để viết về các công trình thủy điện, một dự định thú vị và tôi mong chờ điều đó.

Theo: Tạp chí CN T7/2009