Hiệu quả từ việc sử dụng điện mặt trời áp mái

Thứ hai, 6/5/2019 | 14:22 GMT+7
Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn TP. Pleiku ngày một tăng. Trước sức ép về áp lực điện, nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt, đưa vào ứng dụng công nghệ mới điện mặt trời áp mái với ưu thế chi phí thấp, tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường.
Công nghệ điện mặt trời áp mái giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
 
Hệ thống điện mặt trời áp mái gồm hệ thống pin năng lượng mặt trời có nhiệm vụ thu nhận, chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng và bộ chuyển đổi nguồn điện (Inverter), có nhiệm vụ chuyển đổi nguồn điện một chiều của pin mặt trời sang điện xoay chiều với điện áp và tần số phù hợp với lưới điện.
 
Hệ thống điện mặt trời áp mái được hoạt động theo nguyên lý khi có ánh sáng mặt trời chiếu vào pin mặt trời sẽ được biến đổi thành dòng điện một chiều theo hiệu ứng quang điện. Dòng điện một chiều này sẽ được thiết bị inverter chuyển đổi thành dòng điện xoay chiều với điện áp và tần số đúng chuẩn để hòa lưới điện quốc gia. Lúc này, phụ tải tiêu thụ điện được cấp điện bởi cả hai nguồn điện song song, sẽ ưu tiên sử dụng điện mặt trời. Nếu điện mặt trời không sản sinh đủ cung cấp cho hệ thống thì các tải tiêu thụ sẽ nhận điện từ điện lưới. Khi nguồn năng lượng mặt trời cấp thừa cho phụ tải thì phần thừa đó sẽ phát lên lưới điện để bán cho ngành Điện.
 
Nhà ông Lê Tuấn Thành (tổ 5, phường Ia Kring, TP. Pleiku) hai năm nay đã không còn lo về việc phải tiết kiệm điện tối đa để giảm chi phí, bởi gia đình ông đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Tận dụng tối đa diện tích mặt bằng mái nhà, ông Thành đã tiến hành lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái gồm 3 tấm pin năng lượng mặt trời với chi phí đầu tư khoảng 25 triệu đồng. Điện năng được sản sinh ra cung cấp đủ cho cả gia đình dùng, còn dư thì sẽ bán cho ngành điện với giá 2.134 đồng/kwh. Trong khi sử dụng, nhất là vào buổi tối, nếu hệ thống không đủ ánh sáng sản sinh điện năng thì sẽ sử dụng điện từ ngành điện. “Trước đây khi chưa lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, gia đình tôi phải chi trả điện sinh hoạt gần 1 triệu đồng. Khi lắp đặt hệ thống này rồi, gia đình tôi hầu như không phải trả tiền điện mà còn dư một ít điện bán cho Điện lực TP. Pleiku. Tôi cảm thấy rất việc sử dụng hệ thống này rất hiệu quả, tiết kiệm”. Anh Thành chia sẻ.
 
Là một công ty chuyên lắp đặt đường dây trung thế, tủ điện và gia công các cột bảng điện, trụ điện… vì vậy, Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Quang (458 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) thường xuyên sử dụng các thiết bị tiêu hao điện năng cao như máy hàn, máy tiện. Trong quá trình thi công, đặc biệt vào giờ cao điểm, công ty lại càng phải sử dụng nhiều điện năng hơn. Trung bình mỗi tháng, công ty phải trả chi phí sử dụng điện năng khoảng 6 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Cường-Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Quang, nhận định: “Hiện nay, công ty đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái có 18 tấm pin với tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng. Từ đó, công ty chỉ phải trả chi phí gần 2 triệu đồng/ tháng vì nhiều khi phải hoạt động cả buổi tối. Tuy nhiên, ban ngày chúng tôi dư điện năng và bán cho ngành điện khoảng 100kwh/ngày và cắt được giá bậc thang hoặc giá điện giờ cao điểm ban trưa. Chúng tôi đang xem xét để lắp đặt thêm hệ thống này”.
 
Trước áp lực về nhu cầu năng lượng, ngoài việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì giải pháp sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái là một giải pháp hiệu quả, giúp các hộ dân, doanh nghiệp đã tiết kiệm đến hơn 90% chi phí điện năng hàng tháng cho quá trình sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời, giảm tải áp lực đầu tư nguồn điện và góp phần tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
 
Ông Phan Thành Chung-Phó Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Pleiku cho biết: hiện nay, trên đại bàn TP Pleiku đã có 27 khách hàng đã lắp hệ thống mặt trời áp mái với tổng công suất khoảng 200kWp và gần 2500kWh phát lên lưới điện của Điện lực. Để giúp khách hàng tiếp cận với công nghệ mới này, chúng tôi sẽ hỗ trợ khách hàng trong việc tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục mua bán, nghiệm thu hệ thống pin mặt trời, thay công tơ đo đếm 2 chiều… đảm bảo không quá 2 ngày làm việc sẽ cho hòa lưới điện. Đồng thời, vận động các khu công nghiệp có diện tích không gian trên mái nhà lớn lắp đặt công nghệ điện mặt trời áp mái để tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
Theo: CPC