Công nhân lắp đặt điện mặt trời trên sân thượng một cao ốc tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Theo EVN HCMC, con số này dự kiến tăng lên bởi Bộ Công thương đã có thông tư "gỡ vướng", hướng dẫn mua bán điện, đồng thời Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mới đây cũng đã có văn bản hướng dẫn cách thức thanh toán tiền điện đối với các hộ gia đình lẫn doanh nghiệp.
Về giá mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, bà Nguyễn Ngọc Tường Vi, quyền trưởng ban kinh doanh EVN HCMC, cho biết các hợp đồng mua bán điện mặt trời có ngày vận hành thương mại trước 1-7-2019, giá mua điện sẽ là 9,35 cent/kWh và thời hạn hợp đồng là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Cụ thể, EVN hướng dẫn giá mua điện đối với các dự án vận hành thương mại trước ngày 1-1-2018 là 2.086 đồng/kWh. Dự án vận hành thương mại từ 1-1-2018 đến 31-12-2018 có giá mua điện là 2.096 đồng/kWh và vận hành từ 1-1-2019 đến 31-12-2019 có giá mua điện là 2.134 đồng/kWh. Các giá mua điện này chưa tính thuế giá trị gia tăng. Từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện vẫn tính là 9,35 cent/kWh và được xác định từng năm dựa theo tỉ giá trung tâm của đồng VN với đôla Mỹ.
Đối với việc thanh toán tiền điện, bà Vi cho biết hình thức thanh toán sẽ là chuyển khoản, phí chuyển khoản do chủ đầu tư chịu. Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp có phát hành hóa đơn, hằng tháng Công ty Điện lực sẽ nhận hóa đơn và thanh toán tiền điện theo hóa đơn do chủ đầu tư phát hành. Còn đối với chủ đầu tư là gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn, hằng tháng Công ty Điện lực sẽ lập bảng kê để thanh toán tiền điện cho chủ đầu tư, số tiền thanh toán này không bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Các hộ dân lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà sẽ thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và nhận riêng biệt của côngtơ điện đo đếm hai chiều - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ông Phạm Quốc Bảo, tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết trong năm 2019, TP.HCM sẽ lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt dự kiến từ 50-80 MW. Theo ông Bảo, trên địa bàn TP hiện có hơn 18.000 khách hàng tiềm năng để lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và EVN HCMC đã gặp gỡ, tiếp xúc với một nửa số khách hàng trên để giới thiệu về mô hình điện mặt trời trên mái nhà. Riêng đối với khách hàng là các doanh nghiệp lớn, EVN HCMC sẽ tổ chức hội nghị khách hàng ở các khu chế xuất, khu công nghiệp để quảng bá, lắp điện mặt trời trên mái nhà.
Theo ông Bảo, con số khả thi từ tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) thì trên các cao ốc ở TP.HCM có tiềm năng lắp đặt điện mặt trời với công suất lắp đặt 150 – 200 MW, nếu tính cả hộ dân thì có thể lên đến cả ngàn MW. Ngoài ra, vị đại diện của EVN HCMC cũng cho biết TP.HCM có thể đầu tư điện mặt trời, nối lưới với tổng công suất lên đến 400-500 MW mà không ảnh hưởng đến lưới điện.